Bờ kè, đường đi bộ sông Như Ý được đầu tư

Sau bao năm chờ đợi, sông Như Ý đoạn qua TP. Huế được đầu tư xây dựng bờ kè cùng đường đi bộ dài 1,6km kéo dài từ Đập Đá đến cầu Vân Dương, với kinh phí hơn 260 tỷ đồng.

Các nhà thầu huy động nhân, vật lực đẩy nhanh tiến độ công trình đường đi bộ dọc sông Như Ý

Những ngày này, tiếng búa, tiếng máy ép cọc bê tông thi công kè bên bờ sông Như Ý nối từ Đập Đá hướng về cầu Vân Dương làm rộn rã cả phường Xuân Phú, Phú Hội. Nhiều cụ ông, cụ bà tuổi ngoài 70 sáng như chiều thường tụm ba tụm bốn ở bên đường Nguyễn Lộ Trạch nhìn ra sông Như Ý cười nói xôn xao khi hình hài tuyến kè bắt đầu nhô cao dần lên từ mặt nước.

Đứng trên cầu Vân Dương, chỉ tay về tuyến kè đang thi công, ông Ngô Văn Thuần (hẻm 183 đường Nguyễn Lộ Trạch, TP. Huế) phấn khởi, hơn hai năm trước, ông đã hay tin về một công trình đường đi bộ sẽ được đầu tư từ các đại biểu HĐND TP. Huế về tiếp xúc cử tri ở địa phương thì giờ đây nó đã thành hiện thực. Công trình đang thi công, nhưng qua mô phỏng kiến trúc từ thông tin đại chúng, sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ thêm sắc mới cho sông Như Ý vốn hiền hòa, xanh mát.

Cũng như ông Thuần, người dân làng Vân Dương vui mừng bởi từ thuở cha sinh mẹ đẻ, lớn lên ở vùng đất này lần đầu tiên được nghe nói về “con đường đi bộ hơn 260 tỷ đồng" đi qua. Một dấu ấn giữa lòng đô thị Huế mà họ không chỉ quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ kiến trúc, cảnh quan trong khu vực mà còn kỳ vọng sông Như Ý cùng với sông Hương tiếp tục giữ vai trò tiêu úng, thoát lũ nhanh vào mùa mưa lũ cho người dân TP. Huế.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế (chủ đầu tư công trình) cho biết, kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý rộng 6m, dài hơn 1,6km từ Đập Đá đến cầu Vân Dương đang được thi công với tổng kinh phí 267 tỷ đồng, chạy qua 2 phường Phú Hội và Xuân Phú, TP. Huế. Theo thiết kế, tuyến đường được lót đá granite, lan can bằng thép không gỉ, sơn tĩnh điện. Toàn tuyến có bãi đỗ xe rộng hơn 1.300m2 giáp với Đập Đá; cầu vòm dài 36m bắc qua hói Thát Lát; 11 bến nước. Khu vực giáp ranh với nhà dân sẽ được bố trí các tiểu cảnh, cây xanh. Khi công trình triển khai đã thu hồi hơn 15 nghìn m2 đất phần bờ; trong đó có 17 hộ gia đình ảnh hưởng phải bồi thường gần 18 tỷ đồng. Hiện nay, công tác này đã hoàn tất.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh thông tin thêm, công trình trên nằm trong Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế thực hiện từ nguồn vay ODA Nhật Bản vào tháng 8/2015 đến nay đã hoàn thiện. Riêng công trình kè, đường đi bộ dọc sông Như Ý vừa khởi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2024.

Ông Văn Việt Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế, đơn vị tham gia thi công công trình cho biết, nắm bắt được địa thế, địa hình thi công trên mặt nước và sự bất lợi của thời tiết tại ở Huế, nhất là khi mưa lũ đã cận kề, đơn vị luôn trong tâm thế đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến thời điểm này, đơn vị huy động nhân, vật lực, máy móc thi công đóng hàng trăm cọc bê tông dài 12- 22m dọc bờ sông Như Ý, phía sau nhà dân ở đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Lộ Trạch… đưa công trình đạt gần 40% khối lượng công việc, đảm bảo chất lượng và dự kiến hoàn tất trước kế hoạch đề ra vào tháng 6/2024.

Không bao lâu nữa, cùng với cầu gỗ lim - tuyến đi bộ độc đáo ven bờ Nam sông Hương, TP. Huế sẽ có thêm tuyến đường đi bộ tuyệt đẹp dọc sông Như Ý, tạo cho khu vực này thêm sắc mới hòa cùng nét duyên của những khu nhà vườn, nhà cổ, biệt thự bên phố Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Hàn Mặc Tử…

Như dự đoán, khi công trình kè, đường đi bộ dọc sông Như Ý bắt đầu, thị trường đất đai ở khu vực này đã “nóng” lên từng ngày. Nhiều người kinh doanh bất động sản đã tìm về làng Vân Dương hỏi mua hoặc thuê đất kinh doanh.

Anh Hồ Minh Ngọc (bạn tôi ở phường Xuân Phú, TP. Huế) cho biết, hơn 1 năm trước giá đất tại làng Vân Dương, Xuân Phú dao động từ 20-30 triệu đồng/m2. Nhưng từ hơn 2 tháng nay, giá đất nền ở đây đã lên cao, nhất là những vị trí mặt tiền phố đi bộ sắp đến. Bạn cũng chia sẻ, nhà anh có hơn 500m2 đất vườn, định sau này khi tuyến đường hoàn thiện sẽ mở quán cà phê hướng ra sông phục vụ du khách. Nhưng gần đây có người từ Hà Nội vào hỏi mua với giá 50 triệu đồng/m2, nhưng anh đã từ chối…

Đặc biệt, khu vực gần xóm chùa, nơi tiếp giáp giữa một nhánh sông An Cựu đổ ra ngã ba sông Như Ý, đang thi công cầu đi bộ ngắm cảnh (đoạn qua làng Vân Dương) hiện có rất nhiều người tìm đến hỏi mua đất ven sông. Trước đây, ít ai quan tâm đến khu vực đất gần chùa làng, nhưng nay đất ở khu vực này đang "sốt" vì rất nhiều người đến hỏi mua, thậm chí cần mua với diện tích lớn với giá 20-40 triệu đồng/m2...

Âu đó cũng là lẽ thường tình, bởi nói một cách dân dã như bạn tôi: “Đất lành để dành đón khách du lịch thì phải xắt ra miếng".

Công trình kè, đường đi bộ sông Như Ý do liên danh Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế và Công ty cổ phần Xây dựng 568 - Hà Nội thi công. Từ thời điểm chỉ định thầu, chủ đầu tư đã quán triệt nhà thầu thi công phải đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, trong đó phải tính kỹ phương án chống lũ và đáp ứng sự kỳ vọng của người dân - một tuyến đường dạo chơi, ngắm cảnh đẹp và thân thiện với môi trường.

Bài, ảnh: MINH VĂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/bo-ke-duong-di-bo-song-nhu-y-duoc-dau-tu-131605.html