Bối rối vì giá vé máy bay

Đánh giá mới đây của Tripadvisor - nền tảng hướng dẫn du lịch uy tín, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2024; xếp trên cả những cường quốc du lịch như Italy, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Thái Lan, Singapore... Tuy nhiên, nỗi lo du lịch trong nước thì vẫn còn đó vì giá vé máy bay tăng vọt khi kỳ nghỉ 5 ngày đang đến gần.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá vé máy bay chưa hạ nhiệt và hiện đang nóng lên. Trên website bán vé máy bay trực tuyến, giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 28/4, về ngày 1/5 có giá thấp nhất 7 triệu đồng/vé khứ hồi. Mức giá này cao hơn 3 triệu đồng/vé khứ hồi so với hiện tại. Có lẽ cao nhất thuộc về Vietnam Airlines khi chiều đi là 5,5 triệu đồng và vé chiều về chỉ còn hạng thương gia với giá trên 10 triệu đồng.

Các tuyến bay khác như TPHCM - Đà Nẵng, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - TPHCM... thì cả Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways giá vé cũng đều tăng.

Một trong những nguyên nhân khiến giá vé tăng cao là do... thiếu máy bay. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận việc nhà sản xuất Mỹ triệu hồi động cơ đã khiến hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng. Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ. Cùng đó, từ nay đến cuối năm, 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất.

Vẫn theo Cục Hàng không Việt Nam, dịp cao điểm hè này, tổng tải thị trường cần khoảng 24 - 26 triệu ghế. Việc thiếu máy bay sẽ khiến vé máy bay khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Tới nay, du khách nội địa có nhiều phương tiện giao thông để lựa chọn. Tuy nhiên, việc thiếu tàu bay dẫn đến đẩy giá vé lên cao cũng sẽ khiến du lịch trong nước khó khăn hơn, nhất là khi đã vào mùa cao điểm. Nhiều đơn vị du lịch đã “kêu trời” khi khách hủy tour vì không chịu nổi giá vé bay. Nhiều người đã “quay xe” chỉ vì vé máy bay đắt đỏ. Tính ra, chi phí một chuyến đi gia đình 3 người từ Hà Nội vào Phú Quốc đã mất đứt 21 triệu đồng (nếu đi từ 28/4 và về ngày 1/5), chưa kể đến chi phí ăn uống, khách sạn, phương tiện đi lại, mua sắm...

Từ đó, du khách chọn phương tiện khác thay vì máy bay, và cũng chọn tour gần. Đáng nói là nhiều người thay vì chọn tour trong nước đã quay sang chọn tour nước ngoài trong dịp nghỉ 5 ngày sắp tới. Nguyên nhân cũng chỉ do vé bay đắt. Nhiều công ty du lịch cho biết, các tour tới Trung Quốc, Thái Lan, Singapore đang được nhiều người lựa chọn.

Đại diện Vitamin tours cho biết, với đường bay hợp tác cùng liên minh tới một số quốc gia Đông Nam Á hiện tỉ lệ cũng đã sắp lấp đầy 100%. Những tour mở bán ngày 26/4 và 28/4 kín chỗ, với 7 đoàn, khoảng 200 khách. Còn theo Wondertour, dịp nghỉ sắp tới tuyến tour Thái Lan như Bangkok - Pattaya với lịch trình 5 ngày, chi phí tối thiểu khoảng 7 triệu đồng, rẻ hơn nhiều do với tour trong nước với quãng đường tương đương.

Như vậy, do giá vé máy bay nhiều tuyến trọng điểm du lịch trong nước tăng cao nên các tour nước ngoài đã “lấy được” du khách Việt Nam, khi mà giá vé máy bay chiếm từ 40% - 60% chi phí cho một chuyến du ngoạn.

Lâu nay người ta vẫn thường nghe đến việc kết hợp giữa hàng không với du lịch, như một mối quan hệ cộng sinh. Cũng chính vì thế nên việc giá vé bay vọt tăng không chỉ khiến du khách mà cả khối du lịch nội địa bối rối. Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam đặt ra là thu hút khoảng 110 triệu lượt du khách nội địa trong năm 2024, nhưng rất có thể do vé máy bay tăng cao sẽ khiến cho điều đó khó đạt hơn.

Để du lịch nội địa phát triển nhanh, mạnh có nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, nếu nói riêng về khách du lịch di chuyển bằng tàu bay thì rất cần phải có sự bắt tay thực chất hơn giữa hàng không và du lịch. Cùng đó, cũng rất cần lưu ý đến “căn bệnh kinh niên” của hàng không các tuyến bay trong nước, đó là cứ vào mùa cao điểm du lịch, lễ tết thì giá lại vọt lên. Kể cả lúc không thiếu tàu bay.

Điều đó ai cũng thấy. Nhưng “kê đơn, bốc thuốc” thế nào thì lại không rõ. Nên cứ đến “mùa di chuyển” thì hành khách lại nháo nhào tìm vé bay. Vậy, thực trạng này còn tái diễn đến bao giờ?

Bắc Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/boi-roi-vi-gia-ve-may-bay-10277447.html