Biến nước mặn thành nước ngọt

SV- Trong một lần đi dã ngoại, chứng kiến cảnh người dân địa phương khổ sở vì thiếu nước ngọt, Nguyễn Ngọc Anh và Phạm Duy Linh, hai sinh viên khoa Môi trường & Tài nguyên thiên nhiên (trường ĐH Cần Thơ) đã mày mò, chế tạo thành công chiếc máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt. Hai bạn còn dự định ứng dụng sáng chế của mìn thành sản phẩm đại trà, gửi tặng Trường Sa thân yêu.

Dùng học bổng làm kinh phí chế tạo máy

Ngọc Anh quê ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), Duy Linh ở tận Châu Thành (Kiên Giang). Tuy học cách nhau một khóa, nhưng cả hai rất thân thiết. Cùng là dân miền Tây, cả hai thấm thía nỗi khổ của người dân ở vùng bị xâm thực nặng, nước ngọt trở thành “gạo châu củi quế” của người dân. Tuy nhiên, quyết tâm chế tạo máy chưng cất nước ngọt chỉ đến với cả hai khi các bạn về chơi nhà một người bạn ở Thạnh Phú (Bến Tre).

Ngọc Anh kể: “Ở đây, một khối nước phải mua với giá 116.000 đồng và phải đến tận nơi chở về. Hai vợ chồng bác chủ nhà chỉ dám xài 30 lít nước/ngày cho 2 người. Để tiết kiệm, một thau nước người dân tái sử dụng đến 3 - 4 lần. Nước được dùng rửa trái cây, sau đó rửa rau sống; tiếp đến là rửa các loại rau dùng nấu canh; rồi lại tiếp tục dùng nước đó để rửa thịt, cá… Khi thau nước váng màu không thể rửa được nữa, nước vẫn được tận dụng để tưới cây. Hai ngày ở Thạnh Phú, mình không dám... tắm. Khi hỏi chuyện một lãnh đạo xã, bác này tếu táo bảo, điện thì có thể chứ nước sạch ở đây không lãnh đạo nào dám… hứa bao giờ sẽ có”.

Duy Linh (đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với người dân Thạnh Phú (Bến Tre)
bên chiếc máy do Linh và Ngọc Anh sáng chế.
Ảnh: Nhóm tác giả cung cấp

Chứng kiến nỗi khổ của người dân, hai sinh viên quyết tâm tìm ra cách để biến những giọt nước mặn kia thành nước ngọt. Sau khi lựa chọn địa điểm, cả hai rong ruổ xe máy đến tận Kiên Lương (Kiên Giang), Thạnh Phú, Mỏ Cày (Bến Tre), Sóc Trăng, Trà Vinh… để khảo sát. Kết quả thu được khiến cả hai thêm ngỡ ngàng. Hầu hết đất đều nhiễm mặn, nước ngọt thiếu trầm trọng, người dân phải bỏ tiền mua nước sạch. Ngay cả những vùng như Mỏ Cày, Chợ Lách (Bến Tre) nằm sâu trong đất liền gần 50 km vẫn nhiễm mặn và thiếu nước sinh hoạt.

Để thực hiện công trình, Linh và Ngọc Anh dốc hết vốn từ học bổng học tập của cả hai được hơn 7 triệu đồng làm chi phí. Khu xóm trọ trở thành “viện nghiên cứu”. Sau một thời gian hì hục, chiếc máy đầu tiên hoàn thành với khả năng xử lý 4 lít nước. Ngày mang máy xuống Thạnh Phú thử nghiệm, người dân ở đây rất xúc động khi biết mục đích nghiên cứu của hai chàng sinh viên. Một chủ cửa hàng bán ống nước và vài hộ dân nằng nặc đòi mua lại chiếc máy.

Món quà cho Trường Sa

Việc chế tạo thiết bị, máy móc chưng cất nước ngọt không mới. Tuy nhiên, giá thành và tính ứng dụng trong quy mô nhỏ lại gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, khi bắt tay vào nghiên cứu, Ngọc Anh và Duy Linh đưa ra tiêu chí làm sao để máy phải khắ phục được hai nhược điểm trên. Máy có giá thành thấp, vật liệu tận dụng tại chỗ, cung cấp nước uống ở quy mô hộ gia đình để khả năng ứng dụng vào thực tế tốt nhất.

Chiếc máy đầu tiên được làm hoàn toàn từ những nguyên, vật liệu sẵn có tại địa phương: Ván gỗ, xơ dừa… Thiết bị có thể thiết kế ở dạng tháp hoặc hộp với cấu tạo tương đối giống nhau gồm phần khung làm bằng ván hoặc gạch; phần hấp thụ nhiệt bằng tôn sơn đen hoặc xi măng; mặt tiếp xúc bằng kính trong suốt là nơi ngưng tụ của nước và chảy vào máng thu nhờ vào độ nghiêng mặt tiếp xúc; bộ phận cách nhiệt làm bằng sơ dừa; ống xả cặn để vệ sinh thiết bị.

Khi cho nước mặn, nước lợ vào thiết bị thông qua bình phân phối nước (bình mariot), ánh sáng Mặt Trời chiếu trực tiếp hay được phản xạ về mặt tiếp xúc của thiết bị, bộ phận hấp thu nhiệt hấp thu một phần năng lượng làm cho năng lượng của các bức xạ này giảm đi và chuyển sang dạng bức xạ có bước sóng dài, được phản xạ ngược trở lại mặt tiếp xúc, buộc phải phản xạ lại bộ phận hấp thu nhiệt và tiếp tục bị hấp thu năng lượng làm cho lớp nước nóng lên và bốc hơi, ngưng tụ rồi chảy về máng thu.

“Khi bắt tay làm đề tài, làm sao để máy ứng dụng tốt và mọi người dân có thể sử dụng trong gia đình là mối quan tâm lớn nhất của cả hai chúng tôi”, Ngọc Anh cho biết. Sau khi hoàn tất, Ngọc Anh và Duy Linh đem chiếc máy dự thi Giải thưởng “Holcim Priz 2011” và xuất sắc đoạt giải Nhất với 150 triệu đồng hỗ trợ của Holcim để đưa vào ứng dụng thực tế tại Kiên Giang. Ba ngày sau cuộc thi, tổ chức AFAP của Úc đã tìm đến để hỗ trợ đưa đề tài của cả hai bạn vào ứng dụng tại Ngã Năm (Sóc Trăng).

Theo tác giả của thiết bị: “Nếu được hỗ trợ kinh phí, tụi mình sẽ thiết kế chiếc máy với diện tích khoảng 10m2 , có khả năng cấp 40 - 50 lít nước/ngày để gửi tặng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Tụi mình muốn đề tài này không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu khoa học đơn thuần của sinh viên mà phải trở thành sản phẩm thực sự có ý nghĩa”.

KHOA TƯ

Lưu bài viết |

Nguồn SVVN: http://www.svvn.vn/vn/news/doisong/3949.svvn