Bộ Công an vào cuộc bảo vệ đê điều

Cuối tuần qua, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai do Trung tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra việc thi hành Luật Phòng chống thiên tai...

Đoàn công tác kiểm tra đê điều tại Hà Nội

Cuối tuần qua, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai do Trung tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra việc thi hành Luật Phòng chống thiên tai và công tác tìm kiếm cứu nạn, thực trạng vi phạm đê điều tại Hà Nội và một số địa phương…

Cùng đi có ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực BCĐ Trung ương về PCTT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT).

Vấn nạn nan giải

Đây là cuộc thị sát thực tế nhằm tìm ra giải pháp đối phó với nạn xâm hại đê điều diễn ra quá phổ biến trong thời gian qua. Thực tế kiểm tra, khảo sát tại các địa phương cũng cho thấy, thực trạng vi phạm đê điều tại các địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp và tồn tại nhiều vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là địa bàn TP Hà Nội.

Theo thống kê của Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật về hành lang bảo vệ đê điều và tình trạng khai thác các bãi sông, lòng sông trên địa bàn TP đang ngày càng gia tăng. Tổng số vụ vi phạm năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn TP Hà Nội là 506 vụ nhưng mới chỉ xử lý được gần 100 vụ. Đáng chú ý có những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như đổ đất, phế thải, xây công trình trái phép tại khu vực bãi đá sông Hồng, cầu Nhật Tân (phường Nhật Tân, Tây Hồ); lập bến bãi tập kết vật liệu với quy lớn tại khu vực cầu Thăng Long và trên địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên; tình trạng xâm hại đê điều để xây dựng công tình trên tuyến đê tả Đáy, huyện Ứng Hòa…

Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Thủy lợi) nhận định: Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ vi phạm, kết quả xử lý còn rất hạn chế, tồn đọng nhiều vụ vi phạm chưa xử lý được, phát sinh nhiều vụ vi phạm mới...

Trong đó, theo điều tra của NNVN và các cơ quan chức năng, trên địa bàn TP Hà Nội tồn tại rất nhiều điểm nóng vi phạm chưa thể giải quyết dứt điểm. Cụ thể, tại khu vực bãi đá sông Hồng, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ). Tại đây, các tổ chức, cá nhân đã đổ phế thải, san ủi lấp lạch sông, lấn chiếm lòng sông, bãi sông với quy mô đặc biệt lớn, xây dựng công trình trái phép, làm đường bê tông…

Tại xã Dương Hà (huyện Gia Lâm) Cty TNHH Việt Anh thuê thầu với UBND xã Dương Hà 65.000m2 sát bờ sông Đuống vi phạm về đổ đất trạt, phế thải với khối lượng đặc biệt lớn, san lấp lấn chiếm bờ bãi sông, lắp đặt 4 trạm trộn bê tông…

Tại phường Giang Biên (quận Long Biên) hiện đang là điểm nóng về tình trạng mở bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép… Vi phạm trên địa bàn huyện Đan Phượng, đổ đất thải, phế thải khối lượng lớn ra khu vực kè Liên Trì, dựng lò gạch ở bãi giữa sông Hồng. HTX kinh doanh nông sản Phượng Cách tại xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai) đổ đất làm đường chặn ngang lòng sông Đáy, cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ. Tại hầu hết các quận, huyện ở Hà Nội, thực trạng vi phạm đê điều diễn ra nhan nhản, có những vụ vi phạm tồn tại nhiều năm nhưng không thể xử lý dứt điểm.

Thực trạng khai thác cát trái phép và vi phạm Luật đê điều ở Hà Nội vẫn là vấn đề nan giải

Chính những vi phạm nghiêm trọng này đã khiến dòng chảy diễn biến phức tạp, các tuyến đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy thường xuyên sạt lở, hư hỏng, gây mất an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Các công trình thủy lợi, các hồ chứa nước xuống cấp, hư hỏng, bị chia cắt manh mún, chắp vá do đó gây úng, ngập cục bộ tại Hà Nội mỗi khi mưa to.

Trước thực trạng vi phạm nhan nhản khắp nơi, đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại một số điểm nóng vi phạm và các công trình trọng điểm của Hà Nội trong PCLB. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại vùng hạ lưu cầu Thăng Long thuộc huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cả một công trường tập kết, khai thác cát lấn chiếm trái phép nhiều hecta lòng sông Hồng hoạt động nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng Hà Nội không ngăn cản. Các tàu thuyền hút cát trái phép vẫn ngang nghiên hoạt động trên sông, các nhà kiên cố vẫn được xây dựng.

Kiên quyết xử lý nghiêm

Chứng kiến thực trạng vi phạm nhan nhản, công khai, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Hà Nội phải lập đoàn công tác chuyên ngành có sự vào cuộc của các lực lượng Công an, Quân đội, rà soát lại toàn bộ hệ thống đê điều, xử lý khẩn cấp các vi phạm pháp lệnh và luật đê điều để đảm bảo không xảy ra sự cố nguy hiểm đối với hệ thống đê điều Hà Nội.

Trước đó, trao đổi với NNVN, lý giải các nguyên nhân về thực trạng vi phạm quá phổ biến, ngang nhiên trên địa bàn, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho rằng: Về nguyên nhân khách quan là do số km đê Hà Nội quá lớn, áp lực xây dựng, áp lực dân số ngày càng khủng khiếp…

Ảnh: Hoàng Anh

Còn nguyên nhân chủ quan là do thực tế vẫn còn một bộ phận lớn người dân, cán bộ các cấp ủy, chính quyền mang tâm lý chủ quan, cho rằng sau khi xây dựng các công trình hồ chứa thì vấn đề phòng chống lũ lụt sẽ không còn nghiêm trọng. Thậm chí là cả tiêu cực trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.

Mặc dù đánh giá tích cực một số nỗ lực của TP Hà Nội, tuy nhiên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, ông Trần Quang Hoài cho rằng, Hà Nội vẫn chưa hết vấn đề bất cập, đặc biệt là vấn đề vi phạm Luật đê điều. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Nội, tổng số vi phạm trên địa bàn TP tính đến hết tháng 6/2016 còn tới 2.222 vụ, tuy nhiên, số vụ được giải tỏa, xử lý chỉ được 586 vụ.

"Đặc biệt, kết quả kiểm tra của đoàn công tác cho thấy, tình trạng khai thác cát trái phép, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, xe quá tải lưu thông trên đê gây ảnh hưởng tới an toàn đê điều và thoát lũ lòng sông còn diễn ra rất phổ biến, phức tạp. Đối với những vi phạm này, cần có những biện pháp xử lý thẳng tay", ông Hoài nhấn mạnh.

Rất lo lắng và bức xúc với tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và PCTT, tình trạng khai thác các bãi sông, lòng sông trái pháp luật diễn ra rất phức tạp tại Hà Nội, Thứ trưởng Bùi Văn Thành đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhất là sự vào cuộc của các lực lượng Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát… trong công tác phối kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đặc biệt, cần có phương án khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ vi phạm về đê điều. Rà soát quy hoạch, đẩy nhanh các dự án chống úng cho khu vực nội đô.

“Về lâu dài, TP cần nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển vùng ven sông, bãi bồi, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành kết luận.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bo-cong-an-vao-cuoc-bao-ve-de-dieu-post169810.html