Bố mẹ cần làm gì khi trẻ giỏi điện thoại nhưng không biết buộc dây giày?

Ngày nay, trẻ em đang di chuột, chơi game trên máy tính và sử dụng điện thoại thông minh thuần thục hơn rất nhiều so với thực hiện các kỹ năng sống khác như tự buộc dây giày, làm bữa sáng hay bơi mà không cần ai hỗ trợ.

Hệ lụy từ việc “giỏi công nghệ”

Nhiều ông bố bà mẹ trẻ khi nhìn thấy con mình mới 3,4 tuổi đã thành thạo sử dụng điện thoại thông minh hay thiết bị công nghệ thì cảm thấy rất tự hào. Họ cho rằng, con họ thực sự thông minh khi có thể thực hiện được những việc đó.

Ảnh minh họa

Nhiều đứa trẻ lớn hơn một chút, khoảng 5-7 tuổi có thể cài đặt các phần mềm trên điện thoại một cách dễ dàng. Những thao tác cài đặt, sao lưu dữ liệu, tải phần mềm, tạo email, tìm kiếm google đều làm trơn tru hơn người lớn. Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ “nể phục” chính con mình.

Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, việc “giỏi công nghệ” này không hề liên quan đến trí thông minh của trẻ khi trưởng thành, thậm chí còn làm cho trẻ gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống bởi những vấn đề phát sinh từ công nghệ như kỹ năng sống, sức khỏe, thị lực, nhận thức...

Chị Trần Thị H (Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang học mẫu giáo phải xin cho con học ở trường dành cho học sinh tự kỷ. Chị H cho biết, nguyên nhân là ngay từ khi con mới 2 tuổi chị đã cho con chơi điện thoại để còn tự do làm việc. Ban đầu chị nhận thấy con chị rất hứng thú với điện thoại, bé có thể ngồi yên cả tiếng đồng hồ, bấm vào màn hình để nghe những âm thanh như nhạc chuông, youtube...Thấy con ngoan hơn khi chơi điện thoại, chị H liền sắm luôn cho con một cái điện thoại thông minh giá rẻ, có mầu sắc và nhẹ để con chơi thường xuyên, như là một lá bùa hộ mệnh. Lúc con không ăn, lúc con quấy khóc, chị đều chìa điện thoại ra “nhử”.

Bố mẹ cần kiểm soát việc sử dụng các thiết bị công nghệ của con (Ảnh minh họa)

Năm lên 4 chị mới cho con đi học mẫu giáo, nhưng những tín hiệu khác lạ của con khiến nhà trường nêu ý kiến đề nghị chị đi kiểm tra xem có bị tự kỷ không. Sau nhiều bài trắc nghiệm, bác sỹ phát hiện ra nguyên nhân khiến con chị bị tự kỷ là con chị “yêu” cái điện thoại hơn bất cứ thứ gì trên đời. Khi cầm điện thoại trên tay, con bé không còn thiết tha việc gì, thậm chí tắt điện trong phòng tối om nó cũng không để tâm, chỉ chú ý nhìn vào điện thoại. Nếu bị giật khỏi tay là có phản ứng gào khóc, đấm đá, cào cấu người khác rất quyết liệt. Hiện nay chị H ngày ngày phải đưa con đến trường học cho trẻ tự kỷ và tuần hai buổi trị liệu với bác sỹ riêng.

Theo các chuyên gia tâm lý thì nghiện thiết bị công nghệ, mạng xã hội cũng là một loại bệnh lý về tâm thần. Hậu quả của nó tưởng như đơn giản nhưng lại khó lường, khó chữa.

Em Nguyễn Bảo Mai (8 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ. Ban đầu, mẹ của Mai cho em sử dụng điện thoại và ipad với mục đích tự luyện làm toán trên mạng. Tuy nhiên, ngoài lúc làm toán em tranh thủ chơi trò chơi trên mạng. Phải nói rằng Mai chính là một “cao thủ” công nghệ khi em có thể cài đặt và sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ, chủ yếu là các trò chơi. Tuy nhiên em còn khoe có thể “hack” được cả những trò chơi mà không cần phải “trả tiền” để chơi tiếp. Nhìn Mai sử dụng điện thoại, ipad thành thạo, ai cũng nể phục. Thế nhưng niềm say mê với công nghệ khiến Mai rơi vào trạng thái “nghiện ngập” không thể kiểm soát được. Cuối năm, đi họp phụ huynh mẹ em mới biết kết quả học tập của Mai đã tụt xuống gần cuối lớp, khi trước đây Mai luôn đứng ở vị trí top đầu của lớp. Đáng lo ngại hơn nữa là Mai có dấu hiệu “đơ” khi hoàn toàn mơ hồ với cuộc sống thực tại. Hỏi gì cũng ngơ ngác: “mẹ nói gì cơ ạ? vâng.. thế à...”.

Thậm chí ăn cơm rồi hay chưa, tắm rồi hay chưa, Mai cũng không nhớ nổi, ai hỏi cũng cứ ngẩn ra một lúc rồi mới trả lời được.Làm sao để biết con bạn đang làm gì trên mạng? Hỏi con tìm kiếm gì khi chơi điện thoại thông minh hay các thiết bị công nghệ, là những câu hỏi mà ít phụ huynh quan tâm.

Việt Khuê

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/song/nuoi-con/bo-me-can-lam-gi-khi-tre-gioi-dien-thoai-nhung-khong-biet-buoc-day-giay-d100062.html