Biến rác thành tiền

Nghề nhặt ve chai, buôn sắt vụn những tưởng chỉ dành cho các bà, các chị, những người lớn tuổi, người mất sức lao động. Nhưng không, với anh Phùng Thế Tài ở xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ thì thu gom, tái chế phế liệu, rác thải lại là cơ hội để kiếm được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Không chỉ cá nhân, đây cũng là mô hình được nhiều cấp, ngành, địa phương triển khai để góp phần bảo vệ môi trường.

Thanh niên Phùng Thế Tài bốc những bao hàng sau khi phân loại lên xe giao cho các cơ sở tái chế phế liệu

Tốt nghiệp một trường đại học hạng ưu ở Thủ đô, trở thành Đảng viên ngay khi còn ngồi trên giảng đường, những điều kiện cần và đủ để anh Tài có thể xin một công việc nhà nước đúng như nguyện vọng của gia đình. Tuy nhiên, sau mấy tháng làm việc trong một tập đoàn viễn thông, thấy mức lương không đủ trang trải cuộc sống, anh về quê nhà lập nghiệp. Ảnh hưởng nghiệp kinh doanh từ cha mẹ đã thôi thúc Tài trải nghiệm đủ mọi ngành nghề từ khi còn trẻ. Anh từng lái xe tải giao sắn lên mạn ngược cho thương lái, đi buôn gỗ ở Hưng Yên, chạy xe tải khắp các tỉnh miền Bắc. Sau vài năm bôn ba làm đủ mọi loại nghề, anh tích cóp trong tay được một khoản vốn. Nhận thấy giá thu mua phế liệu rẻ, nhân công nhàn rỗi ở địa phương nhiều, anh thuê kho bãi, nhận đổ buôn các loại phế liệu như bìa các tông, giấy vụn, nilon... Với sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường cùng với tư duy khác biệt, ham học hỏi, từ những mảnh bìa “cũ rẻ như cho”, anh thu gom, phân loại rồi giao lại cho xưởng tái chế. Thời điểm giá phế liệu tăng, sản lượng 2 tấn/ngày cũng khiến anh kiếm được hàng chục triệu đồng một tháng.

Khi được hỏi về lý do chọn con đường buôn bán phế liệu, anh Phùng Thế Tài chia sẻ: “Mỗi công việc bỏ sức lao động và kiếm tiền chân chính đều đáng tự hào. Bởi vậy, tôi vẫn có thể ứng dụng được kiến thức trên giảng đường đại học vào công việc hiện tại. Nhẫn nại, kiên trì và không bỏ cuộc là điều mà bất cứ bạn trẻ nào cũng cần có để khởi nghiệp”. Thực tế cho thấy, nếu chỉ phân loại và bán thô thì giá cả thấp, khó có thể làm giàu. Tôi đã đầu tư mua thêm dây chuyền tái chế phế liệu, ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Khi xưởng tái chế đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ hàng tấn phế liệu một ngày, giải quyết một phần vấn đề về rác thải cho địa phương.

Thầy giáo hướng dẫn học sinh phân loại rác thải nhựa tại trường THCS Tân Lập, huyện Thanh Sơn

Không chỉ làm kinh tế, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương bị mất sức lao động kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhắc đến anh, bà Nguyễn Thu Thủy ở khu 6, xã Hà Thạch cho biết: “Tôi bệnh tật lại không thể lao động nặng nên không có nơi nào nhận vào làm việc. Hiện cơ sở thu gom phế liệu của cháu Tài nhận tôi vào làm công đoạn phân loại, giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải tiền thuốc men”. Là một đảng viên, Phùng Thế Tài luôn đi đầu trong các công việc của thôn, xóm. Khu dân cư có việc hiếu hỷ hay giúp đỡ Đảng viên mới, anh đều tận tình tham gia. Tài không chỉ là tấm gương khởi nghiệp mà còn là hình mẫu thanh niên xung kích, bản lĩnh, sáng tạo.

Những năm gần đây, nghề thu gom, tái chế phế liệu đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì vốn liếng ít lại cho thu nhập cao. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế khởi nghiệp mà mô hình “biến rác thành tiền” cũng được nhiều đơn vị trong tỉnh triển khai nhằm bảo vệ môi trường. Các em học sinh cho đến các cấp hội phụ nữ tại các địa phương đã và đang lan tỏa ý nghĩa của hành động thu gom, phân loại rác thải đặc biệt là rác thải nhựa, phế liệu để phục vụ việc tái chế, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/bien-rac-thanh-tien/191698.htm