Bộ luật đầu tiên nào của Việt Nam trị tội lén giết mổ trâu bò?

Thời phong kiến, trâu bò là sức kéo quan trọng trong nông nghiệp. Vì vậy, các đời vua đã có những luật lệ cấm tự ý giết mổ loại gia súc này.

1. Luật cấm tự ý giết mổ trâu bò xuất hiện lần đầu trong bộ luật nào?

Hình thư (thời nhà Lý)
Hình luật (thời nhà Trần)
Quốc triều Hình luật (thời nhà Lê)
Hoàng Việt luật lệ (thời nhà Nguyễn)

Chính xác

Luật Hình thư được biên soạn và ban hành khoảng năm 1042. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta, thay thế cho các quy chế, luật lệ, chiếu chỉ cũ.

Năm 1107, vua Lý Nhân Tông bổ sung và luật Hình thư quy định cấm giết mổ trâu bò bừa bãi. Theo đó, trâu bò là sức kéo quan trọng trong nông nghiệp, vì vậy cần bảo vệ trâu bò để phát triển trồng trọt, tạo lương thực nuôi sống người dân.

2. Những người tự ý giết mổ trâu bò sẽ bị xử tội gì?

Xử trảm
Xử đánh
Xử đi đày
Xử tịch thu nhà cửa

Chính xác

Theo luật Hình thư, ai mổ trộm trâu bò sẽ bị xử đánh 80 trượng, đồng thời có thể bị xung làm kẻ phục dịch trong quân đội. Người thân, hàng xóm biết nhưng cố ý bao che cũng bị xử đánh 80 trượng và phạt 50 quan tiền.

3. Theo luật Hình thư thời Lý, trong trường hợp nào người dân được phép tự ý giết mổ trâu bò?

Vào dịp Tết Nguyên đán
Vào ngày có đám hiếu, hỉ
Khi trâu bò già, bệnh, mất sức kéo
Trâu bò không còn khả năng sinh sản

Chính xác

Thịt trâu bò vốn là món ăn xa xỉ, được bán với mức giá cao nên việc lén giết mổ vẫn xảy ra. Luật Hình thư quy định chỉ khi nào trâu bò già, bệnh, không thể phục vụ sản xuất mới được phép giết mổ.

Đến giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chính phủ Việt Nam cũng có một số quy định tương tự để bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp. Với trâu bò già yếu, người dân phải có phép của Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính địa phương và sự thỏa thuận của Ty thú y địa phương mới được phép giết mổ.

4. Tháng Giêng hàng năm, các vị vua thường tổ chức lễ hội nào để khuyến khích nông nghiệp?

Lễ Ban sóc
Lễ Nghinh xuân
Lễ Phật thức
Lễ Tịch điền

Chính xác

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào đầu xuân năm 987, vua Lê Đại Hành lần đầu tổ chức Lễ Tịch điền ở chân núi Đọi. Việc các vua đích thân đi cày trong buỗi Lễ Tịch điền hằng năm là hành động khuyến khích người dân trồng trọt, sản xuất.

Về sau, dù công nghiệp ngày càng phát triển, nhiều địa phương tại Việt Nam vẫn tổ chức Lễ Tịch điền để cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.

5. Vị thủ lĩnh khởi nghĩa nào nổi tiếng với trận “trâu lửa”?

Phan Bá Vành
Cao Bá Quát
Nguyễn Hữu Cầu
Đinh Công Tráng

Chính xác

Nguyễn Hữu Cầu (1712 – 1751) sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Hải Dương ngày nay. Trước bối cảnh chính quyền phong kiến suy yếu, quyền lực chúa Trịnh lấn át vua Lê, Nguyễn Hữu Cầu đã dựng cờ khởi nghĩa, lấy Đồ Sơn, Hải Phòng làm căn cứ.

Trong một lần bị quân chúa Trịnh vây khốn, ông đã áp dụng thế trận “trâu lửa” để phá vây. Nguyễn Hữu Cầu cho buộc những mũi lao nhọn vào lưng và sừng trâu, đuôi trâu được quấn giẻ tẩm nhựa thông dễ cháy. Bị nóng, “trâu lửa” chạy loạn khiến hàng ngũ quân Trịnh tan vỡ.

Một số truyền thuyết cho rằng câu chuyện về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu cũng là khởi nguồn của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn truyền thống hàng năm.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-luat-dau-tien-nao-cua-viet-nam-tri-toi-len-giet-mo-trau-bo-2148652.html