Biếu anh một đóa hồng ngoại

Cái duyên của hai người nghệ sĩ hai thế hệ được tạo nên bởi một niềm yêu chung, đó là những loài hoa.

Xin đừng quên nhau: Lời hoa muốn nói là tập tạp bút của nhà báo/nhà văn Phan Quang về chủ đề hoa. Với vốn sống sâu rộng, kiến văn độc đáo, cuốn sách không chỉ đem tới cho người đọc những chia sẻ thú vị về hoa mà còn là về nhân sinh, cuộc sống.

Nhân dịp Tết đến, xuân về, Zing.vn trích đăng một số bài viết trong cuốn sách vừa được NXB Kim Đồng ấn hành.

Giáp Tết tôi cực kỳ ngạc nhiên nhận thiệp mừng năm mới trang trọng của nhà văn Nguyễn Tuân - việc chưa từng. Trên tấm thiệp hồng (của Hội Nhà văn Việt Nam) Chúc mừng năm mới, là mấy dòng chữ xanh nghiêm chỉnh, khác hẳn nét bút ngày thường của cụ:

"Chúc anh Phan Quang năm nay đi nhiều viết nhiều

Người cũng như văn

Luôn luôn khỏe và vui.

Kèm theo là tấm cạc nhỏ có ghi địa chỉ nhà riêng “Nguyễn Tuân prosateur (nhà văn)":

Xin cảm ơn số Tết Đoàn Kết có hoa myosotis (tên tiếng Pháp của hoa lưu ly) của anh. Và mong có dịp nào anh tạt nhà (gác hai) để tôi cám ơn lần nữa. /Nguyễn Tuân."

Nhà báo Phan Quang, tác giả cuốn sách Xin đừng quên nhau.

Số Tết ông nói là Giai phẩm Xuân do báo Đoàn kết của Hội người Việt Nam tại Pháp thực hiện. Giai phẩm in cực đẹp, trong có đăng lại một số thơ văn của các nhà văn, trong nước: Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Huy Cận, Trần Bạch Đằng, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh…

Tôi có một bài về hoa Đà Lạt. Anh Nguyễn Ngọc Giao, Chủ bút báo từ Paris về Sài Gòn ăn Tết, mang theo hai bản. Một bản, anh biếu nhà báo Trần Bạch Đằng. Bản còn lại, gửi người bạn Hà Nội mang ra cho tôi, kèm theo lời nhắn: “Tôi chỉ có hai bản. Các tác giả khác sẽ gửi sau qua đường Bưu điện. Ai có hỏi, anh thông cảm giùm”.

"Myosotis" là chữ ông dùng. Ông hỏi tôi, anh có biết tiếng Tây gọi hoa “Xin đừng quên nhau” của anh là gì không? Tôi thưa có. Và tiện thể kể lại, hồi còn bé bắt đầu học tiếng Pháp, có đọc trong cuốn sách Đọc thêm kèm theo giáo trình chính một bài thơ về hoa myosostis có đầu đề Ne m’oubliez-pas viết theo thể sonnet cổ điển.

Bài thơ kể chuyện một em bé dạo chơi một mình bên bờ suối, thấy nhiều hoa đẹp, cúi khom người với hoa. Hái được nhành hoa mong manh thì trượt chân sa xuống suổi, bị nước cuốn trôi. Không nỡ để hoa chết vì mình, em cố lấy hết sức, ném nhành hoa lên bờ: "Ne m’oubliez-pas!" Tôi còn bé quá, câu chuyện cổ tích nằm lòng từ bấy đến nay, còn tác giả bài thơ là ai không sao nhớ nổi.

Nhà văn gật gù:

- Từ cổ tích đến văn chương là thế.

Giai phẩm Xuân là “của lạ”, tôi trình bậc đàn anh, theo lời ông dặn tại một thư trước, “có gì hay cho tôi đọc mấy”. Nguyễn Tuân thích, muốn giữ chơi, vì vậy viết mấy chữ cảm ơn người… cho mượn sách.

Những bông hồng Bulgari từ lâu đã trở thành một "đặc sản" của đất nước này.

Một sáng chủ nhật, tình cờ tôi gặp tác giả Vang bóng một thời thơ thẩn dọc phố Tràng Tiền. Tháng Chín, Hà Nội còn oi lắm, ông đã khoác tấm raglan hàng hiệu Paris màu lông chuột sáng, tay cầm cái can sang trọng chắc cũng của Tây, lững thững một mình.

- Anh Phan Quang đọc bài tôi viết về hoa hồng Bun chưa nhỉ? Báo Văn nghệ vừa đăng.

Tôi thú thật chưa. Ông kéo tôi tạt vào quầy báo, mua một tờ báo mới ra. Số ra ngày thứ bảy 5/9/1981, tức mới phát hành hôm qua. Trang đầu, chễm chệ bài cụ Nguyễn, kèm chân dung nhà văn cười tươi nhìn bài viết của mình HƯƠNG HỒNG BUN (GA-RI).

Ông hỏi mượn cây bút của người bán báo ghi lên đầu trang báo:

“Anh Phan Quang vốn ưa hoa, xin biếu anh một đóa hồng ngoại”.

Nguyễn Tuân.

Trích “Xin đừng quên nhau: Lời hoa muốn nói", NXB Kim Đồng, 2016

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bieu-anh-mot-doa-hong-ngoai-post716215.html