Biến dây đồng thành... bonsai

Khi còn ở tuổi học trò, Nguyễn Gia Phương (sinh năm 2005), trú tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, đã sớm thành công trong việc biến những sợi dây đồng vô tri thành từng chậu bonsai lạ mắt, đầy nghệ thuật. Chính niềm đam mê và sự sáng tạo đã giúp Gia Phương đặt những bước chân đầu tiên trên đường khởi nghiệp.

Sáng tạo không giới hạn

Khác với nhiều tân sinh viên khăn gói vào thành phố lớn nhập học, ngoài sách vở và đồ dùng cá nhân, hành trang của Nguyễn Gia Phương, cựu học sinh Trường THPT Trần Thị Tâm, huyện Hải Lăng có cả dây đồng, dây kẽm, chiếc kìm, súng bắn keo, chậu cây... Thấy mọi người lấy làm lạ trước những thứ đồ nghề ấy, Phương tươi cười bật mí, đây sẽ là “cần câu cơm” của mình trong suốt 4 năm đại học sắp tới tại TP. Đà Nẵng. Ai cũng tưởng Phương nói đùa nhưng hóa ra lại là thật. Một thời gian dài trên ghế trường THPT, chính những dụng cụ, đồ dùng này đã giúp cậu làm ra những chậu bonsai đẹp mắt, mang lại thu nhập khá.

Nguyễn Gia Phương miệt mài biến dây đồng thành... bonsai - Ảnh: Q.H

Ba mẹ của Nguyễn Gia Phương làm nông. Ông bà dùng chính những giọt mồ hôi nhọc nhằn của mình để lo cho 3 anh em cậu ăn học. Hiểu rõ nỗi vất vả của ba mẹ, từ nhỏ, Phương đã mong muốn kiếm ra tiền để đỡ đần gia đình.

Thế nhưng, điều ấp ủ ấy khó thành hiện thực bởi cậu phải dành phần lớn quỹ thời gian cho chuyện đèn sách và phụ việc nhà. Mỗi độ hè về, Phương mới có thể cùng ba mẹ bươn chải kiếm sống. Thế nhưng, không phải công việc nào cũng phù hợp với một nam sinh mới lớn, vốn chỉ quen với sách vở.

Dù bận rộn với việc học và phụ giúp ba mẹ nhưng Phương vẫn giữ niềm đam mê đặc biệt của mình là tìm kiếm, tạo hình cây cảnh. Sau thời gian học tập, làm việc, cậu có thể ngồi hàng giờ để cắt tỉa từng chiếc lá, tạo thế, chăm sóc bonsai. Đam mê là thế nên Phương cảm thấy rất buồn mỗi lần phát hiện cây cảnh của mình bị chết. Sau mỗi đợt mưa lũ kéo dài, nhìn những chậu bonsai úng nước, Phương tiếc quay quắt.

“Trong lúc đang buồn, em được một người họ hàng giới thiệu về nghệ thuật làm bonsai từ dây đồng. Anh ấy hóm hỉnh bảo, đây là loại cây... bất tử, không mất công chăm sóc. Ở các thành phố lớn, người ta rất chuộng nó nhưng không phải ai cũng làm được bonsai từ dây đồng”, Phương kể.

Chia sẻ của người họ hàng đã dẫn dắt Gia Phương đến với một “địa hạt” mới. Tìm kiếm và theo dõi các video mà những người yêu nghệ thuật tạo hình bonsai từ dây đồng chia sẻ, Phương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cậu không ngờ, sức sáng tạo con người kỳ diệu đến thế. Vét hết số tiền tiết kiệm, Phương mua dây đồng, dây kẽm, kìm, súng bắn keo... về mày mò. Cậu muốn trải nghiệm để biết sự sáng tạo của mình đạt đến giới hạn nào.

Khởi nghiệp từ đam mê

Nhìn những chậu bonsai dây đồng ra đời từ bàn tay khéo léo của Nguyễn Gia Phương, không ai ngờ, đó là sản phẩm của một chàng trai trẻ tuổi. Trong cuộc chuyện trò, Phương cho biết, cuối năm lớp 10, cậu bắt đầu thử nghiệm làm sản phẩm bonsai từ dây đồng đầu tiên. Thế nhưng, mọi việc không đơn giản như Phương nghĩ.

Những ngày đầu, bàn tay cậu liên tục bị xước, đứt, rồi cứng đơ do dính keo. Vậy mà, bonsai vẫn chưa lên được hình hài như ý cậu. Nhìn sản phẩm đầu tay, Phương có chút thất vọng về chính mình. Những phút chùn lòng như thế chỉ khiến Phương thêm quyết tâm. Cậu tiếp tục mày mò, học hỏi để làm nên sản phẩm thứ 2.

Điều khiến Phương rất bất ngờ là khi chậu bonsai làm từ dây đồng còn chưa hoàn thiện, một người bạn đến chơi đã rất ngạc nhiên, rồi xin ba mẹ đặt mua ngay. Điều đó như tiếp thêm động lực cho Phương để làm nên những sản phẩm tiếp theo.

Ngày nối ngày, những sản phẩm ra đời từ bàn tay cậu càng trở nên đẹp, tinh tế, nghệ thuật hơn. Từ đây, những đơn đặt hàng đến với Phương cũng thêm nhiều. Nhiều người ở Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... liên lạc với Phương qua điện thoại và mạng xã hội để đặt hàng.

Gia Phương bên những sản phẩm ra đời từ bàn tay khéo léo của mình - Ảnh: Q.H

Việc làm thử bất ngờ mang lại tiền thật khiến Gia Phương nghĩ đến ước mơ từ bé là có một nghề yêu thích, kiếm ra tiền để đỡ đần ba mẹ. Vì thế, Phương mạnh dạn khởi nghiệp. Bên cạnh chuyên tâm làm việc, nam sinh trường làng bắt đầu mày mò quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm...

Tuy nhiên, hơn ai hết, Phương hiểu rằng, trong kinh doanh bonsai dây đồng, điều quan trọng nhất vẫn là phải có sản phẩm hút mắt người mua từ cái nhìn đầu tiên. Vì vậy, cậu luôn nhắc nhủ bản thân không ngừng tự mày mò học tập, sáng tạo. Chỉ khi thực sự vừa ý với sản phẩm mình làm ra, cậu mới quyết định bán cho khách hàng.

Nghề làm bonsai dây đồng đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là niềm đam mê, tính kiên trì, sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo. Để làm nên những chậu cảnh đặc biệt, người nghệ nhân thường mất rất nhiều thời gian, công sức. Thông thường, với mỗi sản phẩm, Gia Phương phải làm từ 4 - 5 ngày. Trong thời gian ấy, nếu sao nhãng, sản phẩm có thể mất đi sự hoàn hảo. Vì thế, mỗi lần làm bonsai dây đồng, Phương đều dành toàn tâm, toàn ý. Nhiều lúc, cậu cảm thấy tâm hồn mình như đang chuyện trò với những sợi dây vô tri, vô giác.

“Dồn toàn tâm, toàn sức để làm bonsai dây đồng, nhiều lúc em cảm thấy cứng cả tay, cả cổ. Bù lại, công việc cuốn hút em đến mức nhiều khi quên ăn, quên ngủ. Biết thế nên em luôn cố gắng thu xếp công việc sao cho hài hòa để không ảnh hưởng đến học hành”, Phương kể.

Sẵn sàng chia sẻ nghề

Kiếm ra tiền triệu từ mỗi chậu bonsai nhưng điều thú vị là Gia Phương chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giấu nghề. Cậu luôn sẵn sàng chia sẻ, mong muốn truyền đam mê cho những người xung quanh. Trước khi rời ghế Trường THPT Trần Thị Tâm, Phương đã dành thời gian giới thiệu nghề làm bonsai dây đồng cho các bạn, các em khóa dưới. Phương biết nhiều bạn khác ở trường đã và đang ấp ủ mong muốn có thêm thu nhập để phụ giúp ba mẹ.

Đây chính là cách để Phương tiếp sức cho các bạn. “Công việc này tuy khó nhưng lại phù hợp với lứa tuổi, năng lực, điều kiện của chúng em. Chỉ cần có niềm đam mê, sự kiên trì và sáng tạo, em tin bạn nào cũng có thể làm được. Vì thế, em muốn các bạn cùng học và làm với mình”, Phương chân thành chia sẻ.

Một sản phẩm Gia Phương vừa hoàn thành sau khi nhận được đơn đặt hàng - Ảnh: Q.H

Sự cởi mở trong việc chia sẻ nghề và những bí quyết, kinh nghiệm riêng của Gia Phương khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Giải thích về điều này, Phương chia sẻ, từ lâu, cậu luôn đặt mình vào vị trí của mọi người. Nếu ai cũng khư khư giữ nghề, chỉ biết làm giàu cho mình thì chắc không có Phương của ngày hôm nay. Cậu cũng không thể thấy được những sản phẩm của các nghệ nhân khác để học hỏi, sáng tạo thêm.

Phương đúc kết: “Em nghĩ mọi nghề chỉ có thể phát triển nếu ta biết chia sẻ. Khi mình chia sẻ cũng là lúc mình nhận lại được nhiều thứ quý giá. Sự cạnh tranh nếu có cũng chỉ làm mình phát triển thêm mà thôi. Thế nên, em không ngại mở lòng với mọi người”.

Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc Gia Phương tham gia và có nhiều bài chia sẻ tại những diễn đàn làm bonsai dây đồng uy tín. Mới đây, sản phẩm bonsai dây đồng mà Phương giới thiệu được các thành viên trong diễn đàn thống nhất công nhận là “tác phẩm xuất sắc nhất” của tháng. Không dừng lại ở đó, Phương còn đưa sản phẩm của mình tới cuộc thi “Sáng tạo trẻ” huyện Hải Lăng lần thứ X và mang về giải Ba. Đó là niềm vui, động lực để chàng trai này tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, nhân lên tinh thần sáng tạo để tiếp tục “thổi hồn” cho dây đồng.

Chuyện trò về những dự định tương lai, Gia Phương cho biết, cậu sẽ tiếp tục gắn bó với công việc mà mình tự mày mò, học hỏi được và không ngừng nỗ lực để nâng tầm nó. Mấy năm miệt mài bên những sợi dây đồng, Phương nhận ra rằng, công việc mình đang làm không đơn thuần là một nghề kiếm tiền.

Vượt trên thu nhập, nó là một sản phẩm nghệ thuật, ra đời từ sự sáng tạo của người nghệ nhân. Vì thế, nếu quẩn quanh kiếm tiền, cậu sẽ dậm chân tại chỗ. Đó cũng chính là điều mà Phương thường chia sẻ với những người tìm đến cậu để học nghề “thổi hồn”, biến dây đồng thành... bonsai.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/bien-day-dong-thanh-bonsai/180926.htm