Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn về 5 dự án thua lỗ

Sáng 15/11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ này.

Dự kiến, phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 2 ngày rưỡi với 4 bộ trưởng đăng đàn là: Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn của ĐBQH về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề ĐBQH đã chất vấn trong 2 ngày 15 - 16/11.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn (ảnh V.B)

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tính đến cuối ngày 14/11, đã có 89 phiếu chất vấn gửi đến các thành viên Chính phủ, với 100 câu hỏi chất vấn của 44 ĐBQH gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Thông qua phiếu xin ý kiến ĐBQH, UBTVQH cũng nhận được 152 phiếu mà ĐBQH đề xuất để chất vấn tại Kỳ họp này. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có 2.986 ý kiến và kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 2 của QH.

Cũng theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Kỳ họp này các ĐBQH cũng thảo luận rất nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Qua thảo luận về giám sát tối cao đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành. Đây là những cơ sở rất quan trọng của UBTVQH lựa chọn và trình QH những nội dung nào sẽ được chất vấn và đã được chất vấn tại Kỳ họp này.

Chủ tịch QH khẳng định, thông qua hoạt động chất vấn nói riêng và hoạt động giám sát của QH nói chung, các bộ trưởng đã quan tâm rất nhiều đến lĩnh vực được phân công phụ trách và đã tích cực khắc phục các hạn chế, bất cập trong quản lý để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là Kỳ họp đầu tiên của QH Khóa XIV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016...

Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh, căn cứ và quy định của pháp luật, cách thức tiến hành chất vấn lần này được kế thừa và đổi mới theo hướng lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, những nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý, điều hành của bộ, ngành nào thì bộ trưởng, trưởng ngành đó sẽ trực tiếp trả lời. Việc chất vấn và trả lời chất vấn trên tinh thần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát và đi đến cùng vấn đề đặt ra, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống một cách thiết thực và hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu của cử tri và mong mỏi của nhân dân...

Tiếp sau đó, QH đã nghe Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, QH Khóa XIII.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát (ảnh V.B)

Tiếp thu kiến nghị cử tri, QH, UBTVQH Khóa XIV, đã quyết định các chuyên đề giám sát trong năm 2017 về các nội dung: An toàn thực phẩm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Là người đăng đàn đầu tiên Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã trả lời hàng loạt câu hỏi chất vấn về các vấn đề "nóng" mà cử tri cả nước quan tâm trong thời gian qua như 5 siêu dự án không hiệu quả, việc xả lũ thủy điện gây thiệt hại cho người dân, tình trạng phân bón giả...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn (ảnh Văn Bình)

Trước khi đăng đàn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cho biết sẽ cố gắng cung cấp đầy đủ rõ ràng những vấn đề được đề cập đến, những vấn đề chưa rõ nhưng thuộc một phần trách nhiệm của Bộ, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ khác để trả lời.

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã nêu những vấn đề kém hiệu quả của các dự án chậm tiến độ, gây thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời yêu cầu bộ trưởng làm rõ những sai phạm của cá nhân, tập thể… cũng như trách nhiệm của Bộ Công Thương, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý đầu tư….

ĐB Nguyễn Tiến Sinh chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (ảnh Văn Bình)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đối với 5 dự án thua lỗ, tồn đọng, nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiên. Bộ Công Thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo đánh giá sơ bộ. Nhưng ông hiểu đại biểu còn muốn làm rõ hơn nữa. 5 dự án này đều được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện theo Luật đầu tư từ năm 2003 và kéo dài đến nay.

Trong từng lĩnh vực và dự án cụ thể, do tính chất đặc thù ngành thì có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng điểm chung, đó là các dự án đều kéo dài so với thẩm định phê duyệt như: Dự án xơ sợi Đình Vũ, xăng Methanol, dự án Đạm Ninh Bình… Trong đó, dự án Đạm Ninh Bình không những bị kéo dài mà còn không quyết toán được…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng khi các dự án này bắt đầu triển khai là rơi vào thời điểm, bối cảnh biến động của thị trường thế giới. Kéo dài quá lâu so với thời gian được thẩm định, phê duyệt đầu tư, dẫn đến bị ảnh hưởng của thị trường thế giới như biến động về dầu khí, sản phẩm dầu, dầu thô giảm giá mạnh…, ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi, hiệu quả của dự án. Như Đạm Ninh Bình sản xuất đạm từ than….thì không thể cạnh tranh nổi với các nhà máy đạm sản xuất từ khí. Hoặc dự án xơ sợi Đình Vũ thì không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm có giá thành thấp từ nước ngoài vào.

Nguyên nhân dẫn đến tồn đọng, vi phạm và vướng mắc còn là do năng lực của chủ đầu tư, mà ở đây khẳng định là do phân cấp pháp lý. Các tập đoàn, tổng công ty 91 khi được phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ đều là đơn vị trực tiếp thực hiện quản lý về dự án đầu tư. Và đối với các chủ đầu tư thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt về phương án đầu tư, nội dung cụ thể của báo cáo khả thị đó, kể cả về công nghê và tổ chức thực hiện, đầu tư, tư vấn giám sát nhà thầu… Thêm nữa là năng lực còn hạn chế, kể cả của Ban Quản lý dự án cũng như của các đối tượng trực tiếp tham gia dự án như: Đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ…

“Chính sự hạn chế trong nguồn nhân lực và điều kiện của chúng ta đã khiến dự án bị kéo dài. Việc thực hiện không suôn sẻ, không đúng... theo quy định, theo nội dung của dự án đầu tư”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Minh Hạnh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-tra-loi-chat-van-ve-5-du-an-thua-lo-45344.html