Bộ Công thương còn thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát

Ngày 23/9/2016, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước (QLNN) trong hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu của Bộ Công thương từ năm 2010 - 2013.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công thương tăng cường trách nhiệm QLNN, vai trò chủ trì trong hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu Ảnh: http://photos.wikimapia.org

Giai đoạn này, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013, đã kịp thời điều chỉnh sửa đổi 3 lần các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại từng thời kỳ.

Những tồn tại, khuyết điểm

Bên cạnh một số ưu điểm góp phần tạo doanh thu, lợi nhuận cho cộng đồng doanh nghiệp, kéo theo sự gia tăng phát triển các dịch vụ phụ trợ khác (như kinh doanh cảng biển, vận tải, khách sạn, du lịch, mua sắm hàng hóa...); tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương, góp phần vào việc bảo đảm trật tự, an toàn, an sinh xã hội; hạn chế gian lận thương mại, tồn đọng hàng hóa do tạm nhập, tái xuất, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng và chủ quyền biên giới quốc gia... kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm.

Đối với Bộ Công thương

Việc ban hành Thông tư số 05/2013, Thông tư số 05/2014 quy định công tác báo cáo còn chưa chặt chẽ; chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm đơn vị chủ trì quản lý, cơ chế phối hợp với đơn vị tham gia QLNN về tạm nhập tái xuất (Bộ Tài chính, các địa phương, Sở Công thương); chưa phù hợp với thực tế và chưa đủ cơ sở khoa học để xây dựng mức ký quỹ; chưa sát thực tế quy định về điều kiện kho bãi trong cấp phép; chưa quy định cụ thể, đầy đủ mẫu biểu, thời gian và chế tài trong yêu cầu báo cáo đối với các cơ quan QLNN có liên quan...

Chưa thực hiện tốt việc “chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản thuộc chức năng của bộ” như việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo quản lý tạm nhập, tái xuất theo quy định; chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý việc địa phương ban hành văn bản không đúng với quy định tại Thông tư do Bộ Công thương ban hành, còn để vi phạm quy định của pháp luật; chưa kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mạnh chế tài xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung và việc thu hồi mã số kinh doanh nói riêng theo các mức độ, hình thức vi phạm nhằm phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu lực QLNN...

Việc kiểm tra hoạt động tạm nhập tái xuất chưa thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2, Điều 12 Quy chế Làm việc số 1709 ngày 17/3/2008 của Bộ Công thương.

Để các tồn tại, bất cập trên là chưa thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 4, khoản 18, Điều 2 Nghị định số 95/2012 ngày 12/11/2012 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của Bộ Công thương; làm giảm hiệu lực QLNN, ảnh hưởng đến mục tiêu “khắc phục những hạn chế của hoạt động tạm nhập, tái xuất, đảm bảo yêu cầu quản lý, tránh sự lợi dụng chính sách để có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế và tránh những ách tắc tồn đọng có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến môi trường, xã hội” mà Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 702 ngày 19/9/2013.

Trách nhiệm thuộc về tập thể, cá nhân được giao xây dựng thông tư hướng dẫn; các cá nhân được giao nhiệm vụ có liên quan đã chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu trong “chỉ đạo những vấn đề về cơ chế, chính sách đối với các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế (tạm nhập tái xuất)”; “điều hành hoạt động tạm nhập tái xuất... và chỉ đạo xử lý hồ sơ về tạm nhập tái xuất... các doanh nghiệp thuộc tỉnh Quảng Ninh” theo Quyết định số 619 ngày 29/01/2013 của Bộ Công thương và kết quả “phân công nhiệm vụ công tác của Cục Xuất nhập khẩu”.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố có hoạt động tạm nhập, tái xuất

Chưa chủ động thực hiện việc báo cáo kết quả QLNN về tạm nhập, tái xuất cho Bộ Công thương (Cục Xuất nhập khẩu - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về tạm nhập tái xuất) theo quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 20 Thông tư số 05/2014 của Bộ Công thương.

UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 558 ngày 18/3/2014 thí điểm lựa chọn doanh nghiệp thực hiện tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong các khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh nhưng chưa thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Công thương.

Đối với Tổng cục Hải quan

Chưa thực hiện việc báo cáo đầy đủ, thường xuyên cho Bộ Công thương trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa; việc tồn đọng, kết quả xử lý hàng hóa tạm nhập tái xuất tồn đọng là vi phạm điểm b, khoản 4, Điều 20 Thông tư số 05/2014 của Bộ Công thương.

Trách nhiệm thuộc về Tổng cục Hải quan.

Kiến nghị xử lý

Từ những tồn tại, khuyết điểm, Thanh tra Chính phủ đã đề ra nhiều kiến nghị xử lý cụ thể:

Đối với Bộ Công thương

Tăng cường trách nhiệm QLNN, vai trò chủ trì trong hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực tiễn nhằm đưa hoạt động tạm nhập tái xuất ngày càng ổn định và phát triển bền vững, đảm bảo theo thông lệ quốc tế.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương; chỉ đạo các Sở Công thương có liên quan đến quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu đánh giá tổng thể việc thực hiện Thông tư số 05/2014/TT-BCT của Bộ Công thương, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành còn tồn tại, bất cập, chưa sát thực tế về tạm nhập tái xuất.

Chú trọng tập trung một số nội dung như: Phân cấp, đi cùng với phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan thực hiện là các địa phương và cơ quan chủ trì quản lý là Bộ Công thương nhằm phát huy lợi thế hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu đồng thời đảm bảo yêu cầu kiểm soát chặt chẽ làm giảm nguy cơ gian lận thương mại, bảo vệ hàng hóa trong nước và việc lợi dụng chính sách để buôn lậu, trốn thuế… quy định chặt chẽ hoạt động phối hợp, giám sát hàng hóa thực xuất tại các cửa khấu đối với các cơ quan quản lý có thấm quyền, việc giám sát hàng hóa tạm nhập tái xuất từ hải quan nơi nhập đến cửa khẩu nơi xuất; thống nhất đầu mối chủ trì tham mưu, quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất tại các Sở Công thương các tỉnh có liên quan nhằm phát huy lực lượng chuyên ngành, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống quản lý; quy định rõ cơ chế báo cáo, phối hợp và trách nhiệm cung cấp thông tin giữa các doanh nghiệp với đơn vị QLNN, giữa các đơn vị QLNN có liên quan (các bộ, ngành, địa phương...) với đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì quản lý lĩnh vực (Bộ Công thương), các đơn vị thuộc quản lý ngành dọc của Bộ Công thương (các Sở Công thương).

Đánh giá, xem xét, kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất như: Hành vi tự ý tiêu thụ nội địa hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất; chậm thanh khoản tờ khai tạm nhập tái xuất; tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu không đúng quy định; khai báo không đúng tên hàng, chủng loại, số lượng hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất... nhằm đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Đối với các bộ, ngành, địa phương

Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp tích cực hơn nữa trong xây dựng chính sách đảm bảo giám sát hàng hóa tạm nhập tái xuất chặt chẽ, nhằm chống gian lận thương mại, thẩm lậu hàng hóa, thất thu thuế trong hoạt động tạm nhập tái xuất đặc biệt về cơ chế kiểm soát chặt chẽ ngay tại hải quan nơi nhập (như áp dụng cơ chế quản lý rủi ro theo mức độ cao nhất đối với loại hàng hóa này); việc quy định chia nhỏ hàng hóa, thay đổi đường mòn, lối mở, cửa khẩu xuất phù hợp với thực tế năng lực, điều kiện kiểm soát; việc ứng dụng công nghệ tin học trong giám sát hàng hóa.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan chấn chỉnh và thực hiện nghiêm việc cung cấp số liệu, thông tin quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 05/2014 ngày 27/01/2014 của Bộ Công thương, Chỉ thị số 23/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường QLNN trong hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa, đặc biệt là quá trình thực xuất.

UBND các tỉnh biên giới, nơi có hàng hóa tái xuất chỉ đạo các ban quản lý khu kinh tế, cửa khẩu, các cơ quan chức năng liên quan tổ chức quản lý chặt chẽ hơn nữa các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn hàng tạm nhập tái xuất đi không đúng tuyến đường, khu vực quy định dẫn đến gian lận, thẩm lậu nội địa.

UBND tỉnh Quảng Ninh kịp thời điều chỉnh Quyết định số 558 ngày 18/3/2014 về việc “ban hành quy định về trình tự, thủ tục và nguyên tắc lựa chọn thí điểm doanh nghiệp thực hiện tái xuất hàng hóa qua các cửa khấu phụ, điểm thông quan trong các khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh” theo hướng dẫn của Bộ Công thương và phù họp với các quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh và Điều 10 Luật Thương mại; UBND các tỉnh có hoạt động tạm nhập tái xuất... thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

Trần Ngọc

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/bo-cong-thuong-con-thieu-trach-nhiem-trong-kiem-tra-giam-sat_t114c1002n109906