Bối rối khi vận dụng văn bản quy phạm pháp luật

Mặc dù nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhưng vì chưa được UBND huyện Chương Mỹ phê duyệt nên 4 trường hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi, làm nhà chứa nông sản, phân bón… trên đất nông nghiệp tại xứ đồng Tháng Năm đã bị UBND xã Đồng Phú lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, buộc phải tự tháo dỡ công trình vi phạm. Tương tự, UBND các xã: Quảng Bị, Thượng Vực, Tốt Động, Hợp Đồng, Trường Yên, Phú Nghĩa đã lập 14 biên bản xử lý vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.

Theo Phó đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Chương Mỹ Lò Văn Cường, do các hộ dân không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nên Đội và các xã đã thiết lập hồ sơ đối với 18 trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, trong đó, xác định hành vi vi phạm là “xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng” được quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Các xã đã chuyển hồ sơ và đề nghị UBND huyện Chương Mỹ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng theo thẩm quyền.

Để ban hành quyết định xử phạt 18 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp đúng quy định pháp luật hiện hành, UBND huyện Chương Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được quan điểm giải quyết. Theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì những hành vi vi phạm về xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công (có đầu tư xây dựng công trình) thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở), Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị) và Luật Xây dựng năm 2014. Trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính thì UBND quận, huyện, thị xã áp dụng biện pháp xử lý cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm theo quy định của pháp luật…

Thế nhưng, trong các cuộc họp của huyện Chương Mỹ có 2 quan điểm về cách thức xử lý.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, những hành vi xây dựng trên đất nông nghiệp cần áp dụng Nghị định số 121/2013/NĐ-CP là phù hợp với hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Hơn nữa, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Khi áp dụng hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc xử lý vi phạm sẽ nhanh hơn, bảo đảm ngăn chặn kịp thời…

Quan điểm thứ hai lập luận rằng, việc xử lý 18 trường hợp vi phạm trên cần áp dụng Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10-11-2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Những người theo quan điểm này cho rằng phạm vi áp dụng của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP chỉ áp dụng xử lý vi phạm hành chính đối với những công trình xây dựng trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà, công sở và chỉ áp dụng đối với những vi phạm xảy ra trong đô thị, khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Nghị định số 121/2013/ NĐ-CP không áp dụng những vi phạm xảy ra ở nông thôn, trên đất nông nghiệp được giao...

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, do các ngành của huyện chưa thống nhất áp dụng quy định nào để ban hành quyết định xử phạt nên chưa thể đưa ra phương án xử lý 18 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn huyện. Rõ ràng, để tháo gỡ vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc, cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của các sở, ngành chức năng để có cách vận dụng đúng, thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/865262/boi-roi-khi-van-dung-van-ban-quy-pham-phap-luat