Bộ Tứ chia sẻ 'con mắt tinh vi' để lật tẩy tàu cá mờ ám của Trung Quốc

Chia sẻ với Zing, 2 chuyên gia Viện Stimson (Mỹ) nói sáng kiến mới của Bộ Tứ cung cấp 'con mắt' trên biển để giúp các nước bảo vệ tài nguyên cá trước nguy cơ bị đánh bắt trái phép.

“Với nhiều công nghệ khác nhau, IPMDA sẽ giúp nâng cao nhận thức về lãnh thổ trên biển đến mức chưa từng có ở khắp vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm chống lại nạn đánh bắt phi pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”, ông Blake Ratclif và bà Sally Yozell, 2 chuyên gia nghiên cứu IUU của Viện Stimson, trả lời Zing.

Bà Sally Yozell là giám đốc chương trình an ninh môi trường của Viện Stimson. Ảnh: Stimson.

IPMDA, tên đầy đủ là “Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Nhận thức Lãnh thổ Hàng hải”, vừa được nhóm Bộ Tứ công bố gần đây.

Theo khuôn khổ này, Bộ Tứ sẽ chia sẻ thông tin để giúp các nước thuộc quần đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương giám sát hải trình tàu thuyền kể cả khi chúng tắt bộ phát tín hiệu (AIS).

“Bất cứ khi nào chúng ta chia sẻ 'con mắt' trên biển với đối tác đều sẽ chỉ có lợi vì không quốc gia nào có thể xuất hiện đồng thời ở mọi nơi hoặc cùng lúc phân tích toàn bộ dữ liệu họ có”, bà Yozell và ông Ratcliff nói.

Sự bổ sung cần thiết

Nạn khai thác IUU đang tước đoạt lợi ích kinh tế và nguồn tài nguyên cá của châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh 90% trữ lượng cá thế giới đã cạn kiệt hoặc bị khai thác quá độ, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (UNFAO) năm 2018.

Trên phương diện khai thác IUU, Trung Quốc là nước “tai tiếng” nhất. Trong nhiều năm, nước này liên tục xếp hạng chót về chỉ số đánh bắt IUU trong số 152 quốc gia ven biển, do vi phạm đánh bắt và để xảy ra nhiều sự cố tại Tây Phi, quần đảo Galapagos ở Nam Mỹ và ngay chính tại các vùng biển châu Á.

Tuy Trung Quốc đã đưa ra nhiều luật mới để hỗ trợ và kiểm soát đội tàu đánh bắt xa bờ của nước này, những nỗ lực ấy vẫn thiếu tính minh bạch, trong khi các tàu trên biển có thể tránh né bị phát hiện và kiểm soát, theo ông Ratcliff và bà Yozell.

Ông Blake Ratcliff là trợ lý nghiên cứu thuộc chương trình an ninh môi trường của Viện Stimson. Ảnh: Stimson.

“Chính phủ Trung Quốc cho biết họ giới hạn quy mô đội tàu đánh cá xa bờ ở mức 3.000 tàu, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng số tàu thuộc sở hữu của các chủ thể Trung Quốc có thể lên tới 17.000 tàu”, hai chuyên gia lưu ý.

Vấn nạn khai thác IUU trên thế giới nói chung và của đội tàu Trung Quốc nói riêng chính là lý do thúc đẩy sự ra đời của sáng kiến IPMDA.

Theo hai chuyên gia Stimson, IPMDA sẽ dùng nhiều loại công nghệ khác nhau để phơi bày hoạt động mờ ám của các con tàu cố ý tắt hệ thống nhận diện tự động (AIS) lắp trên tàu.

“Kể cả khi AIS bị tắt, tàu thuyền vẫn có thể được giám sát nhờ Bộ đo Bức xạ Hình ảnh Hồng ngoại (VIIRS). Đây là hệ thống dựa trên vệ tinh, có thể dùng ánh sáng phát ra từ tàu để dùng vào mục đích giám sát”, 2 chuyên gia nói. “VIIRS đặc biệt hiệu quả khi theo dấu các tàu đánh bắt bằng ánh sáng, như tàu câu mực và tàu lưới vây”.

“Một số kỹ thuật giám sát khác sẽ dùng vệ tinh để phát hiện tần số sóng vô tuyến hoặc sóng điện từ, qua đó giúp định vị tàu bè và phân tích quy luật hoạt động của chúng”, hai chuyên gia cho biết.

Những công nghệ này có thể không mới nhưng một số quốc gia không dùng chúng để bảo vệ vùng biển vì nhiều nguyên nhân, như chi phí đắt đỏ hoặc do không thể tiếp cận loại vệ tinh thích hợp.

Các trở ngại trên sẽ phần nào được IMPDA giải quyết với nguồn ngân sách thực hiện sẽ do Bộ Tứ đầu tư trong 5 năm.

Dữ liệu thu thập được sẽ được chuyển đến trung tâm chia sẻ hợp nhất thông tin an ninh hàng hải (Information Fusion Centre) sẵn có ở khu vực như tại Singapore, Ấn Độ, Quần đảo Solomons và Vanuatu, và đôi khi là được chuyển trực tiếp tới các nước, Financial Times dẫn lời một quan chức Mỹ.

“Việc chia sẻ dữ liệu là khởi đầu tốt, nhưng dữ liệu cần phải được các nước ven biển trong khu vực sử dụng để tăng cường giám sát, bảo vệ trữ lượng cá và tuyên bố chủ quyền”, hai chuyên gia lưu ý. “Với các nước có thể còn thiếu năng lực quản trị, kỹ thuật và tài chính để có thể hành động chống lại khai thác IUU, IPMDA sẽ đào tạo và hỗ trợ họ”.

Thể hiện sự thay đổi nhận thức

Giới chuyên gia phương Tây nhận định IMPDA là sự bổ sung quan trọng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực chưa có nền tảng toàn diện giúp các nước tại đây chia sẻ dữ liệu với nhau.

Trên trang War On The Rock, hai chuyên gia an ninh hàng hải Zack Cooper và Gregory Poling cho rằng IPMDA sẽ giải quyết một số lo ngại của khu vực, như đánh bắt hải sản trái phép, buôn lậu, hay hoạt động phi pháp của dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông.

Một tàu cá Trung Quốc bị lực lượng tuần duyên Argentina xua đuổi sau khi bị bắt quả tang đang đánh bắt trái phép. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, ông Philip Citowicki, nhà nghiên cứu thuộc viện chính sách đối ngoại Diễn đàn Thái Bình Dương (Mỹ), cho rằng IPMDA sẽ đem lại lợi ích cả về an ninh và môi trường cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Việc xác định được đội tàu Trung Quốc sẽ giúp sớm làm rõ hành động của chúng, đồng thời sẽ giúp khu vực đẩy lùi những lần (tàu cá Trung Quốc) xâm nhập ‘vùng xám’ vào vùng biển nước ngoài và có hành động bắt nạt các tàu cá địa phương”, ông Citowicki viết trên Interpreter.

IPMDA càng trở nên cần thiết trong bối cảnh thế giới dần hình thành nhận thức chung rằng hoạt động đánh bắt IUU không chỉ có tác động tiêu cực về kinh tế, lương thực, môi trường mà còn có thể ảnh hưởng đến an ninh và sự ổn định.

Chẳng hạn, hoạt động đánh bắt IUU đã và đang tiếp tay cho nạn cướp biển ở vùng Sừng châu Phi và Vịnh Guinea, ông Ratcliff và bà Yozell nói với Zing. Người đánh bắt trái phép cũng thường dùng chung mạng lưới của các hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

“Và đương nhiên, hoạt động đánh bắt IUU giữa lúc có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hay ở vùng biển khác đã dẫn đến căng thẳng khi tàu các nước tranh giành nguồn cá đang dần cạn kiệt ở vùng biển tranh chấp”, 2 chuyên gia của Viện Stimson nói.

“Bằng cách khởi xướng IPMDA với tiêu điểm nhắm vào đánh bắt IUU, các nước Bộ Tứ đã nhận thức được đầy đủ khía cạnh an ninh của vấn nạn này, bao gồm thiệt hại kinh tế, thiệt hại môi trường, cùng vi phạm lao động và quyền con người đi kèm”, ông Ratcliff và bà Yozell nói.

Cuộc sống thuyền viên Indonesia trên tàu TQ bị ném thi thể xuống biển Cái chết của 4 thuyền viên Indonesia làm việc cho tàu cá Trung Quốc dẫn đến những lời kêu gọi ở Jakarta về siết chặt quy định, thậm chí tạm ngừng tuyển dụng lao động.

Quốc Đạt - Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-tu-chia-se-con-mat-tinh-vi-de-lat-tay-tau-ca-mo-am-cua-trung-quoc-post1321826.html