Biển Đông: EU cung cấp công cụ mã hóa giúp các nước chặn đe dọa an ninh hàng hải

EU cung cấp công cụ mã hóa giúp các quốc gia tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp cận chia sẻ thông tin nhằm đối phó các mối đe dọa an ninh hàng hải ở khu vực, gồm cả Biển Đông.

Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực cung cấp cho các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quyền truy cập vào nền tảng web "Chia sẻ Thông tin Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IORIS)" - một công cụ mã hóa giúp các nước tiếp cận và chia sẻ thông tin đối phó các mối đe dọa an ninh hàng hải tại khu vực.

Theo đó, hải quân và lực lượng tuần duyên các nước thành viên sử dụng IORIS có thể giao tiếp và phối hợp với nhau theo thời gian thực, tờ South China Morning Post đưa tin.

Các thử nghiệm của IORIS đang được triển khai tại Philippines.

Đây được coi là nỗ lực của EU nhằm tăng cường ảnh hưởng an ninh hàng hải tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Lực lượng tuần duyên Philippines gần đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP

EU cung cấp công cụ giúp đối phó các mối đe dọa an ninh hàng hải

Phát biểu tại diễn đàn Hiệp hội phóng viên nước ngoài của Philippines về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU, do Đại sứ quán Pháp đồng tài trợ hôm 28-2, Chuẩn đô đốc Caesar Valencia thuộc Hải quân Philippines cho biết IORIS được sử dụng trong việc tiến hành các cuộc diễn tập chung về cứu trợ thảm họa.

Theo ông, IORIS sẽ “góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực” bằng cách cho phép các quốc gia sử dụng nền tảng này làm “tai mắt của nhau”.

Ông cũng nhấn mạnh việc Manila sử dụng nền tảng này điều đặc biệt quan trọng khi triển khai tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh.

Trước đó, Manila hồi tháng 1 đã đặt hàng tên lửa BrahMos, trị giá 375 triệu USD, của Ấn Độ. Loại tên lửa này có thể di chuyển với tốc độ gấp ba lần tốc độ âm thanh, có tầm bắn 290 km và được hợp tác phát triển với Nga.

Ông Valencia cho biết các tên lửa sẽ “đóng góp đáng kể vào năng lực răn đe của đất nước” và được hỗ trợ qua việc sử dụng IORIS.

“Điều này sẽ cho phép chúng tôi tăng cường giám sát hàng hải và tối đa hóa các năng lực đó tại các vùng biển và trước vô số mối đe dọa an ninh trước mắt” – ông Valencia cho hay.

Năm 2021, EU đã công bố một chiến lược, trong đó đặt mục tiêu tăng cường các chuyến thăm cảng cũng như các cuộc tập trận tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm “thúc đẩy một kiến trúc an ninh khu vực rộng mở và dựa trên luật lệ”.

Cũng tại diễn đàn hôm 28-2, ông Luc Véron - đại sứ của EU tại Manila – cho biết Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đặc biệt quan trọng vì 60% thương mại hàng hải của thế giới đi qua khu vực này, và một phần ba trong số đó đi qua Biển Đông.

Một 'nền tảng Facebook rất an toàn'

IORIS là một phần dự án CRIMARIO của EU. Giai đoạn đầu tiên của dự án, từ năm 2015 đến năm 2019, tập trung vào các tuyến hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương, trước khi được mở rộng đến Đông Nam Á vào năm 2020, South China Morning Post đưa tin.

Phát biểu tại diễn đàn hôm 28-2, Giám đốc CRIMARIO – ông Martin Inglott – cho biết IORIS hoạt động giống một “nền tảng Facebook rất, rất an toàn” và không yêu cầu bất kỳ phần cứng hoặc phần mềm cụ thể nào để vận hành. Giấy phép IORIS trọn đời trị giá 134.300 USD.

EU cung cấp công cụ mã hóa giúp đối phó mối đe dọa an ninh hàng hải. Ảnh: AFP

Ông Inglott cho biết sau khi đăng ký, hải quân và lực lượng tuần duyên các nước thành viên có thể tạo hồ sơ riêng và kết hợp với những bên khác để tạo ra “một cộng đồng” tập trung theo dõi một sự cố cụ thể, chẳng hạn một con tàu chở các mặt hàng nguy hiểm có nguy cơ bị chìm.

Thay vì sử dụng email hoặc phải gọi điện thoại, các cơ quan có thể liên lạc, trao đổi dữ liệu và vẽ biểu đồ tọa độ của máy bay và tàu thuyền trên biểu đồ hàng hải trong nền tảng IORIS. Ông Inglott ví điều này như “một trung tâm hoạt động hoặc bảng trắng hoạt động trực tuyến”.

“Tất cả được tích hợp trong một. Và nền tảng này an toàn - được mã hóa từ đầu đến cuối” – ông Inglott nói.

Nền tảng này cũng cho phép chia sẻ các thông tin khác như hình ảnh vệ tinh và tần số vô tuyến của các tàu đánh bắt cá trái phép đã tắt bộ phát đáp.

Ông cho biết IORIS đặt mục tiêu “tăng cường an ninh và an toàn hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua hợp tác xuyên ngành, liên cơ quan và xuyên khu vực”.

Nền tảng này sẽ góp phần đối phó các thành phần buôn người, buôn lậu ma túy, các hiểm họa môi trường và tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU), cùng nhiều mối đe dọa khác.

Trung Quốc, quốc gia có đội tàu đánh cá bị cáo buộc có các hoạt động bất hợp pháp và không được kiểm soát tại Biển Đông, không phải là thành viên trong mạng lưới các nước sử dụng IORIS.

Tuy nhiên, ông Inglott nhấn mạnh rằng cả nền tảng chia sẻ thông tin và dự án CRIMARIO đều không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, nhấn mạnh “tính trung lập” của các dự án.

Trả lời câu hỏi liệu EU có cân nhắc mời Trung Quốc sử dụng IORIS hay không, ông Inglott cho biết: “Hiện tại, khuôn khổ xác định chương trình CRIMARIO được gọi là mô tả hành động. Và mô tả về hành động này loại trừ việc Trung Quốc hợp tác”.

Khi được yêu cầu làm rõ, ông Inglott cho biết đây là một "câu hỏi chính trị" và ông chỉ được giao nhiệm vụ triển khai CRIMARIO ở Đông Nam Á, nói thêm rằng đối thoại an ninh hàng hải song phương đang diễn ra giữa EU và Trung Quốc.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/bien-dong-eu-cung-cap-cong-cu-ma-hoa-giup-cac-nuoc-chan-de-doa-an-ninh-hang-hai-1046010.html