Bỏ biên chế: Giáo dục đã xung phong, các ngành khác thì sao?

Nói đến biên chế, nhiều người hay nhắc đến câu "cửa miệng": “Vào nhà nước, vào biên chế cho nhàn”. Vậy là vào biên chế để nhàn, đâu phải để làm?

Nhiều giáo viên vẫn còn suy tư trước dự thảo xóa bỏ biên chế giáo dục. Ảnh minh họa.

Khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ hào hứng nói về thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên cũng như tôi: Vừa mừng vừa lo.

Mừng vì ngành giáo dục đã tiên phong trong việc bỏ đi “tấm khiên” biên chế để có cách thức sàng lọc nhân lực rõ ràng hơn, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng giáo viên để thực hiện nhiệm vụ trồng người ngày một tốt hơn.

Bao lâu nay, câu nói “vào nhà nước, vào biên chế cho nhàn” đã trở nên phổ biến trong xã hội. Vậy là họ vào Nhà nước để nhàn, đâu phải để làm, nhiều người đã nói như thế. Với cái ô biên chế, người dở cũng như người hay; người giỏi cũng như người kém, được đối xử ngang nhau và các cấp quản lý rất khó khăn để loại họ ra khỏi bộ máy, nếu người đó thể hiện năng lực kém, nhưng chưa đến mức bị kỷ luật.

"Ô biên chế" che chở một người đến hết tuổi lao động, kể cả khi họ không làm gì.

Theo Bộ trưởng, nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu bằng nâng cao chất lượng giáo viên. Biên chế sẽ không tạo động lực cho những giáo viên tâm huyết. Giờ đây, ngành giáo dục quyết tâm giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển dụng giáo viên, bỏ biên chế thay bằng hợp đồng lao động.

Thông điệp mà Bộ trưởng muốn gửi đến đội ngũ giáo viên là: Hãy thực sự coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất. Đã có năng lực, không lo không có việc làm. Việc giáo viên “có vào, có ra” sẽ vừa nâng cao chất lượng giáo dục, vừa nâng cao thu nhập cho giáo viên.

Nhiều người đang mơ đến viễn cảnh các trường học săn lùng giáo viên giỏi, những người có thể mang lại thương hiệu chất lượng cho trường mình, từ đó sẽ thu hút thêm được học sinh theo học. Các giáo viên giỏi có quyền đưa ra yêu cầu phù hợp chuyên môn của mình để có môi trường làm việc tốt hơn.

Giáo viên ý thức nhiều hơn về thương hiệu bản thân. Trường học ý thức nhiều hơn về nguồn nhân lực mình đang nắm giữ.

Nhưng tôi lo, bởi như vậy trường học cũng phải cạnh tranh như doanh nghiệp. Ở “doanh nghiệp trường học” đó, Hiệu trưởng là người có quyền lực tối cao. Nhận ai, đào thải ai, phần lớn do Hiệu trưởng quyết định. Khi mà giáo viên được tuyển dụng theo hợp đồng, còn Hiệu trưởng ngồi đó theo bổ nhiệm, liệu có gì mâu thuẫn không?

Tôi lo, vì phải thực sự làm thương hiệu, các trường học sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp khác hẳn so với đặc thù môi trường sư phạm xưa nay. Khi mà trường công và trường tư dường như đang ở 2 thái cực khác nhau trong việc được tạo điều kiện hoạt động va những cơ chế hỗ trợ, liệu họ sẽ cạnh tranh và tồn tại thế nào để đạt mục tiêu cuối cùng là có chất lượng giáo dục tốt hơn?

Giao quyền tự chủ tối đa cho trường học cũng có nghĩa là đưa các thầy cô giáo, vốn vẫn quen với bảng đen phấn trắng, nay bươn chải thương trường.

Những người lạc quan hơn thì nói rằng: Khỏi lo. Lâu nay trường tư vẫn hoạt động theo cơ chế hợp đồng, tuyển dụng không biên chế đó. Có sao đâu. Họ vẫn sống tốt mà.

Đúng vậy. Ở trường tư, cả Hiệu trưởng cũng được tuyển dụng theo hợp đồng. Giáo viên được sống bằng dòng lương do năng lực mình làm nên và học sinh cùng gia đình sẵn sàng bỏ tiền để có điều kiện học tập tốt.

Có lẽ, sự lo lắng đến từ tâm lý được ổn định và bao bọc bởi biên chế lâu nay chăng? Đã vào biên chế là yên tâm nhiều bề. Nhiều người đi làm không phải vì tiền mà vì muốn có mọt chỗ yên ổn. Trong số hơn 11 triệu công chức ở Việt Nam hiện nay, có bao nhiêu người thuộc diện “yên ổn” như thế?

Nếu ngành giáo dục đi tiên phong, và thành công trong việc dần xóa bỏ biên chế, sẽ là một cú hích tích cực cho thị trường lao động, tuyển dụng.

Theo một nghiên cứu mới được công bố, tại Mỹ, cứ 60 người đi làm mới có 1 công chức “biên chế Nhà nước”. Còn tại Việt Nam, cứ 8 người đi làm, lại có 1 người “trong biên chế”.

Ngân sách Nhà nước hàng năm bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để chi trả cho người “làm công ăn lương” trong biên chế mà không có cơ chế đòi hỏi họ phải nỗ lực hết mình, hay phải trau dồi kiến thức để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Những yếu kém tồn tại phổ biến trong nhiều cơ quan Nhà nước phần nào cũng có nguyên nhân từ những người trong biên chế mà không phải làm gì nhiều này.

Ngành giáo dục đã xung phong. Các ngành khác thì sao nhỉ?

Gia Trung

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/bo-bien-che-giao-duc-da-xung-phong-cac-nganh-khac-thi-sao-c8a532126.html