Bộ trưởng kể chuyện hậu trường chống lừa đảo đa cấp

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn”...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Không khí cuối hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chỉ thị 02 về tăng cường quản lý bán hàng đa cấp chiều 19/9 bỗng nhiên lắng xuống, khi Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh kể lại chuyện diễn ra mới đây tại một cuộc họp ở Tp.HCM về đa cấp.

Tại cuộc họp đó, một phóng viên nói thẳng: “Nếu không xử lý được đa cấp bất chính, Bộ trưởng sẽ không còn uy tín nào trước người dân”.

Ông Tuấn Anh sững người, và sau đó, ông nói với phóng viên là sẽ ghi nhận ý kiến này.

“Việc đấu tranh chống đa cấp bất chính khiến tôi trăn trở, tuy nhiên với thủ đoạn lừa đảo tinh vi, cuộc chiến này không hề dễ dàng”, Bộ trưởng nói tại hội nghị chiều 19/9.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn, thậm chí là tìm mọi cách tiếp cận, dùng tiền mua chuộc, rồi chuyển sang đe dọa… Bởi việc kinh doanh trong lĩnh vực này đem lại lợi ích lớn, họ sẽ làm mọi cách để lợi dụng để trục lợi”, ông kể.

Phương thức bán hàng theo mô hình đa cấp đã gây ra nhiều hệ lụy khi phát triển tại Việt Nam. Đã có những vụ lừa đảo với quy mô hàng nghìn tỷ đồng, gây bức xúc lớn trong dư luận về việc cấp phép, quản lý hoạt động bán hàng này trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế từng cho biết ngay cả người thân của quan chức cấp cao cũng bị lừa. Nhiều doanh nghiệp đa cấp đặt trụ sở ở thành phố này nhưng đi lừa đảo ở tỉnh thành khác. Người bị lừa chủ yếu là dân lao động nghèo, sinh viên, người về hưu...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cũng không phải tất cả các doanh nghiệp đa cấp đều vi phạm, mặc dù với quy mô người bán hàng đa cấp có thời điểm lên tới 1,2 triệu, việc đổ vỡ dây chuyền sẽ có tác động lớn đến những người tham gia vào hệ thống này.

Ông nhấn mạnh, phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp từ khía cạnh pháp luật, bởi đa cấp giờ đã biến tướng dưới những dạng thức như dùng tiền ảo Bitcoin, huy động tài chính đội lốt từ thiện...

Người đứng đầu Bộ Công Thương kết thúc hội nghị với một lời hứa, “sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bán hàng đa cấp trái phép, trục lợi, gây thiệt hại lớn cho người dân”.

Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 42, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để trình Chính phủ thông qua.

Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh nhắc đến khi cho biết, qua việc khởi tố trong vụ Liên Kết Việt, đã cho thấy yêu cầu về việc sửa đổi chính sách về bán hàng đa cấp, tiến đến minh bạch, công khai thông tin.

“Việc giảm 17 doanh nghiệp đa cấp, xử phạt hàng chục tỷ đồng với các vi phạm đã thể hiện điều chúng tôi đang làm là đúng đắn. Tuy nhiên, nếu không kịp thời sửa đổi Nghị định 42, thì sẽ còn nhiều khó khăn”, ông Khánh nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc sửa các quy định về kinh doanh bán hàng đa cấp liên quan đến 24 vấn đề, nhưng nội dung sửa sẽ tập trung vào việc minh bạch thông tin, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trong đó, đáng chú ý là quy định về đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp, với dự kiến sẽ yêu cầu ký quỹ tối thiểu 10-20 tỷ đồng mới được cấp giấy phép bán hàng đa cấp. Hệ thống càng lớn, tỷ lệ ký quỹ càng cao, để đảm bảo lợi ích của người tham gia.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thi-truong/bo-truong-ke-chuyen-hau-truong-chong-lua-dao-da-cap-2016091908283678.htm