Bổ sung sắt cho bà bầu đúng cách theo 5 nguyên tắc

Bổ sung sắt cho bà bầu là việc làm không thể thiếu trong suốt thai kỳ, mặc dù hiện diện trong cơ thể với một lượng rất nhỏ nhưng lại rất quan trọng và cần thiết cho mẹ bầu.

Khác với thời son rỗi, bổ sung sắt cho bà bầu cần tuân thủ một số quy tắc nhất định. Vì ngoài sức khỏe của mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên bổ sung đúng và đủ thì không phải ai cũng hiểu rõ, các bạn nên tham khảo bài viết dưới đây.

1/ Vai trò của sắt đối với bà bầu

Sắt là nguyên tố cần thiết để tạo nên Hemoglobin – thành phần quan trọng trong hồng cầu – có vai trò vận chuyển Oxy từ phổi về các cơ quan và vận chuyển CO2 từ các cơ quan về phổi để thải ra ngoài. Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% so với bình thường do đó yêu cầu nguồn bổ sung nguyên liệu tạo máu như sắt cũng tăng lên tương ứng.

Ngoài ra, sắt tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme, giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, bảo vệ cơ thể tránh bị nhiễm khuẩn..

2/ Thiếu sắt khi măng thai gây ra hậu quả gì?

Sắt rất quan trọng với thai nhi, nếu mẹ thiếu sắt ở giai đoạn đầu mang thai từ tháng 1-3 dễ gây ra sảy thai hoặc thai bị chết lưu. Nếu mẹ thiếu sắt ở những giai đoạn sau, có thể dẫn tới hiện tượng đẻ non, bào thai bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển nhận thức, giảm phát triển trí tuệ ở con sau này. Thiếu sắt khi mang thai còn khiến mẹ có nguy cơ bị băng huyết khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và con.

Những biểu hiện của việc thiếu sắt khi mang thai là: mệt mỏi, chóng mặt, khó thở; thậm chí ngất xỉu – ảnh hưởng đến sự an toàn của cả mẹ và thai nhi.

3/ Bổ sung sắt cho bà bầu: Bao nhiêu mới đủ?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, muốn duy trì một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên bổ sung ít nhất 27 mg chất sắt mỗi ngày và không vượt quá 45 mg sắt trong suốt 9 tháng “mang nặng”. Dư thừa sắt có thể khiến tình trạng táo bón khi mang thai trở nên trầm trọng hơn hoặc có thể gây nôn ói, tiêu chảy. Cách nhanh nhất để giải quyết tình trạng bổ sung sắt quá liều là uống thêm nhiều nước để nhanh chóng đào thải sắt ra ngoài hoặc ăn thêm chất xơ để ngăn ngừa táo bón.

4/ Bổ sung sắt như thế nào?

Thực phẩm tự nhiên là nguồn bổ sung sắt an toàn và phong phú nhất cho bà bầu. Không chỉ sắt, khi ăn thực phẩm hàng ngày, bà bầu còn được lợi một lượng vitamin và khoáng chất quan trọng với cơ thể. Chẳng hạn, bà bầu ăn cam vừa giúp bổ sung sắt, vừa bổ sung vitamin C và “lời” thêm được một lượng canxi đáng kể.

Tuy nhiên, sắt rất dễ bay hơi trong quá trình chế biến nên để đảm bảo cho nhu cầu mỗi ngày, các bác sĩ có thể kê đơn cho mẹ bầu uống bổ sung sắt. Chứa hàm lượng sắt khá cao, nên thuốc sắt có thể gây ra một số tác dụng phụ, thường gặp nhất là tình trạng táo bón. Một số mẹ bầu khác có thể bị ợ nóng, khó chịu ở bụng, nôn mửa, tiêu chảy… Tùy thuộc vào tác dụng phụ, mẹ có thể thay đổi thời điểm uống bổ sung sắt để hạn chế những khó chịu có thể gây ra. Chẳng hạn, nếu bị ợ nóng, mẹ nên tránh uống sắt trước khi đi ngủ. Ngược lại, nếu uống sắt khiến mẹ buồn nôn, trước khi đi ngủ lại là thời điểm hoàn hảo để “nạp” thêm loại khoáng chất dinh dưỡng này.

5/ 5 quy tắc cần nhớ khi bổ sung sắt cho bà bầu

- Không “song hành” cùng canxi: là 2 nhân tố quan trọng trong thực đơn dinh dưỡng cho bà bầu, nhưng sắt và canxi thường khá kỵ nhau. Vì vậy, bầu không nên uống thuốc sắt với sữa hoặc ăn thực phẩm giàu sắt khi đang bổ sung canxi.

- Không uống sắt cùng trà và cà phê: giống như canxi, caffein trong trà và cà phê cũng sẽ nhanh chóng làm sắt “bốc hơi”.

- Uống cùng nước cam, chanh hoặc các loại nước giàu vitamin C: nếu canxi hạn chế khả năng hấp thu sắt của cơ thể, thì vitamin C lại có tác dụng tăng cường khả năng hấp thu sắt. Không chỉ uống cùng thuốc bổ sung, khi ăn các loại rau củ giàu sắt, bạn cũng có thể uống thêm vitamin C, để tăng khả năng hấp thu.

- So với thực vật, sắt từ động vật dễ hấp thu hơn hẳn. Tuy nhiên, bà bầu nên hạn chế ăn gan động vật. Vì ngoài sắt, hàm lượng vitamin A dạng hoạt động trong gan động vật khá cao, có thể gây dị tật thai nhi.

- Nấu nướng bằng nồi hoặc chảo làm bằng gang sẽ hạn chế tình trạng “thất thoát” sắt từ thực phẩm.

Với những người bình thường, thiếu sắt có thể gây thiếu máu, mệt mỏi, nhưng với phụ nữ mang thai, thiếu sắt có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển… Hi vọng qua bài viết trên sẽ giúp chị em trang bị thêm những thông tin cần thiết để bổ sung sắt cho bà bầu đúng cách để mẹ khỏe con xinh.

Dương Hoàng Lan (Tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/me-va-be/bo-sung-sat-cho-ba-bau-dung-cach-theo-5-nguyen-tac-200532/