Bộ Xây dựng: Nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, kiến trúc đô thị còn chắp vá, lai tạp

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, kiến trúc Việt Nam vẫn còn những tồn tại, bất cập phải tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

Sáng 8/9, tại Thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023 với chủ đề “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng” chính thức được khai mạc.

Trong Hội nghị này, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 889 đô thị, với hàng ngàn khu đô thị mới với hạ tầng được được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới; hàng vạn công trình, cụm công trình đa dạng, phức hợp về công năng.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng. (Ảnh: XD)

Kiến trúc của nhiều vùng nông thôn đã thể hiện được tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”. Đặc biệt, Việt Nam phát triển kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên và con người để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngành kiến trúc vẫn còn những tồn tại, bất cập phải tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

“Chúng ta đã và đang nỗ lực phát triển đô thị thông minh để phù hợp với xu thế mới, phục vụ, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân. Với những nỗ lực đó, giới Kiến trúc sư Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, ngày càng nhiều tác phẩm kiến trúc đạt giải thưởng quốc gia và quốc tế”, ông Nghị nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, kiến trúc Việt Nam vẫn còn những tồn tại, bất cập phải tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, chắp vá; còn bất cập giữa bảo tồn và phát triển. Đô thị thiếu các không gian xanh, không gian công cộng, không gian mặt nước…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, kiến trúc đô thị còn chắp vá, lai tạp. (Ảnh: XD)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, kiến trúc đô thị phát triển nhanh, đa dạng nhưng còn xa lạ với văn hóa dân tộc, sao chép và chưa thực sự có bản sắc riêng; các khu phố hiện hữu có kiến trúc chắp vá, lai tạp, lấn chiếm không gian chung và không có các điểm nhấn đô thị.

Trong khi đó, kiến trúc nông thôn có xu hướng bê tông hóa, rập khuôn; việc quản lý, bảo tồn, phát huy các kiến trúc đặc trưng, truyền thống, các giá trị về tự nhiên, cảnh quan, không gian và văn hóa bản địa riêng có của địa phương trong phát triển kiến trúc nông thôn chưa thực sự hiệu quả hoặc chưa được coi trọng đúng mức.

Bộ trưởng nhận định: Kiến trúc Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước - giai đoạn phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của đất nước với các thách thức truyền thống và phi truyền thống.

Do đó, yêu cầu bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cùng với xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cần được nghiên cứu kỹ và được cụ thể hóa hơn nữa với việc tiếp thu chọn lọc, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng vật liệu mới, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Cơ hội, yêu cầu mới đòi hỏi đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước về kiến trúc cần phải có những quan tâm nỗ lực, tiếp cận mới, có định hướng, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Thông qua Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023, ban tổ chức mong muốn ghi nhận sự cống hiến và các thành tựu, đóng góp to lớn của Kiến trúc Việt Nam và các kiến trúc sư Việt Nam cũng như tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các định hướng mới, giải pháp mới trên cả phương diện lý luận, sáng tác, đào tạo và quản lý cho sự phát triển của Kiến trúc Việt Nam để tận dụng cơ hội, giải quyết các thách thức thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-xay-dung-nhieu-do-thi-phat-trien-khong-dong-bo-kien-truc-do-thi-con-chap-va-lai-tap-post263802.html