Bộ Công Thương: Giờ không làm thép sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô

Gửi đến báo chí một số thông tin liên quan tới giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về các dự án thép, Bộ Công Thương cho rằng giai đoạn này là thích hợp để Việt Nam phát triển ngành thép. Nếu không, có thể ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025 thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Trước đây, do các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật nên Việt Nam phải kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 3 khu luyện thép liên hợp. Trong số 3 dự án trên chỉ có duy nhất dự án Formosa Hà Tĩnh được triển khai, hai dự án còn lại đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do không tiến hành triển khai đúng quy định. Đến nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ năng lực, có thể đầu tư các tổ hợp thép có quy mô lớn mà không cần đến các nhà đầu tư nước FDI.

Bộ cho rằng nếu không phát triển các dự án khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là nước ta sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các chất trợ dung, phụ liệu sản xuất nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu phục vụ kinh tế biển lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu với khối lượng lớn. Điều này gây ra tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

Trong khi đó, các loại thép sản xuất trong nước có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, không có yếu tố trợ giá. Giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp thép.

Lợi thế đó là cảng nước sâu; nguồn nguyên liệu đầu vào với trữ lượng quặng sắt lớn, khoảng 1,3 tỉ tấn, trong đó mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 550 triệu tấn, nhiều tài nguyên khác dồi dào để làm nguyên liệu phụ trợ; lợi thế nhân công giá rẻ bởi Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người thấp, trong khi ngành thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng nếu được đầu tư bài bản, chọn đúng hướng đi của các dòng sản phẩm, ngành thép Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu.

Sau sự cố môi trường biển miền Trung, người dân cả nước bày tỏ sự lo ngại đối với các dự án sản xuất thép, đặc biệt các dự án thép liên hợp có các lò luyện cốc, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá về công nghệ và vấn đề môi trường đối với các dự án thép.

Bộ dẫn thống kê của Hiệp hội Thép thế giới, cho biết sản lượng thép thô thế giới năm 2013 là 1,65 tỉ tấn, năm 2014 đạt 1,67 tỉ tấn. Trong đó, công nghệ sản xuất thép từ quặng sắt bằng công nghệ lò cao - lò thổi oxy chiếm khoảng 70% sản lượng, công nghệ lò điện và các công nghệ còn lại chỉ chiếm khoảng 26 - 30%. Như vậy có thể thấy, sản xuất thép từ quặng sắt sử dụng công nghệ lò cao - lò thổi là công nghệ chính sản xuất thép thế giới hiện nay.

Theo đó, vấn đề mấu chốt là các dự án thép phải thực hiện nghiêm túc việc đầu tư, từng khâu công nghệ, cũng như toàn nhà máy phải có đầy đủ các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, người vận hành phải tuân thủ đúng quy trình vận hành mà công nghệ đã đặt ra. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường máy móc thiết bị để giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải, xử lý chất thải, tránh tình trạng chất thải chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường.

Theo Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, đối với các dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, bộ chuyên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định công nghệ, môi trường. Chủ đầu tư có trách nhiệm phải tuân thủ kết quả thẩm định. Điều này sẽ khắc phục tình trạng trước đây các bộ chuyên ngành chỉ dừng ở mức góp ý, giao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Do vậy, việc giám sát và quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện chặt chẽ.

Bộ Công Thương nhìn nhận, với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, nếu tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định về trong vận hành, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường đối với các dự án.

Hoàng Long

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/bo-cong-thuong-gio-khong-lam-thep-se-anh-huong-den-nen-kinh-te-vi-mo-47753.html