Bình Dương: Thủ đoạn tinh vi của kẻ lập nhiều công ty 'ma' để mua bán hóa đơn

Thủy đã sử dụng nhiều căn cước mua từ mạng xã hội, sau đó lập khống nhiều công ty để mua bán hóa đơn 'ma'.

Ngày 13/5, thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Dương Thanh Thủy (SN 1985, trú thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.

Theo thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra, với mục đích mua bán các loạt hóa đơn, chứng từ trái phép để thu lợi bất chính. Thủy đã lên mạng xã hội mua nhiều căn cước công dân, sau đó từ những số căn cước mở 18 công ty “ma”.

Từ khi có những công ty này, Thủy bắt đầu làm ăn, liên kết và mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống (không kèm theo hàng hóa) cho các công ty khác, với giá chỉ 3 - 5% giá trị ghi trên hóa đơn. Mục đích của việc mua bán này là để các công ty gian lận thuế.

Đối tượng Thủy đang bị Cơ quan An ninh điều tra hành vi mua bán trái phép hóa đơn. (Ảnh: CACC).

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Thủy đã bán hàng trăm hóa đơn cho nhiều công ty tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Hiện, Công an tỉnh Bình Dương đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, đề nghị các cá nhân, tổ chức có liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn khống của Thủy đến cung cấp thông tin để làm rõ vụ việc.

Mua bán hóa đơn trái phép sẽ bị xử lý như thế nào?

Đối với cá nhân, Căn cứ khoản 1, Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm k, khoản 2, Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước như sau:

Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu cá nhân có hành vi mua bán trái phép hóa đơn thì có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm tùy vào tính chất, mức độ và hành vi phạm tội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại

Theo quy định tại khoản 2; khoản 4, Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm k, khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Phùng Sỹ Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-duong-thu-doan-tinh-vi-lap-nhieu-cong-ty-ma-de-mua-ban-hoa-don-a663274.html