Bình luận: Sóng trước, sóng sau

Bóng đá Việt Nam còn lại gì sau các loạt trận thất bại liên tiếp quá nặng nề dưới thời huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier, nếu không phải là đội ngũ tuyển thủ nhiều lớp cũ, mới đều đang sung sức. Còn đó, cả sóng trước, sóng sau.

Điều gì ẩn sau gương mặt thất thần buồn rũ của Hùng Dũng, Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Thanh...? Điều gì sau sự lăn xả của Văn Toàn, Việt Anh, sự gắng gượng bung sức đến cùng của Tuấn Tài, Đình Bắc...? Họ nuối tiếc, ân hận vì lực bất tòng tâm. Họ tức giận vì cách đối xử lạnh tanh, phũ phàng của HLV và cả bao quát tất cả là tình yêu đội tuyển, là khát vọng được vào trận, được chơi hết mình...

Thua đậm, thua đau nhưng đội tuyển vẫn tụ lại trên sân hướng về các khán đài đập tay hòa nhịp cảm ơn người hâm mộ. Bại nhưng không nản, ý chí tranh đấu để trở lại của họ phải và hoàn toàn có thể nhen lên từ thất bại.

Không phải vì yêu, tin một thế hệ cầu thủ vừa cùng viết nên những chương đẹp chưa từng có cho bóng đá Việt Nam mà dư luận chung đã sớm phê phán cách dùng quân của vị chiến lược gia người Pháp. Thực tế, ông bỏ quên nhiều cựu binh hiện đang là trụ cột của các câu lạc bộ mạnh, tin dùng nhiều số mới và trẻ. Cũng không phải trận nào các câu lạc bộ cũng hoàn toàn dựa vào ngoại binh.

Ảnh minh họa / Vietnam+

Thậm chí khi ngoại binh chất lượng thấp hoặc chưa bắt nhịp hòa nhập thì nội binh lên tiếng. Các chiến thắng của Hà Nội FC và Hải Phòng FC có được tại Cúp châu Á là những ví dụ. Vậy thì HLV Troussier đã có những điểm yếu và sai lầm nào làm hạn chế, hay nói mạnh hơn là phá hỏng một đội tuyển tuy không thể so đọ tài năng với các đội bóng hàng đầu châu lục song vẫn đang là thế lực nhất, nhì khu vực?

Thứ nhất, ông Troussier không những không truyền được niềm tin vào tập thể đội bóng mà qua cách đối xử thiếu tôn trọng của ông với nhiều cầu thủ nòng cốt đã gieo vào đội nhiều mầm bệnh về sự hoài nghi. Không cho thấy ông gửi gắm niềm tin họ không thoải mái thể hiện đúng mình. Số trẻ nhìn vào đó cũng hoang mang. Thứ hai, lối chơi mang tên “kiểm soát bóng tấn công” ông rao giảng và cố gò ép thực tế đã không được vận hành hanh thông mà trở nên mơ hồ, rối rắm. Kết quả là công bí bách mà thủ luôn sơ hở, mong manh, cầu thủ dễ mắc sai số... Kết quả là một đội tuyển “rất khó bị đánh bại” đối với các đối thủ ngang tầm trong nhiều năm qua thì nay dù đã được bổ sung nhiều nhân tố trẻ, mới lại trở nên yếu ớt, nhạt nhòa khí sắc.

“Không phù hợp” là từ dùng của các nhà chuyên môn đánh giá về ông Troussier sau tất cả. Từ này cũng hàm ý chất lượng tuyển thủ Việt Nam hiện tại không thấp so với mặt bằng khu vực. Chính HLV của đội tuyển Indonesia Shin Tae-yong cũng cho rằng “đội Việt Nam mạnh, chỉ là họ chưa có được sự gắn kết”. Với con mắt khách quan, cầu thị chúng ta không thể không thấy rõ những điểm yếu của đội nhà. Đó là thể lực không bảo đảm thi đấu với cường độ cao trong suốt 90 phút. Đó là những hạn chế trong tranh chấp tay đôi, trong chống bóng bổng, trong xử lý bóng, di chuyển không bóng và đặc biệt là kỹ năng dứt điểm. Tất cả đều là những điểm yếu cố hữu mà lối chơi và chiến thuật hợp lý cùng cách làm tâm lý khơi gợi sự tự tin, đồng lòng của ông Park Hang-seo đã giúp các lứa tuyển thủ vượt lên chính mình.

Xét cho cùng chẳng có đội tuyển nào không có ít nhiều điểm yếu và công việc của HLV là khắc phục, khỏa lấp những điểm yếu đó bằng cách phát huy những điểm mạnh, tạo dựng lối chơi đồng đội với chiến thuật hợp lý. “Người được chọn” trước mắt cho đội U.23 Việt Nam là ông Hoàng Anh Tuấn quen thuộc, có uy tín đã dễ được chấp thuận. Tiếp theo là ai? Không vội, thận trọng là đúng để chọn được người biết tin dùng những tài năng đang có.

THƯỜNG NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/binh-luan-song-truoc-song-sau-770589