Bộ Tư pháp xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm

Ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Báo cáo số 204/BC-BTP về công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2017. Trước đó, ngày 10/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm.

Ngay từ đầu năm, toàn ngành tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác để triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức triển khai công việc theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, sát với điều kiện thực tế. Toàn ngành tư pháp thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tại Bộ Tư pháp, đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện 121 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, qua đó đã hoàn thành 72 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 49 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

Trên cơ sở đánh giá tình hình công tác 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã đề ra 09 nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017: (1) Kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp các cấp sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp được Chính phủ ban hành; (2) Bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; (3) Chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết mới, trong đó, chú trọng đến các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc có tác động lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp: Luật Đấu giá tài sản, Luật Tiếp cận thông tin, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; (4) Tập trung các nguồn lực để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án dân sự; (5) Nghiên cứu, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực luật sư, công chứng; tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực; (6) Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tổ chức thành công Diễn đàn Pháp luật và kinh doanh, trong đó chú trọng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp; (7) Chủ động triển khai các giải pháp, định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, nhất là các trường trung cấp luật; (8) Tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 1 và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ tư pháp giữa Việt Nam-Lào; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ; (9) Thực hiện tốt Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Bộ Tư pháp; tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn và các hạng mục đầu tư đã phế duyệt năm 2017, đồng thời rà soát để đề xuất điểu chỉnh, bổ sung các hạng mục đầu tư nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư xây dựng.

Tuấn Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/bo-tu-phap-xac-dinh-9-nhiem-vu-trong-tam-6-thang-cuoi-nam/312413.vgp