Biên soạn tài liệu tiếng dân tộc tỉnh Bắc Giang

Theo kết quả điều tra năm 2019, tỉnh Bắc Giang có trên 1,8 triệu người, với 45 thành phần dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 257 nghìn người, chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh, nhưng chỉ còn 1% dân số còn nói được tiếng mẹ đẻ. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết bảo tồn và giữ gìn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Bắc Giang sẽ đưa nội dung dạy tiếng dân tộc thiểu số lồng ghép vào chương trình, hoạt động giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn. (Ảnh minh họa)

Biên soạn tài liệu truyền dạy 7 ngôn ngữ tiếng dân tộc, tập trung vào 6 dân tộc thiểu số, gồm: Tày, Nùng, Hoa, Dao, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu (dân tộc Sán Chay gồm người Sán Chí và Cao Lan, là 2 dân tộc có tiếng nói khác nhau). Đây là những dân tộc thiểu số có tỷ lệ dân số đông, sinh sống tại 73 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.

Hiện nay, dự thảo tài liệu đang được biên soạn và thiết kế các bài học theo 10 chủ đề:

(1) Chủ đề Giao tiếp: cấu trúc câu, từ vựng về thời gian, giao tiếp, quan hệ gia đình, bạn bè; ngữ pháp: đại từ nhân xưng.

(2) Chủ đề Quê hương, đất nước: từ vựng gồm tên riêng đất nước, địa phương; tổ chức phân cấp quản lý hành chính; địa hình, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử -văn hóa, du lịch. Các từ vựng liên quan đến phương vị; ngữ pháp: câu hỏi – đáp; một số mẫu câu miêu tả, trần thuật giới thiệu về quê hương.

(3) Chủ đề Kinh tế - Thương mại: từ vựng về các đơn vị đo lường, trọng lượng, tiền tệ; các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, nghề thủ công truyền thống, trồng trọt, chăn nuôi; ngữ pháp: câu hỏi – đáp; một số mẫu câu miêu tả, trần thuật cách sản xuất của người dân tộc.

(4) Chủ đề Thiên nhiên – Môi trường: từ vựng về thời gian, thời tiết, khí hậu, thiên nhiên, môi trường; ngữ pháp: câu cảm thán, một số mẫu câu về môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

(5) Chủ đề Giáo dục - Ngôn ngữ: từ vựng về giữ gìn ngôn ngữ của dân tộc thiểu số, vai trò của việc giáo dục trong đời sống xã hội của người dân tộc; ngữ pháp: câu cảm thán, câu trần thuật, câu nghi vấn.

(6) Chủ đề Văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số: từ vựng về các dân tộc thiểu số, lễ hội, ẩm thực, trang phục, hôn nhân, dân ca, dân vũ, văn học dân gian, thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

(7) Chủ đề Y tế: từ vựng về thuốc Đông y, thuốc Tây y, tên một số cây thuốc, bài thuốc Nam, tên một số bệnh phổ thông và cách phòng tránh; ngữ pháp: câu cảm thán, câu trần thuật, câu nghi vấn; một số mẫu câu về y học.

(8) Chủ đề Quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc: từ vựng về pháp luật, chính sách, tên các dân tộc thiểu số; ngữ pháp: câu cảm thán, câu trần thuật, câu nghi vấn; một số câu về chính sách đối với người dân tộc.

(9) Chủ đề Một số chính sách của Tỉnh Bắc Giang về công tác dân tộc giai đoạn 2015 - 2025.

(10) Chủ đề Giao lưu, thăm quan mô hình đặc sắc văn hóa dân tộc thiểu số; trao đổi kinh nghiệm học tập với các địa phương khác, phát huy tốt ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày.

Sau khi tài liệu truyền dạy được biên soạn xong và xuất bản, tỉnh Bắc Giang sẽ đưa nội dung dạy tiếng dân tộc thiểu số lồng ghép vào chương trình, hoạt động giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường THCS vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo Đề án “Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2026, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số nói được tiếng dân tộc lên 10%.

Đỗ Thụy

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/bien-soan-tai-lieu-tieng-dan-toc-tinh-bac-giang-54787.html