Biết lắng nghe dân

'Người cán bộ phải thực sự gương mẫu, lắng nghe dân, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống hằng ngày trên tinh thần trao đổi, chia sẻ vì trách nhiệm cộng đồng, tránh áp đặt với người dân'.

Đó là kinh nghiệm của chị Cao Thị Nương qua gần 10 năm làm Trưởng thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Ngoài ra, chị còn tiên phong trong làm kinh tế, vận động người dân xóa đói, giảm nghèo, phòng ngừa nạn tảo hôn, bảo vệ môi trường tại khu dân cư... Vì thế, những năm qua, hơn 300 hộ dân trong thôn luôn tin yêu và làm theo Trưởng thôn A Thi, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm mạnh từ gần 50% hiện còn gần 17%.

Sở dĩ Trưởng thôn Cao Thị Nương được dân quý, dân tin bởi chị luôn thể hiện trách nhiệm trước dân, lắng nghe và thấu cảm với những suy nghĩ của nhân dân. Gần dân, lắng nghe dân giúp chị tạo được động lực để các hộ dân yên tâm phát triển kinh tế, địa phương luôn bình yên và ổn định. Lắng nghe dân nhưng không "theo đuôi" quần chúng.

Ảnh minh họa: TTXVN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc lắng nghe dân, học hỏi dân là nguyên tắc nhận thức và hành động tiên quyết của người cán bộ, đảng viên. Bác căn dặn, đã là cán bộ lãnh đạo thì "một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng. Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân...". Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc với quần chúng; nắm tâm tư, nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của họ; phải tin yêu, tôn trọng quần chúng; lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng.

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ cơ sở nói riêng cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đại đa số cán bộ giữ được phẩm chất, đạo đức, có quan hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho dân. Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, xa dân, thậm chí còn có biểu hiện đến với dân chỉ để "làm màu", vì thế họ gần dân về khoảng cách mà vẫn xa dân về suy nghĩ, tình cảm... Một trong những nguyên nhân của thực trạng đó là do thói quan cách, gia trưởng nhưng sợ trách nhiệm của người cán bộ, làm việc không vì lợi ích của dân mà vì lợi ích cá nhân; cái tốt thì ôm vào mình, cái xấu thì đùn đẩy cho tập thể, cấp dưới.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Song, để có nhiều cán bộ vì dân, lắng nghe dân, điều quan trọng là mỗi người phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, trau dồi năng lực chuyên môn. Người cán bộ đến với nhân dân như đến với những người thân của mình. Ở đó, mọi nghi lễ, khoảng cách dường như được xóa bỏ, chỉ đọng lại sự đồng cảm sâu sắc. Muốn vậy, người cán bộ phải luôn lắng nghe dân nói, coi nhiệm vụ của tập thể, người dân như chính công việc của gia đình, bản thân, từ đó mà nâng cao trách nhiệm và quyết tâm thực hiện. Mặt khác cũng cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên cán bộ “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Lắng nghe dân, chuyện tưởng dễ nhưng để thực hiện hiệu quả lại không đơn giản chút nào.

VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/biet-lang-nghe-dan-734211