Bốn điểm nhấn chính sách để thúc đẩy nội lực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng năm 2024

Đây là những điểm mới trong 2 Nghị quyết quan trọng của Quốc hội và Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024...

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Việt Dũng.

Tham gia phiên thảo luận với chủ đề "Thúc đẩy cơ chế chính sách, phát huy nội lực và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới" tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (VESF) lần thứ 16, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu bật 4 điểm nhấn chính sách cho thấy quyết tâm hành động của Chính phủ và Quốc hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay.

Đây là những điểm mới trong Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ.

Thứ nhất, về phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh 16 chữ vàng với 4 thông điệp hành động Kỷ cương Trách nhiệm, Chủ động Kịp thời, Tăng tốc Sáng tạo và Hiệu quả Bền vững.

Theo ông Hiếu, ở đây có các nhóm giải pháp như thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững.

"Điểm mới là các động lực cho phát triển xanh và bền vững, yêu cầu vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh và phát triển bền vững", ông Hiếu chỉ ra,

Bên cạnh đó, liên quan tới việc hoàn thiện thể chế, các Nghị quyết nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

"Thậm chí trong nghị quyết của Quốc hội đã nói rất rõ một ý là yêu cầu Chính phủ sớm có giải pháp để ưu tiên thu hút đầu đầu tư và đẩy nhanh các dự án xanh, đặc biệt là truyền tải phân phối, đảm bảo cung ứng điện", ông Hiếu cho biết.

Thứ hai,các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đều nêu bật các giải pháp nhằm tận dụng những thành tựu lớn về ngoại giao kinh tế của năm qua. Trong đó, 2 nhóm giải pháp điểm nhấn là tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực.

Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Việt Dũng

"Nghị quyết 103 nhấn mạnh việc tập trung đào tạo, và nêu rõ các con số như phải đào tạo 50-100 nghìn lao động cho công nghiệp chip và bán dẫn, để tận dụng cơ hội mới từ kết quả ngoại giao kinh tế", ông Hiếu cho biết.

Thứ ba, chú trọng ưu tiên thu hút FDI. Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu, song song với đó giao Chính phủ sớm thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập bổ sung này.

"Đây là một điểm rất mới", Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá.

Cuối cùng và cũng quan trọng nhất để thực thi tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này là chính sách hướng tới cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Hiếu, trong Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh rất nhiều đến Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, theo đó thúc đẩy động lực của cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng thực sự thực thi các giải pháp.

Nghị quyết cũng yêu cầu phải thực thi một cách đầy đủ, quyết liệt và nhanh chóng Nghị quyết 41 để thúc đẩy động lực và mang lại cho cộng động doanh nghiệp một môi trường đầu tư an toàn, bền vững.

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (Vietnam Economic Scenarios - VESF) lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” diễn ra sáng ngày 11/1 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức.

Diễn đàn được VnEconomy khởi xướng từ năm 2008 với mục tiêu phụng sự hành trình phát triển của Việt Nam và phục vụ nhu cầu kết nối và trao đổi thông tin của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

Qua 15 năm, Diễn đàn VESF đã trở thành kênh thông tin uy tín, thu hút và hội tụ sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là giới chuyên gia kinh tế quốc tế, trong nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Diễn đàn VESF lần thứ 16 có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan nhà nước gồm: Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng đại diện các ủy ban của Quốc hội; cục, vụ, viện các bộ ngành trung ương, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp...

Nguyễn Tuyến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bon-diem-nhan-chinh-sach-de-thuc-day-noi-luc-huong-toi-muc-tieu-tang-truong-nam-2024.htm