Bộ Thông tin và Truyền thông phổ biến các ưu tiên tuyên truyền về UNESCO

Ngày 15/6 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì tổ chức Hội nghị phổ biến các ưu tiên tuyên truyền về Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và sự tham gia của Việt Nam trong UNESCO.

Tham dự Hội nghị có đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các phóng viên, biên tập viên của nhiều cơ quan báo chí trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới hậu Covid-19 gặp nhiều khó khăn, dễ tổn thương trước sự gia tăng các rủi ro, thách thức toàn cầu, cạnh tranh chiến lược nước lớn, trong điều kiện nguồn ngân sách cho các hoạt động UNESCO hạn hẹp, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và tiếp tục là điểm sáng trong việc phát huy vai trò tích cực, chủ động với các nhiệm vụ và vị trí đảm trách trong các cơ chế của UNESCO.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Lê An)

Theo ông Triệu Minh Long, trong năm 2022, với tư cách là Thường trực Tiểu ban Thông tin thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ TT&TT đã đạt được nhiều kết quả nổi bật tuyên truyền về UNESCO với sự tham gia tích cực từ các cơ quan báo chí.

Cụ thể, việc đào tạo nâng cao hiểu biết số và tập huấn tuyên truyền về UNESCO được tích cực triển khai như Hội thảo “Tăng cường Hiểu biết số và Kỹ năng số cho người dân”; hai khóa tập huấn tổng quan và hai khóa tập huấn chuyên sâu về “Kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số”; ba khóa tập huấn cho hơn 320 phóng viên, biên tập viên của 270 cơ quan báo chí về hiện trạng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ…

Tiểu ban Thông tin có sự tham gia đông đủ của các đơn vị phụ trách các lĩnh vực thông tin của Bộ và các cơ quan báo chí chủ đạo đã khẳng định mong muốn và quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyên truyền về UNESCO và các chương trình, dự án trong các lĩnh vực của UNESCO tại Việt Nam; đã thiết lập kênh liên hệ, phối hợp đều đặn giữa Ban thư ký UBQG UNESCO, các cơ quan là đầu mối phụ trách các tiểu ban còn lại trong cơ cấu UBQG và các đơn vị là thành viên của Tiểu ban Thông tin, các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền về các hoạt động liên quan đến UNESCO.

Tại Hội nghị, đại diện Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trình bày các kế hoạch hoạt động và định hướng tuyên truyền về UNESCO trong năm 2023 trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục, văn hóa.

Theo Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, thời gian qua, hợp tác giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UNESCO có nhiều khởi sắc khi Ủy ban đã phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan xây dựng và vận động thành công UNESCO ghi danh một số hồ sơ.

Trong đó, có 57 danh hiệu UNESCO gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu cấp khu vực và thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 1 thành phố sáng tạo, 1 thành phố hòa bình, 6 danh nhân quốc tế, 3 thành phố học tập toàn cầu, 23 trường ASPnet.

Đồng thời, Ủy ban đã, đang phối hợp triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021 -2025; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Chấp hành UNESCO và Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể…

Trong thời gian tới, ở lĩnh vực văn hóa, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tăng cường xây dựng khung thể chế quốc gia đẩy mạnh cam kết của khu vực công và tư; hoàn thiện khung thể chế quốc gia về di sản tư liệu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tiến tới tham gia các khuôn khổ pháp lý tiêu chuẩn của UNESCO.

Về thông tin truyền thông, Ủy ban tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các chương trình quốc tế; nâng cao kiến thức về thông tin, truyền thông và kỹ năng số, khả năng phân biệt tin giả, thông tin xấu độc. Ủy ban cũng sẽ khai thác các chương trình sử dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO.

Bà Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng cho biết, thời gian tới, Tiểu ban Văn hóa sẽ tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến về các Công ước UNESCO như Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, Công ước về phòng chống doping trong thể thao, quy định trong khuôn khổ Chương trình Ký ức thế giới…

Đối với Công ước UNESCO 2005, Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Tiểu ban Văn hóa sẽ tích cực triển khai Đề án phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO, thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, Tiểu ban Văn hóa tiếp tục triển khai Dự án Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia trên cơ sở Dự án thí điểm của UNESCO về Chỉ số văn hóa nhằm triển khai Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, vì sự phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia và Thừa Thiên Huế trên phạm vi địa phương; lồng ghép việc giới thiệu các di sản Việt Nam được UNESCO công nhận trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài (các Tuần Văn hóa, Ngày Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài) cũng như các hoạt động, sự kiện quan trọng tổ chức tại Việt Nam…

Với Chương trình Ký ức thế giới, TS. Phạm Thị Khánh Ngân - Phó trưởng Phòng Quản lý bảo tàng và di sản tư liệu (Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng thông tin, Việt Nam tham gia rất tích cực khi liên tục có những khảo sát, đánh giá sơ bộ khối lượng di sản tư liệu đang tiềm ẩn trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, bao gồm phần lớn di sản tư liệu nằm trong các hệ thống bảo tàng, thư viện, di tích, đặc biệt là cộng đồng, dòng họ, cá nhân và một bộ phận tại các trung tâm lưu trữ của Bộ Nội vụ.

Cục Di sản văn hóa cũng thường xuyên thông báo và hướng dẫn các Sở liên quan của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trên phạm vi toàn quốc tại Công văn số 311/DSVH-QLBT&TTTL ngày 10/5/2021.

Hằng năm, các văn bản hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, quy trình xây dựng và thẩm định các hồ sơ đề cử ghi danh thế giới theo thông báo của Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới đều được ban hành.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung nâng cao nhận thức của toàn xã hội thông qua các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu; đưa di sản tư liệu hòa chung với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững...

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày nội dung bảo tồn, phát huy giá trị tại các khu công viên địa chất toàn cầu nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện các Bộ, ngành liên quan cũng trả lời các câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến Luật di sản sửa đổi, vấn đề hồi hương cổ vật, di sản tư liệu...

Kết thúc Hội nghị, bà Phạm Thị Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT nhấn mạnh, ngoài việc tuyên truyền về các hoạt động của UNESCO và sự tham gia của Việt Nam trong UNESCO, Bộ TT&TT xác định nội dung ưu tiên trong thúc đẩy hợp tác UNESCO là việc nâng cao kĩ năng số cho các nhà báo, những người làm truyền thông chuyên nghiệp và cho người dân.

Theo kế hoạch, Bộ TT&TT sẽ tổ chức hai hội nghị tập huấn về chủ đề kỹ năng số dành cho phóng viên (dự kiến vào tháng 8/2023 tại Hà Nội) và dành cho thanh niên dự kiến vào tháng 10/2023.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-thong-tin-va-truyen-thong-pho-bien-cac-uu-tien-tuyen-truyen-ve-unesco-231113.html