Bộ Tài nguyên - Môi trường đối thoại với nhân dân: 'Nóng' chuyện đất đai

Hôm nay (7-11), lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiến hành đối thoại trực tuyến với người dân và doanh nghiệp.

Chỉ tính đến 9h sáng, đã có tới 462 câu hỏi được gửi về, trong đó trên 50% tập trung vào lĩnh vực đất đai.

Trong buổi sáng, hàng trăm câu hỏi của người dân đã được lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường và lãnh đạo các Sở giải đáp tận tình.

Anh Vũ Ngọc Dương (Hà Nội) gửi câu hỏi: “Bất động sản thời kỳ sốt đã để lại hậu quả cho nhiều người mua nhà do nhiều dự án "treo". Một số dự án đã kéo dài 7-10 năm nhưng không tiếp tục thực hiện gây bức xúc trong xã hội. Là Bộ chủ quản về đất đai, Bộ Tài nguyên – Môi trường có phương án nào để bảo vệ người dân đã góp vốn cho những dự án này?”.

Giải đáp câu hỏi này, lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, trong thời gian qua, Bộ đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2013 với các chế tài nghiêm nhằm xử lý nghiêm tình trạng dự án “treo”.

Cụ thể, trường hợp đất đã được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc tiến độ chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ ngày bàn giao đất ngoài thực địa thì chủ đầu tư được gia hạn tiến độ sử dụng thêm 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian này. Hết thời hạn 24 tháng được gia hạn này mà chủ đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất và không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trực tiếp giải đáp thắc mắc của người dân

Những dự án “treo” sẽ được công bố công khai trên các trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên -Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai. Chủ đầu tư những dự án này sẽ không được xem xét để giao đất, cho thuê đất tại những dự án khác.

Trước băn khoăn của người dân tỉnh Cao Bằng về việc có phải nộp tiền cho cán bộ địa chính xã khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng đất đai, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Cao Bằng khẳng định, cán bộ địa chính không được thu tiền khi thực hiện các thủ tục này. Trường hợp thu tiền công chứng và đóng dấu hợp đồng phải được thực hiện theo các quy định về công chứng, chứng thực.

Những dự án "treo" sẽ bị xử nghiêm

Nếu người dân muốn đăng kí đất đai thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng kí đất đai cấp huyện hoặc UBND cấp xã nơi có đất. Nếu muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp hồ sơ tại Phòng tài nguyên môi trường cấp huyện.

Do gắn liền với tài sản của người dân, rất nhiều câu hỏi tập trung quanh việc cấp sổ đỏ và đền bù khi thu hồi đất. Anh Nguyễn Quang Long (Thừa Thiên – Huế) gửi câu hỏi: “Nhà tôi chỉ có 1 thửa đất khai hoang năm 1992 và đã được cấp bìa đỏ với 500m2 (100m2 đất ở; 400m2 đất cây lâu năm). Gia đình tôi thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Theo điều 19, Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND của tỉnh Thừa Thiên Huế, khi nhà nước thu hồi toàn bộ thửa đất thì tôi có thuộc đối tượng hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất không?”.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, khi bị thu hồi thì đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp thì được hỗ trợ thêm 50% giá đất ở trong cùng thửa đất có nhà ở, diện tích hỗ trợ không quá 1 lần hạn mức giao đất ở tại được phương.

Trong khi đó, anh Lê Văn Vương (Lai Châu) băn khoăn về việc có được cấp lại sổ đỏ hay không sau khi đã đánh mất sổ đỏ và không nhớ số seri bìa đỏ.

Giải đáp thắc mắc này, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lai Châu cho biết, căn cứ theo điều 77, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất, gia đình anh Vương vẫn được cấp lại sổ đỏ.

Để được cấp lại, gia đình anh Vương cần đến UBND xã (phường) nơi có đất để thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận theo quy định. Trường hợp không cung cấp được số seri, gia đình anh có thể đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Lai Châu hoặc Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường (địa chỉ Đại Lộ Lê Lợi, phường Tân Phong, Thành phố Lai Châu) để tra cứu thông tin.

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường trả lời trực tuyến

Sau lĩnh vực đất đai, các lĩnh vực khác như môi trường, khoáng sản cũng được đông đảo người dân quan tâm. Trước câu hỏi của ông Nguyễn Văn An, 56 tuổi (Bắc Giang) về việc khắc phục sự cố môi trường của Công ty CP tập đoàn khoáng sản Á Cường, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường Bắc Giang cho biết, hiện công ty Á Cường vẫn đang tạm dừng hoạt động để khắc phục các tồn tại về bảo vệ môi trường và khoáng sản theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Với tư cách người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, để hướng tới Chính phủ kiến tạo, ngành tài nguyên môi trường xác định lấy người dân và doanh nghiệp là trọng tâm. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực do Bộ phụ trách đã được cắt giảm, đơn giản hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Lĩnh vực đất đai đã giảm 30 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai; giảm 9 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai; một số thủ tục con trong giao đất, cho thuê đất và đăng ký, cấp giấy chứng nhận đã được bãi bỏ; thời gian thực hiện thủ tục giảm so với quy định trước đây… Lĩnh vực khoáng sản đã cắt giảm gần 40% thủ tục hành chính không cần thiết...

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận, một số cơ chế, chính sách hiện vẫn còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và chưa tuân theo cơ chế thị trường, nhất là trong các lĩnh vực quan lý đất đai, môi trường, quản lý tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, công tác triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập. Còn nhiều người dân và doanh nghiệp chưa nắm vững quy trình thủ tục dẫn đến chưa đến đúng nơi phải nộp hồ sơ hoặc phải bổ sung hồ sơ làm phát sinh chi phí. Ở một số cơ quan, một số địa phương còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu năng lực, lợi dụng chức trách để nhũng nhiễu người dân…

Người đứng đầu ngành Tài nguyên môi trường yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ phải trả lời toàn bộ những câu hỏi của người dân gửi về hệ thống giao lưu trực tuyến, hoàn thành chậm nhất ngày 12-11; đối với các Sở Tài nguyên – Môi trường hoàn thành trước ngày 19-11.

Giao lưu trực tuyến với nhân dân và doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên – Môi trường triển khai thực hiện từ năm 2005. Đây là kênh thông tin quan trọng nhằm tiếp nhận, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân, qua đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đến nay, Bộ cùng các Sở Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức thành công 16 đợt giao lưu trực tuyến với gần 531.000 lượt người truy cập vào hệ thống giao lưu trực tuyến của Bộ và trên 580.000 lượt người truy cập vào các trang giao lưu trực tuyến của các Sở Tài nguyên – Môi trường.

Khánh Vy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nong-cau-chuyen-dat-dai-415963/