Bình Thuận: Loại bỏ tư tưởng cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, phòng thủ

Chấn chỉnh, loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng sẽ làm 'nhụt chí', 'chùn bước' và tư tưởng làm việc 'cầm chừng, phòng thủ' trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận. Ảnh ĐH.

Theo đó, qua 10 năm triển khai thực hiện các Chỉ thị của Tỉnh ủy về nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được sự quan tâm lãnh đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh.

Việc chấn chỉnh đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được nâng lên…

Quản lý đất đai còn nhiều thiếu sót

Tuy nhiên vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế. Đáng lưu ý là một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát, thanh tra, chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền để chậm việc, sót việc.

Còn chủ quan, chưa tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật do liên đới trách nhiệm, có trường hợp bị xử lý hình sự.

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai còn nhiều thiếu sót, bất cập, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, thiếu quyết liệt. Tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng còn kéo dài; môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa có bước đột phá.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của tỉnh thuộc nhóm các địa phương thấp nhất cả nước trong nhiều năm qua, song vẫn chưa được cải thiện.

Chấn chỉnh tư tưởng làm việc cầm chừng, phòng thủ

Để khắc phục, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong thời gian tới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác.

Ông Dương Văn An (đứng) Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh vào tháng 8-2023. Ảnh BNCTW.

Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, phát sinh tư tưởng làm việc “cầm chừng, phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, gây cản ngại đến sự phát triển của tỉnh.

Tổ chức triển khai các quy định về phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là đất đai, tài nguyên, khoáng sản, rừng, quản lý tài chính, tài sản công,... tránh gây thất thoát, lãng phí.

Kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Định kỳ hàng năm, tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra.

Nội dung cần tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư công, công tác cán bộ, việc thực hiện chế độ tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập,…

Đặc biệt là các trường hợp bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, gây cản trở việc xử lý tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng có liên quan.

Có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử để xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và theo nguyên tắc “Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó.

Một vụ án tiêu cực do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo vừa đưa ra xét xử sơ thẩm. Ảnh PN.

Có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra, kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý kỷ luật nghiêm.

Chỉ đạo thực hiện có kết quả việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân trong tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tập trung vận động nhân dân tích cực cung cấp thông tin tham nhũng, tiêu cực qua Hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh (banchidaopctntc@binhthuan.gov.vn).

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “liêm chính, đủ năng lực, dám nghĩ, biết làm, có bản lĩnh, không sợ trù dập, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực” nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình hiện nay…

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/binh-thuan-loai-bo-tu-tuong-can-bo-cong-chuc-lam-viec-cam-chung-phong-thu-post749750.html