Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò tiên phong trong công tác ngoại giao kinh tế

Trong khuôn khổ chuyến tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và thăm chính thức Ireland từ 26-29/2, ngày 27/2 (giờ Thụy Sỹ), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp và làm việc với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ ở Bern.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp và làm việc với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Bern ngày 27/2. (Ảnh: Nhất Phong)

Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Phùng Thế Long cùng tập thể cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán đã bày tỏ vui mừng và xúc động khi được đón Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tới thăm; đồng thời chia sẻ những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất nhằm nâng cao đời sống của cán bộ công nhân viên tới Bộ trưởng.

Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ trong những năm qua và trong năm 2023. Đồng thời, gửi lời chúc Xuân Giáp Thìn 2024 cùng những tình cảm ấm áp, tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán,

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn, biến động khó lường, song hành cùng cơ hội lớn để thực hiện tầm nhìn, khát vọng của đất nước, phấn đấu đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, công nghiệp hóa hiện đại và có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Với tinh thần đó, nhiệm kỳ qua chúng ta đã làm được những việc lớn. Một là, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi phát triển kinh tế xã hội ngay sau đại dịch, trở thành điểm sáng trong thành tựu chung của khu vực cũng như thế giới. Đặc biệt, qua Hội nghị WEF Davos vừa qua, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất lớn của thế giới. Hai là, trong bối cảnh an ninh năng lượng và lương thực, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn giữ được các ổn định kinh tế vĩ mô.

Ba là, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc được độc lập chủ quyền, củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên khu vực và trên thế giới.

Bốn là, trong công tác chung, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá rất cao kết quả của công tác đối ngoại, sự đóng góp của các lực lượng làm công tác đối ngoại, trong đó nòng cốt là các cán bộ của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng gửi lời biểu dương tới các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có các cán bộ, nhân viên, người lao động của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ.

Trao đổi về quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ, Bộ trưởng khẳng định, Thụy Sỹ là một trong những đối tác lớn của Việt Nam tại châu Âu, kể cả về thương mại, kim ngạch thương mại, đầu tư. Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục mở rộng hơn nữa kim ngạch thương mại giữa hai bên cũng như tăng cường đầu tư vào hoạt động đầu tư, sản xuất.

Về chính trị, hai nước cũng thường xuyên duy trì các hoạt động tiếp xúc song phương, tiếp xúc bên lề tại các Hội nghị lớn, nỗ lực tăng cường tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác. Các hoạt động khác như ngoại giao kinh tế, các lĩnh vực hợp tác mới...hai bên cũng cần tiếp tục đẩy mạnh.

Bộ trưởng lưu ý, thời gian tới, hai bên cần làm mới những động lực đã có, đồng thời mở ra những lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh, đổi mới sáng tạo - những lĩnh vực mà Thụy Sỹ là một trong những quốc gia đi đầu.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cùng đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ. (Ảnh: Nhất Phong)

Từ bối cảnh chung của đất nước, người đứng đầu Bộ Ngoại giao cũng đưa ra những gợi ý về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới để Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ đóng góp tốt hơn vào việc thúc đẩy quan hệ song phương, triển khai công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó có công tác của Bộ:

Thứ nhất, bám sát cơ quan chính quyền, đặc biệt là Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan của Thụy Sỹ để mở rộng hơn nữa trao đổi các cấp, nâng cao hơn nữa tin cậy chính trị, từng bước nâng cấp quan hệ song phương.

Thứ hai, tiếp tục triển khai mạnh mẽ ngoại giao kinh tế phục vụ cho phát triển đất nước, trong đó các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò tiên phong; mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...

Thứ ba, bám sát các cơ quan theo dõi thị trường tại nước sở tại, có những thông tin tham mưu kịp thời cho trong nước về những điều chỉnh về chính sách, nhất là những chính sách mới của châu Âu...

Thứ tư, quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại Thụy Sỹ, đẩy mạnh hợp tác với phía bạn để đưa thêm nhiều khách du lịch Thụy Sỹ đến Việt Nam.

Thứ năm, cần tiếp tục quan tâm đến công tác cộng đồng. Cộng đồng Việt Nam tại Thụy Sỹ đã có nhiều đóng góp nổi bật đối với nước bạn và được lãnh đạo chính quyền sở tại đánh giá cao.

Lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng và đề xuất của các cán bộ, nhân viên, người lao động của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ ghi nhận và giải đáp một phần kiến nghị; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung rà soát, nghiên cứu, sớm có giải pháp phù hợp trên tinh thần cầu thị, kịp thời, thấu đáo.

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-truong-bui-thanh-son-co-quan-dai-dien-viet-nam-o-nuoc-ngoai-dong-vai-tro-tien-phong-trong-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-262358.html