Bố trí hợp lý nhà ở xã hội, nhà tái định cư

TPHCM hiện có hàng ngàn căn hộ tái định cư (TĐC) thuộc sở hữu nhà nước, nhưng chưa được sử dụng. Sau khi xây một thời gian, các chung cư này xuống cấp, gây lãng phí cả ngàn tỷ đồng.

Trong thời điểm hiện nay, TPHCM đang có kế hoạch xây dựng hàng chục ngàn căn hộ cho người có thu nhập thấp, TĐC, nhà ở xã hội (NƠXH). Tuy nhiên, thành phố cần nhìn lại những khu dân cư đã được xây dựng, đang bị bỏ hoang để có hướng xử lý hợp lý, hiệu quả.

Lãng phí hàng ngàn căn hộ

Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 20km, Khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được xây dựng với tổng kinh phí 1.062 tỷ đồng, trên khu đất có diện tích 31ha, dành để bố trí TĐC cho người dân bị giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn TPHCM từ năm 2013. Toàn khu có hơn 500 nền TĐC và 45 lô chung cư, với gần 2.000 căn hộ. Trong 10 năm qua, nhiều lô chung cư vẫn bỏ trống vì nhiều hộ dân không đồng ý đến sinh sống. Một trong những điều bất tiện của các lô chung cư tại đây là xây dựng cao 5 tầng nhưng không có thang máy. Do không có người ở nên hiện tại, nhiều hạng mục như tường, lan can… bị bong tróc, xuống cấp, khuôn viên xung quanh cỏ mọc um tùm; lối dẫn vào khu TĐC biến thành bãi sình lầy mỗi khi mưa xuống.

Khu tái định cư Bình Khánh bỏ hoang hàng loạt căn hộ, lãng phí hàng ngàn tỷ đồng

Chị Lương Thị Tài (48 tuổi) cho biết, vợ chồng chị cùng hai con chuyển về khu TĐC này sinh sống khi TPHCM thực hiện cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6). 10 năm qua, gia đình chị phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Chồng chị hàng ngày chạy xe ôm bên quận 6, chiều tối mới về Khu TĐC Vĩnh Lộc B; đi làm rất xa, vừa mệt mỏi mà chi phí xăng xe khá nhiều nên thu nhập chẳng còn là bao. Ở khu TĐC này, ai có công việc gần thì còn đỡ, chứ nếu làm việc tại trung tâm thành phố thì đi lại rất xa. Đó là lý do vì sao nhiều khu chung cư tại đây còn bỏ trống.

Theo ghi nhận, đến tháng 6-2023, 23 block chung cư đã có người dân vào ở, nhưng chưa thể lấp đầy khi chỉ có gần 500 hộ. Hiện vẫn còn 22 block chung cư bỏ trống, tổng số căn hộ chưa bố trí là gần 1.500 căn. Chi phí vận hành mỗi năm khoảng 5-6 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022, TPHCM đã quyết định bàn giao những lô chung cư trống ở Khu TĐC Vĩnh Lộc B cho Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (Sở Xây dựng) quản lý.

Chỉ cách trung tâm quận 1 khoảng 3km theo đường chim bay, Khu TĐC Bình Khánh nằm giữa trung tâm bán đảo Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) cũng đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Với diện tích đất rộng 38,4ha và hàng chục khối nhà đồ sộ; khu TĐC lớn nhất TPHCM có tới 12.500 căn hộ và được xây dựng hoàn thành từ năm 2015. Thế nhưng, từ đó đến nay, nhiều khối nhà vẫn cửa đóng then cài và đang xuống cấp trầm trọng.

Là một trong số rất ít gia đình dọn về nơi đây sinh sống sau khi gia đình bị thu hồi đất để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Hà Văn Lượng cho biết, tuy nằm ngay trục đường lớn Mai Chí Thọ rất đắc địa, nhưng vì giá bán nhà TĐC ở đây khá cao, nhiều người không đủ tiền mua nên sau đó phải rao bán lại suất nhà của mình cho người khác. Ông Lượng tâm sự: “Nơi đây tiện ích hơn nơi ở cũ về giao thông cũng như an ninh. Tuy vậy, người dân TĐC khi ở đây đều không tính được kế sinh nhai, bởi hạ tầng không phù hợp để người dân làm ăn, buôn bán. Ngoài ra, người dân đã quen nếp sinh hoạt cũ, chưa quen với lối sống ở chung cư”.

Xây dựng chính sách TĐC tại chỗ

Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản, một dự án căn hộ TĐC tốt cần đáp ứng nhu cầu và mong muốn của chính người dân trong vùng bị giải tỏa, đồng thời giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội cơ bản. Nơi ở mới cần đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt hơn nơi ở cũ. Bên cạnh đó, phải đảm bảo được sinh kế cho người dân, đặc biệt là những cư dân phải chuyển đổi nghề nghiệp khi bị giải tỏa. Một nguyên nhân khác khiến hàng ngàn căn hộ bị bỏ hoang là bởi giá nhà ở khu TĐC cao hơn so với giá trị bồi thường tại nơi ở cũ, khiến người dân không đủ khả năng chi trả.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kiến nghị cần điều chỉnh quy hoạch một số khu công nghiệp, khu chế xuất để tạo quỹ đất, sau đó giao cho doanh nghiệp xây dựng NƠXH. Với riêng TPHCM, cần gắn phát triển NƠXH với di dời, cải tạo chung cư cũ và xử lý nhà ven kênh rạch theo những mục tiêu đã được đề ra, gồm: giải quyết môi trường, chỉnh trang đô thị và phát triển quỹ nhà ở. Theo đó, cần có chính sách TĐC tại chỗ cho người dân; không thực hiện theo cách buộc dân đi đến những khu TĐC quá xa, không phù hợp với điều kiện công việc, học hành của con cái. Việc chỉnh trang đô thị, giải tỏa các khu nhà ổ chuột, chung cư cũ phải thực hiện nhất quán quan điểm lấy người dân đang sinh sống tại đây là trung tâm lợi ích và xây dựng chính sách đi theo.

Theo một số chuyên gia đô thị, quỹ đất và giá đất là bài toán lớn đang đặt ra đối với những địa phương lớn, trong đó có TPHCM. Nếu Chính phủ cho phép phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để địa phương có thể chuyển đổi quỹ đất công phục vụ xây dựng NƠXH song song với hoàn chỉnh hạ tầng thì có thể thực hiện được mục tiêu phát triển NƠXH, giúp người dân có thu nhập thấp có thể “an cư lạc nghiệp”.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-tri-hop-ly-nha-o-xa-hoi-nha-tai-dinh-cu-post693449.html