Biên cương phía Bắc - 45 năm sau tháng 2.1979

Đã nhiều lần đến biên giới phía Bắc để góp phần chia sẻ khó khăn với người dân và cựu chiến binh nơi đây, nhưng có lẽ chuyến đi từ ngày 17 đến 19.2.2024 để lại cho các thành viên nhóm thiện nguyện Sharing nhiều ấn tượng nhất.

Gần nửa thế kỷ đã qua, nhưng những vết tích đau đớn còn lại ở những địa danh nơi cuộc chiến tranh xâm lược dã man ập tới 45 năm trước, cùng với những hình ảnh chồi sống nảy mầm tươi mới trong cuộc sống nơi núi rừng hôm nay đã gieo vào tâm khảm những người đến đây vào mùa xuân Giáp Thìn những cảm xúc đan xen thật khó tả.

Hà Giang: 10 năm kiên cường giữ biên giới và 35 năm nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh

Không phải tự nhiên mà ông Trương Tấn Sang thường lui tới Hà Giang từ khi còn làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Nước cũng như sau khi đã hoàn thành mọi chức trách. Như những người am hiểu khác trong bộ máy lãnh đạo đất nước, ông Trương Tấn Sang không thể quên Vị Xuyên, Hà Giang chính là nơi cuộc chiến chống xâm lược diễn ra ác liệt nhất, kéo dài nhất trên toàn tuyến biên giới phía Bắc suốt 10 năm (1979 - 1989). Chính ở mảnh đất Thanh Thủy - Vị Xuyên này, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh trong các cuộc giằng co với địch để giữ từng tấc đất của Tổ quốc trong suốt 10 năm.

Ngày 17.2.2024, các thành viên của nhóm Sharing tháp tùng đoàn công tác của nguyên Chủ tịch Nước đến thăm Đền thờ Các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 468 đã được hướng dẫn nhìn sang đồi Lò vôi 772, nơi mà đạn pháo địch dội sang ngày đêm bóc trụi cây rừng, cả trái núi trắng xóa như một lò vôi khổng lồ. Chín sư đoàn chủ lực trong đó có 312, 314, 356 đã được điều đến mặt trận nóng bỏng 1.600 km2 này để giữ bằng được những điểm cao then chốt như 1030, 685, 772…

Nhóm Thiện nguyện Sharing trong khuôn viên Nhà văn hóa tưởng niệm Đồng Chúp. Ảnh: Lê Nhựt Tân

Từ sau khi cuộc chiến đấu ác liệt, kéo dài tạm ngưng, mới chỉ có 1.872 phần mộ và một phần mộ tập thể được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, còn hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ ta nằm rải rác trên các điểm cao, khe sâu vẫn đang được tìm kiếm dù gặp rất nhiều khó khăn. Anh em cựu chiến binh Vị Xuyên mỗi năm vào ngày giỗ trận (12.7) đều về miếu thờ trên điểm cao 468 để thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã nằm lại đây. Nỗi niềm cần có một đền thờ khang trang, xứng đáng để hương hồn đồng đội quy tụ về trên đất mẹ đã nung nấu trong những người lính Vị Xuyên suốt hơn 20 năm, cho đến năm 2016 mới hoàn thành.

Từ vị chỉ huy sư đoàn năm xưa đến người chiến sĩ đều biết rõ: Đền thờ thấm đẫm nguyện ước của các cựu chiến binh Vị Xuyên là công lao đóng góp của hàng chục ngàn người lính Vị Xuyên và cán bộ, nhân dân địa phương, nhưng không ai không biết vai trò quan trọng của ông Trương Tấn Sang khi ông không chỉ ủng hộ chủ trương xây đền thờ mà còn đích thân vận động thêm kinh phí xây dựng để đền tưởng niệm này khang trang hơn, đến thăm viếng dễ dàng hơn. Những nỗ lực đó đâu phải chỉ để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ mà lòng quả cảm và sự xả thân của họ đã hóa thành lũy bất tử bảo vệ mảnh đất biên cương “phên giậu của Tổ quốc”, mà còn để giáo dục các thế hệ sau về tinh thần bảo vệ Tổ quốc, như lời thề bằng máu mà các liệt sĩ Vị Xuyên gửi lại cho cuộc đời “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” (lời khắc trên báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh).

Sự khốc liệt đầy bi kịch kéo dài của cuộc chiến đã khiến cho niềm đau thương khắc khoải của gia đình 4.000 liệt sĩ và 9.000 thương binh trong cuộc chiến chống xâm lược ở Vị Xuyên - Hà Giang suốt 45 năm qua lúc chìm sâu trong ẩn ức vì khói hương cho người ngã xuống có những thời khắc nguội lạnh, lúc bùng dậy cảm kích, tự hào khi các nghĩa trang liệt sĩ hy sinh từ 1979 được tôn tạo, khang trang cùng với sự sôi động các hoạt động tri ân thiết thực. Trong những hoạt động tri ân đó cho các cựu chiến binh và người dân bị ảnh hưởng bom mìn của cuộc chiến xâm lược tại Hà Giang có một hoạt động ấn tượng, đó là hơn 6.000 căn nhà kiên cố được hoàn thành với thời gian kỷ lục: chưa đầy 2 năm.

Hưởng ứng lời vận động của ông Trương Tấn Sang, các nhà hảo tâm đã “xắn tay áo” vào cuộc cùng đảng bộ, chính quyền, cán bộ và nhân dân tỉnh Hà Giang làm nên kỷ lục nghĩa tình đó. Riêng nhóm thiện nguyện Sharing đã đóng góp xây dựng 356 căn nhà. Không chỉ những ngôi nhà mà còn nhiều học bổng đến trường, hàng trăm con bò giống được tặng cho bà con làm kế sinh nhai đến từ nhiều tổ chức (trong đó có Sharing và Quỹ Hoa Hòa bình) với vai trò nòng cốt của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam do trung tướng Nguyễn Đức Soát làm chủ tịch.

Ngày 17.2.2024, đúng 45 năm sau ngày nổ ra cuộc chiến tranh chống xâm lược ở toàn tuyến biên giới phía Bắc, 220 cựu chiến binh Hà Giang cùng thân nhân đã một lần nữa được tổ chức họp mặt đầy xúc động với nhau, có sự hiện diện của nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và nhóm Sharing do bà Mai Thị Hạnh phụ trách. Các vị lãnh đạo trung ương và địa phương cùng các cựu chiến binh đã viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, thăm Đền thờ các anh hùng liệt sĩ ở điểm cao 468, mỗi cựu chiến binh được tặng quà và 1 triệu đồng, riêng các hoàn cảnh khó khăn số tiền mỗi người được tặng là 5 triệu đồng. Nhóm thiện nguyện Sharing đóng góp 600 triệu đồng cho dịp chăm lo này, trong đó bao gồm cả một việc rất đặc biệt là mời nhóm nấu ăn chuyên nghiệp của chị Hạnh từ Quảng Ninh lên tận Hà Giang đảm trách bữa tiệc thịnh soạn mời các cựu chiến binh và thân nhân.

Cựu binh Vũ Văn Giữa ở xã Hùng An, huyện Bắc Quang (Hà Giang) xúc động tâm sự với thành viên nhóm Sharing: “Dịp lễ Tết nào tôi cũng được chính quyền địa phương quan tâm, động viên, thăm hỏi, nhưng lần gặp mặt đông đủ và những món quà tri ân ấm áp như lần này làm cho tôi rất bất ngờ. Các chị từ miền Nam ra, từ Quảng Ninh lên để tặng quà và nấu ăn cho chúng tôi thật là chu đáo. 45 năm rồi từ ngày chúng tôi chiến đấu chống xâm lược ở biên giới nhưng mọi người đã không lãng quên chúng tôi, cảm động lắm!”.

Mùa xuân Giáp Thìn 2024, bà con thôn Bản Hình - một trong 14 thôn của xã biên giới Minh Tân, huyện Vị Xuyên có thêm niềm vui mới: điểm trường tiểu học của thôn vừa được cải tạo, sửa chữa rất khang trang. Xã Minh Tân có 1.583 hộ nhưng chỉ có hơn 34% hộ trung bình, còn lại là hộ nghèo và cận nghèo. Nếu không có điểm trường, trẻ em đi tìm chữ mỗi ngày phải qua nhiều con suối, nhiều ngọn đèo. Vì thế ngôi trường khang trang này là niềm mơ ước không chỉ của học sinh mà còn của thầy cô và phụ huynh.

Trường có 2 tầng, 8 phòng học, nhà bếp 4 gian, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Tất cả đều được làm mới với vật liệu bền vững và thẩm mỹ. Sân trường rộng gần 1.200m2. Trong tổng kinh phí làm trường 1,7 tỷ đồng, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) tài trợ 1 tỷ 150 triệu đồng, còn lại là do nhân dân, cán bộ, giáo viên đóng góp ngày công và hiến đất.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác dâng hương tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Vũ Tuấn

Trong lễ khánh thành điểm trường Bản Hình ngày 17.2.2024, ông Trương Tấn Sang đã thay mặt các vị lãnh đạo tỉnh và huyện cảm ơn nhà tài trợ VPBank đã hỗ trợ hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục của Hà Giang, không chỉ điểm trường Bản Hình này mà tới đây còn cả các điểm trường biên giới của huyện và tỉnh. “Chỉ cần có sự quan tâm trọng điểm và phối hợp hiệu quả giữa địa phương và các nhà hảo tâm, chắc chắn sẽ tạo được sự đổi thay tích cực trong đời sống của đồng bào vùng biên giới” - ông Sang nhấn mạnh.

Nhân dịp này, ông cũng cùng lãnh đạo và cán bộ tỉnh Hà Giang ôn lại một ký ức đẹp và cũng là bài học về đầu tư có trọng điểm từ gần 20 năm trước. Hồi ấy huyện lỵ của Xín Mần là Cốc Pài nghèo xơ xác. Ban Kinh tế Trung ương do ông làm trưởng ban đã vận động Ngân hàng Liên Việt đầu tư 250 tỷ đồng để làm một cuộc tổng quy hoạch và xây dựng lại thị trấn; làm đường, kéo điện, bắc cầu, làm trường và trạm y tế. Thị trấn Cốc Pài dần trở nên khang trang, sầm uất, thu hút được đầu tư và khách du lịch như hiện nay là khởi đầu từ bài toán đầu tư chính xác gần 20 năm trước…

Tưởng niệm 43 nạn nhân ở Tổng Chúp: một nét văn hóa hòa bình

Hành trình tri ân các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh chống xâm lược ở biên giới phía Bắc, do ông Trương Tấn Sang dẫn đầu, có điểm kết thúc là Cao Bằng - nơi những ngày đầu tháng 3.1979 đã diễn ra cuộc thảm sát của lính xâm lược đối với 43 nạn nhân vô tội tại làng Tổng Chúp. Những ngày ấy của 45 năm trước, do bị bất ngờ trước cuộc tấn công ác liệt của địch vào đất Cao Bằng nên nhiều người dân của huyện Hòa An, trong đó có các công nhân và gia đình ở trại nuôi lợn Đức Chính đã phải chạy trốn về phía sâu hơn.

Đường đi phải qua sông và qua làng Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An). Do đoàn trốn chạy đông đến 50 người gồm nhiều phụ nữ và trẻ em nên khi ẩn núp ở Tổng Chúp (nay là Đồng Chúp) đã bị lính Trung Quốc phát hiện. Chúng đã giết sạch 43 người, trong đó có trẻ em và 7 phụ nữ mang thai rồi vứt xuống giếng cạnh các gốc tre.

Sau khi quân địch rút đi, người dân địa phương đã đến giếng đưa những người bị hại lên, ngoài những người được thân nhân nhận dạng và đưa về chôn cất, vẫn còn nhiều người không được nhận dạng vì cả gia đình đã bị giết không còn một ai. Sự kiện đau thương này sau đó được ghi nhận bằng một cái miếu nhỏ và tấm bia xi măng ghi những dòng chữ: “Vụ thảm sát tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước”.

Tấm bia cũ được dựng dưới gốc tre nơi lính xâm lượcTrung Quốc giết hại người vô tội ở Tổng Chúp tháng 3.1979. Ảnh: Tư liệu

Hơn 40 năm sau vụ thảm sát ở Tổng Chúp, vì nhiều lý do nên địa phương chưa có điều kiện làm một nơi tưởng niệm đàng hoàng cho các nạn nhân. Tấm biển tạm ghi nhớ đã cũ sứt, nghiêng xệ, cây cối um tùm, hoang lạnh, không có đường vào. Theo thư đề nghị của phóng viên Lê Đức Dục (báo Tuổi Trẻ) - người đã liên tục 16 năm đi công tác biên giới phía Bắc và am hiểu tình hình nơi đây, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã đến Tổng Chúp khảo sát vào tháng 6.2023 và ông ngay lập tức đã thảo luận cùng địa phương, thống nhất sẽ xây dựng tại đây một công trình văn hóa kết hợp tưởng niệm các nạn nhân bằng nguồn kinh phí hoàn toàn ngoài ngân sách nhà nước. Đề xuất này đã trở thành chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng và sự phê thuận của Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng.

Chỉ sau khởi công 4 tháng, đến tháng 1.2024, công trình “Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm các nạn nhân tại xóm Đồng Chúp (trước là Tổng Chúp)” đã hoàn thành toàn bộ. Với diện tích 4.300m2 được giải phóng từ đất của 11 hộ dân, công trình được phân bổ thành ngôi nhà chính hai tầng rộng 670m2 theo kiến trúc nhà sàn của người Tày Cao Bằng, không gian chung của cộng đồng rộng 256m2, hội trường 180m2 với 150 chỗ ngồi, gian tưởng niệm 60m2 trang nghiêm, ấm áp với bàn thờ các anh hùng liệt sĩ, thần hoàng bổn thổ và bàn thờ linh vị các nạn nhân Tổng Chúp năm xưa. Chính quyền thành phố Cao Bằng đã chủ động khôi phục không gian cảnh quan ao nước (giếng nước trước đây) phục vụ, giữ lại các bụi tre, xây dựng một cây cầu dân sinh nối từ nhà văn hóa Đồng Chúp sang xóm Nà Luông, xã Vĩnh Quang phục vụ đi lại sản xuất nông nghiệp cho người dân đồng thời tiện đi sang sinh hoạt văn hóa, tưởng niệm ở Đồng Chúp. Các công trình vệ sinh và chiếu sáng của Nhà văn hóa - Tưởng niệm đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân Đồng Chúp và các thôn, xã lân cận.

Trong lời phát biểu tại lễ khánh thành ngày 19.2.2024, Chủ tịch thành phố Cao Bằng Nguyễn Thế Hoàn đã thay mặt lãnh đạo địa phương cảm ơn công sức vận động tài chính của nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, sự đóng góp hiệu quả của các nhà hảo tâm với nguồn kinh phí tổng cộng hơn 13 tỷ đồng, trong đó Công ty Xây dựng Xuân Trường 5 tỷ đồng, Ngân hàng Techcombank 5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn 2 tỷ đồng, nhóm thiện nguyện Sharing 1 tỷ đồng, UBND tỉnh Nghệ An 800 triệu đồng. Riêng 11 hộ dân tại Đồng Chúp cũng đã tự nguyện chung tay đóng góp để kéo giảm được gần một nửa trong tổng số 1,6 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sangvà Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam -Thượng tướng Bế Xuân Trường tại lễ khánh thànhNhà văn hóa Đồng Chúp tưởng niệm nạn nhânTổng Chúp (19.2.2024). Ảnh: Nguyễn Thế Thanh

Ông Hoàn cũng cảm ơn nhóm Chia Sẻ - Sharing phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cá nhân bà Nguyễn Thị Phương đã trao tặng 100 phần quà cho 100 hộ nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Tổng Chúp, mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm trị giá 500.000 đồng; trao tặng 7 phần quà và tiền mặt trị giá 1,5 triệu đồng cho thân nhân của 7 nạn nhân Tổng Chúp có mặt tại buổi lễ khánh thành nơi tưởng niệm. Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng cho biết, dù công tác xác minh danh tính các nạn nhân bị giết hại gặp rất nhiều khó khăn do thời gian đã lâu và có những gia đình không còn ai, nhưng địa phương cũng đã lập được danh sách tên họ của 37 người trên tổng số 43 nạn nhân và sẽ còn tiếp tục tìm kiếm.

Trước khi chia tay cán bộ, nhân dân Đồng Chúp, Cao Bằng, ông Trương Tấn Sang đã nói những lời lay động được tâm can những người tham dự: “Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương không bao giờ quên lãng việc tri ân chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khác nhau mà một số nơi chưa đáp ứng được mong mỏi của các cựu chiến binh và đồng bào. Chúng ta ghi dấu nơi xảy ra tội ác không phải để nhắc lại mối thâm thù mà để tôn trọng sự thật lịch sử, giáo dục người dân và xây dựng biên giới hai nước cùng hợp tác, phát triển trong hòa bình, giúp đời sống nhân dân hai nước ngày càng giàu mạnh, sung túc hơn". Quả có vậy. Chiến tranh không phải là trò đùa. Và lịch sử luôn phải là: không ai, không điều gì bị quên lãng.

Nguyễn Thế Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bien-cuong-phia-bac-45-nam-sau-thang-2-1979-42793.html