Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi: Những cây xương rồng vươn mình trên đá

198 người khuyết tật, 72 trẻ mồ côi, 98 người bảo trợ dự Hội nghị Biểu dương lần thứ đã truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng, xã hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 6. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 6 - năm 2024 do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức đã khai mạc sáng 11/4, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 368 đại biểu.

Những đại biểu tham dự là những điển hình tiên tiến từ khắp mọi miền đất nước cùng hội tụ, trong đó có 198 người khuyết tật, 72 trẻ mồ côi, 98 người bảo trợ.

Họ là những bông hoa tươi thắm nhất trong rừng hoa thi đua yêu nước, góp phần phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp, đồng thời truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng, xã hội.

Nỗ lực theo đuổi ước mơ

Những tấm gương người khuyết tật về dự Hội nghị, đại diện cho hàng triệu người khuyết tật ở khắp mọi miền đất nước đã cho thấy sự hiện diện, đóng góp của họ trên mọi lĩnh vực: lao động sản xuất, kinh tế, giáo dục, văn hóa thể thao, xã hội, chính trị...

Giống như cây xương rồng vươn mình trên sỏi đá cằn cỗi, họ không để cho hoàn cảnh khuyết tật khuất phục, ngược lại, bằng ý chí kiên cường cùng với bàn tay, khối óc, từng bước tạo dựng cuộc sống ổn định cho bản thân, gia đình, không chỉ giảm gánh nặng phụ thuộc, còn đóng góp cho sự phát triển quê hương, đất nước.

Trong số đó, có thể kể đến cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm, 34 tuổi, ở trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, số lần nối xương còn nhiều hơn số tuổi, nhưng Ngọc Tâm đã vượt lên số phận.

Chị là người sáng lập lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh, không gian đọc Ngọc Tâm Thủy Tinh (dành cho học sinh lớp học và cộng đồng những người yêu sách), quỹ học bổng Ngọc Tâm Thủy Tinh.

Ngoài ra, chị cũng tích cực tham gia các hội người khuyết tật, viết nhiều dự án hỗ trợ (tập huấn về kỹ năng giao tiếp, tập huấn về lãnh đạo, cũng như các dự án về sinh kế để hỗ trợ cho cộng đồng người khuyết tật), với mong muốn nâng cao năng lực, tiếp thêm tự tin cho họ.

Do mắc bệnh bẩm sinh, không được đi mẫu giáo, đến 8 tuổi mới bước vào lớp 1 nên mơ ước của Ngọc Tâm là được trở thành cô giáo. Vì thế, lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh được ra đời ngay khi chị vừa lên lớp 9.

Chị chia sẻ: Đây là lớp học "5 không:" không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án, không học phí; đồng thời cũng là lớp học đa độ tuổi, đa địa phương.

Học sinh của lớp đều gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, được cô Tâm bằng kiến thức, kinh nghiệm tự trau dồi, luôn sẵn sàng hỗ trợ các em.

Đến với hội nghị, Ngọc Tâm rất xúc động và tự hào, vì được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm.

Gửi lời nhắn nhủ đến những người cùng cảnh ngộ, chị chia sẻ: "Mọi khó khăn trải qua đều là thử thách, qua đó giúp mình trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Vui cũng phải sống, buồn cũng phải sống, vì vậy cần lạc quan để sống. Mỗi người được sinh ra đã là điều diệu kỳ, hãy cố gắng sống để tạo nên điều kỳ diệu. Đừng tự ti về ngoại hình, chúng ta luôn đẹp theo cách riêng, đều hoàn hảo và có thể trở thành công dân có ích."

Sinh ra là đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh, đến khi 2 tuổi, Nguyễn Phan Thảo Nguyên (thôn Phước An 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) không may bị liệt, cuộc sống, sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình, người thân.

Nhờ sự quan tâm của gia đình, nguồn động viên của thầy cô, cùng sự giúp đỡ của bạn bè, Thảo Nguyên luôn có tinh thần lạc quan, chịu khó, ham muốn học tập.

Với kết quả học tập đoạt loại giỏi, Nguyên được tuyển thẳng vào Đại học Tôn Đức Thắng, chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Mong ước của em là được làm cô giáo để hỗ trợ những bạn có hoàn cảnh như mình.

Dù có khó khăn vì bệnh tật nhưng em may mắn có bố mẹ, gia đình luôn đồng hành, giúp đỡ. Em mong sẽ có thêm nhiều bạn bị khuyết tật như mình có thể vươn lên, học tập để trở thành người có ích, không phải gánh nặng cho gia đình và xã hội - Thảo Nguyên hy vọng.

Làm việc thiện là vui sướng nhất

Đa số đại biểu mồ côi dự Hội nghị lần thứ 6 là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Rơi vào cảnh ngộ “không cha, không mẹ như đàn đứt dây" ở độ tuổi chưa thể tự lo cho bản thân, các em không thể tránh được những phút giây tuyệt vọng, nản lòng, nhưng may mắn bên cạnh các em luôn có gia đình, Nhà nước và xã hội sẵn sàng giang tay giúp đỡ.

Nhờ đó, các em không đã buông xuôi, bằng nghị lực vươn lên, cùng sự chở che của ông bà, người thân, sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, xã hội để có thể vững bước trên đường đời, thực hiện ước mơ trong tương lai.

Em Huỳnh Nhật Lễ, ở khu phố 4, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang, Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận là minh chứng cho việc này.

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình thiếu đi người bố, từ nhỏ em được mẹ và bà ngoại nuôi nấng, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Năm 2014, mẹ em mất vì bệnh ung thư, Nhật Lễ phải sống nương tựa vào bà ngoại Phạm Thị Vời.

Chi phí học tập của em chủ yếu nhờ sự giúp đỡ của cán bộ lao động-thương binh và xã hội ở Phường Bảo An, sự động viên, hỗ trợ học tập từ tập thể giáo viên của Trường Trung học Phổ thông Tháp Chàm.

Năm 2016, Lễ đỗ vào Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh theo di nguyện của mẹ em khi còn sống; năm 2022, sau khi ra trường em được nhận vào làm việc tại Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Thấu hiểu nổi mất mát to lớn khi người thân của mình mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vô phương cứu chữa, em đã nỗ lực và thực hiện được ước mơ trở thành một dược sỹ lâm sàng công tác tại bệnh viện. Đây là một công việc rất có ý nghĩa, bởi em có thể tiếp cận, giúp đỡ được nhiều người bệnh trong việc điều trị, đặc biệt là các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể được hưởng chế độ chăm sóc y tế tốt nhất.

Lễ nhận thấy mình rất may mắn, bởi xung quanh em luôn có những người luôn yêu thương, sẻ chia giúp đỡ.

"Hết đêm rồi sẽ đến ngày, không có khó khăn gì kéo dài mãi mãi. Chỉ cần tin tưởng vào tương lai tươi sáng sẽ có thể vượt qua khó khăn. Quan điểm này đã giúp em có sự lạc quan. Đến dự hội nghị, cũng như khi đi thiện nguyện ở nhiều nơi, em thấy còn rất nhiều các bạn nhỏ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, hằng tháng em lại trích một phần thu nhập để hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình," Ngọc Lễ cười nói.

Người xưa có câu "hành thiện tối nhạc" nghĩa là "làm việc thiện là vui sướng nhất," vì thế giúp người khổ bớt khổ, người khó bớt khó - thực ra chính là cách chúng ta có thể tự mang lại niềm vui cho bản thân mình.

Ở tuổi 84, bà Nguyễn Ngọc Điểu, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Vĩnh Long, vẫn hằng ngày, hằng giờ dành thời gian chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ em bại não.

Bà Ngọc Điểu kể lại, ngay từ khi 16 tuổi, bà đã có mơ ước trở thành bà mụ để chăm sóc bà mẹ, trẻ em.

Thực hiện được nguyện vọng đó, bà đã bắt gặp những chứng bệnh cũng như hoàn cảnh éo le của phụ nữ, trẻ em, trong đó bại não là căn bệnh khắc nghiệt nhất.

Nỗi trăn trở ấy cứ xoáy sâu, vì vậy năm 1988, khi đang làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, bà đã nghiên cứu về chứng bệnh này và đến tuổi nghỉ hưu, bà sử dụng căn nhà 108m2 của mình làm phòng tập phục hồi chức năng miễn phí cho trẻ bại não.

Ngoài ra, bà còn vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ về các phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe lắc, xe bại não, nguồn vốn trợ giúp sinh kế gồm tiền và bò giống, xe đạp… cho bệnh nhân và gia đình.

Sau hơn 15 năm hoạt động, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm, cơ sở đã điều trị được 5.324 bệnh nhân với kết quả hết bệnh, hòa nhập cộng đồng được 2.395 bệnh nhân, những bệnh nhân còn lại đều được phục hồi từng di chứng.

Giá trị vận động nguồn trợ giúp cho hoạt động phục hồi chức năng và trợ giúp những trẻ bệnh có hoàn cảnh khó khăn là 12,9 tỷ đồng, trong đó chưa tính phần công của kỹ thuật viên và cơ sở vật chất.

Mấy chục năm gắn bó, nghiên cứu về bại não đã giúp bà có kinh nghiệm phát hiện sớm căn bệnh này, giúp đỡ cho các cháu vơi bớt nỗi khó khăn.

Với việc phát hiện sớm trẻ bị bại não dưới 1 tuổi, nhiều cháu đã được chữa trị kịp thời, mang lại hiệu quả cao.

Có những cháu được cơ sở chữa trị từ năm 1 tuổi, đến giờ đã thi đỗ đại học, đây là niềm vui, động lực giúp bà Điểu tiếp tục cố gắng trong công việc.

"Nhiều người khuyên tôi cao tuổi rồi nên nghỉ thôi, nhưng nhìn các cháu bệnh nặng, cha mẹ khó khăn, mình lại cầm lòng không đậu. Đó là cái tâm của người bác sỹ," bà Điểu chia sẻ.

Lần thứ ba tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật và trẻ mồ côi toàn quốc, bà Điểu thấy vui, bởi giờ đây xã hội đã quan tâm nhiều hơn đến người khuyết tật, trẻ mồ côi, không chỉ trong nước, mà còn ở nước ngoài, cũng như các tầng lớp xã hội. Bà mong có thêm thật nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục hành trình hỗ trợ trẻ em bại não phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bieu-duong-nguoi-khuyet-tat-tre-mo-coi-nhung-cay-xuong-rong-vuon-minh-tren-da-post939658.vnp