Bộ ảnh quý về chiến tranh Việt Nam do phóng viên nước ngoài sưu tập

Theo tờ All Day, rất nhiều nhà báo và nhiếp ảnh gia Mỹ đã ghi lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng hầu hết chỉ từ phía Mỹ. Những năm 1990, phóng viên ảnh Tim Page và Doug Niven đã tìm cách thu thập những bức ảnh nhìn từ bên chiến thắng – Việt Nam.

Các tân binh trong buổi khám sức khỏe tại Hải Phòng để chuẩn bị nhập ngũ. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970. Từ một đội quân gồm 35.000 người vào năm 1950, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có hơn 500.000 người vào giữa thập niên 1970. Ảnh: Bao Hanh.

Một nữ du kích đang đứng gác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tác giả Lê Minh Trường của bức ảnh cho hay: "Bạn có thể thấy những phụ nữ như cô ấy ở khắp mọi nơi trong thời chiến. Cô mới 24 tuổi nhưng đã 2 lần trở thành góa phụ. Cả hai người chồng của cô đều là lính. Tôi thấy cô là hiện thân của một người nữ du kích lý tưởng, người đã hy sinh rất nhiều cho đất nước”.

Các nhà hoạt động tới họp mặt ở rừng Năm Căn, Cà Mau. Họ đeo mặt nạ để bảo vệ danh tính, tránh bị lộ trong trường hợp có người bị bắt và thẩm vấn. Ảnh: Vo Anh Khanh.

Một du kích ở đồng bằng sông Cửu Long đang chèo thuyền qua một khu rừng ngập mặn bị phá hủy bởi chất độc da cam. Ảnh: Lê Minh Trường.

Những người phụ nữ kéo lưới đánh cá nặng trĩu trên sông Cửu Long. Đây là một công việc nặng nhọc, thường do nam giới làm. Ảnh: Lê Minh Trường. /**/

Dân quân đang thu dọn đống đổ nát của một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi ở ngoại ô Hà Nội, tháng 9/1972. Đây có thể là máy bay A-7C Corsair II do Trung úy Stephen Owen Musselman điều khiển, bị trúng tên lửa ở phía nam Hà Nội khi đang hỗ trợ cho máy bay ném bom B-52 vào ngày 10/9/1972. Ảnh: Doan Cong Tinh.

Các chiến sĩ Giải phóng đang đối mặt với kẻ thù, dường như là ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc ở Đồng Tháp Mười. Ảnh: Hoang Mai.

Các chiến sĩ du kích đang canh gác một tiền đồn ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Tiền đồn này được được bảo vệ bằng chông tre tẩm độc. Tuy nhiên, những cái bẫy này chỉ nhằm làm thương, làm chậm sự di chuyển và phát hiện ra vị trí chứ không nhằm giết kẻ thù. Ảnh: Lê Minh Trường.

Dân quân tập bắn máy bay mô hình ở Thanh Trì. Ảnh: Minh Dao.

Du kích Lào dùng voi và gùi để chở đồ hỗ trợ cho quân đội Giải phóng gần đường 9 Nam Lào khi Mỹ ngụy đang thực hiện Chiến dịch Lam Sơn 719 nhằm chiếm đường 9 Nam Lào. Đây là chiến lược nhằm thử nghiệm khả năng của Mỹ ngụy khi sự hỗ trợ từ Mỹ bị giảm. Trong chiến dịch này Mỹ ngụy bị thua nặng, bỏ chạy tán loạn. Ảnh: Doan Cong Tinh.

Công nhân xây dựng thảo luận về việc sửa chữa cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa sau khi bị Mỹ ném bom. Đây là cây cầu duy nhất bắc qua sông Mã dành cho xe tải hạng nặng và xe quân sự.

Một binh sĩ bị thương do bom của Mỹ đang được đưa đến một phòng phẫu thuật nằm ngay trên một đầm lầy ngập mặn ở bán đảo Cà Mau. Tác giả bức ảnh cho hay, đây là hình ảnh rất hay gặp, không hề hiếm hoi trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: Vo Anh Khánh.

Các chiến sĩ Giải phóng băng qua Đường mòn Hồ Chí Minh ở dãy núi Trường Sơn. Ảnh: Lê Minh Trường.

Giày của quân Ngụy rải đầy trên một con đường ở ngoại ô Sài Gòn. Họ đã phải vứt bỏ quân phục để che giấu thân phận.

Hai cụ bà, một người miền Bắc và một người miền Nam ôm hôn nhau trong hạnh phục vì đã sống được đến ngày Việt Nam thống nhất và đánh bại các đội quân xâm lược.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang All Day của Mỹ.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-anh-quy-ve-chien-tranh-viet-nam-do-phong-vien-nuoc-ngoai-suu-tap-post204376.info