Biện pháp khắc phục sự cố tràn dầu ở Việt Nam

(VEN) - Thời gian qua, tràn dầu đã trở thành một trong những sự cố môi trường xảy ra tại Việt Nam. Việc xử lý, khắc phục cũng như thủ tục bồi thường cho công tác này gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước nhằm khắc phục và xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời.

Những thiệt hại nặng nề Trở lại với sự kiện ngày 24/8/2006, tàu La Palmas (quốc tịch nước ngoài) có trọng tải 31.000 tấn, chuyên chở 23.000 tấn dầu DO trong lúc cập cảng Sài Gòn đã va vào cầu cảng và làm tràn hơn 1500 tấn dầu ra môi trường. Ngoài ra, còn có 150 tấn xăng tràn ra từ hệ thống ống dẫn của cầu cảng. Dù đã ứng phó sự cố kịp thời, nhưng chỉ sau 9 giờ, váng dầu đã lan rộng cách khu vực xảy ra sự cố 40- 50km theo phía hạ lưu sông Sài Gòn. Tiếp đó, do thủy triều lên, váng dầu bị đẩy ngược lên thượng lưu cách nơi xảy ra sự cố 4-5km. Sau 15 ngày, diện tích bị ảnh hưởng bởi tràn dầu là 60.000ha bao trùm một khu vực lớn dọc theo sông Sài Gòn, trong đó diện tích bị ô nhiễm nặng nhất là 40.000ha. Tiếp đó, tháng 6/2009, tàu Nhật Thuần đã chìm sâu xuống biển Vũng Tàu sau khi bùng cháy trong khoảng 2 giờ liền. Theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại thời điểm xảy ra tai nạn, trong tàu Nhật Thuần có chứa khoảng 1.795m3 dầu cặn và chất thải lẫn dầu... Các sự cố tràn dầu thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài nguyên thủy sinh, tài nguyên nước, tài nguyên đất trên một khu vực khá rộng, gây thiệt hại đến các hoạt động kinh tế. Điều này đòi hỏi cần thiết phải có những biện pháp mang tính đồng bộ và hiệu quả để khắc phục tình trạng trên. Biện pháp khắc phục Ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các biện pháp thường được áp dụng để khắc phục sự cố tràn dầu đó là: cơ học, sinh học và hóa học. Đối với biện pháp cơ học, thực hiện quây gom, dồn dầu vào một vị trí nhất định để tránh dầu lan trên diện rộng. Sử dụng phao ngăn dầu để quây khu vực dầu tràn, hạn chế ô nhiễm lan rộng và để thu gom xử lý. Sau khi dầu được quây lại dùng máy hớt váng dầu hút dầu lên kho chứa. Ưu điểm của biện pháp này là ngăn chặn, khống chế và thu gom nhanh chóng lượng dầu tràn tại hiện trường. Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp hóa học khi có hoặc không có sự làm sạch cơ học và dầu tràn trong một thời gian dài. Cụ thể, sử dụng các chất phân tán; các chất phá nhũ tương dầu - nước; các chất keo tụ và hấp thụ dầu...để xử lý. Với biện pháp sinh học là dùng các vi sinh vật phân giải dầu như vi khuẩn, nấm mốc, nấm men... Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố tràn dầu thì biện pháp cơ học được xem là tiên quyết cho công tác ứng phó sự cố tràn dầu tại các sông, cảng biển. Ngoài ra, để việc ứng phó sự cố tràn dầu trên biển mang tính chuyên nghiệp đồng bộ, cần triển khai việc đóng tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Đầu năm 2009, Công ty Đóng tàu Bảo Tín (quận Bình Thạnh - TP.HCM) và Công ty Hải Minh đã làm lễ khởi công đóng tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Đây là tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu trên biển lớn nhất miền Nam vào thời điểm này. Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan PGS. TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật về môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chưa được tốt nên nhiều vụ tràn dầu do tàu đâm va cho đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử. PGS. TS. Lê Hồng Hạnh cũng cho biết thêm, thực tiễn giải quyết các sự cố tràn dầu tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy việc áp dụng trách nhiệm buộc khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm hay trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu gây nên thường căn cứ vào chủ thể gây ra sự cố tràn dầu, cụ thể là chủ thể gây ra sự cố là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, thông lệ quốc tế cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp, xung đột trong lĩnh vực môi trường... Vì vậy, PGS. TS. Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh, giải pháp chung cho vấn đề nêu trên là cơ quan bảo vệ pháp luật cần buộc người gây ô nhiễm môi trường trước hết phải thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Trong trường hợp họ không thực hiện các biện pháp đó thì cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ xác định thiệt hại để người gây ô nhiễm phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật./. Khắc Hiếu

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/14250/seo/bien-phap-khac-phuc-su-co-tran-dau-o-viet-nam/language/vi-vn/default.aspx