Biên cương mùa hoa nở

Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Báo Hà Giang và ra số đầu tiên (13.4.1964 - 13.4.2024)

BHG - Biên cương mùa này đẹp lắm, bởi sắc hồng hoa đào, trắng sắc hoa lê, Mộc miên thắm đỏ, tím ngần Tam giác mạch, sim biên giới. Xen đó là những nương cải vàng, trắng, tím trải dài ven sườn núi, trong khu vườn nhà. Có lẽ, sắc hoa và sự lãng mạn của thiên nhiên như xóa tan sự khô cứng, lạnh lùng của đá núi tai mèo, tạo nên một dải biên thùy Hà Giang ngày càng thơ mộng.

Với những người làm báo, đi cơ sở để cảm nhận và viết về các đồn Biên phòng luôn là địa chỉ mà các phóng viên của Tòa soạn Báo Hà Giang muốn đến tác nghiệp. Trở lại các đồn Biên phòng sau những năm tháng cách xa, tất cả đã đổi mới và đẹp hơn rất nhiều. Cảm giác như đi xa trở về nhà, tình cảm giữa người lính và hậu phương như xích lại gần hơn.

Theo chân bộ đội Biên phòng (BĐBP) đến địa bàn cơ sở biên giới, các nhà báo càng hiểu thêm và khâm phục những khó khăn mà BĐBP phải vượt qua. Đi tới đâu cũng thấy bà con gọi mời, chuyện trò thân mật với cán bộ, chiến sỹ (CBCS), “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Hình ảnh “Anh bộ Cụ Hồ” đã đi vào lòng dân, được nhân dân tin yêu, quý mến.

Xa trung tâm huyện, giao thông khó khăn, vậy mà “một thời gian khó” vẫn có những đêm văn nghệ “Cây nhà lá vườn” - Những cuộc sinh nhật của những chàng lính trẻ khá rôm rả. “Quà sinh nhật” do đồng đội tặng hồi đó chỉ là những phong bì đã dán tem thư và giấy viết thư, những bông hoa rừng, chùm hoa sim biên giới. Bên ấm chè, vài ba gói kẹo lạc, kẹo vừng, khách, chủ cùng vui văn nghệ.

Báo Hà Giang đến với cán bộ chiến sỹ và đồng bào xã biên giới Cao Mã Pờ (Quản Bạ). Ảnh: PV

Trong ký ức của các phóng viên Báo Hà Giang chúng tôi còn nhớ những hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh” gần 30 năm trước trên dải biên cương Hà Giang: Khi đó, các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới còn thiếu giáo viên, thiếu cán bộ y tế, số người chưa biết “cái chữ” còn nhiều, thế là các CBCS Biên phòng lại “Gánh cái chữ” ngược núi đem đến cho bà con dân bản. Những lớp học “xóa mù chữ”, “phổ cập tiểu học” do các “thầy giáo biên phòng” đảm nhiệm có ở hầu hết các xóm bản biên giới của tỉnh. Không quản ngại nắng mưa, núi cao, các thầy lặng lẽ cống hiến, mang cái chữ đến với người dân, trẻ em nơi vùng cao biên giới. Cũng từ những lớp học của BĐBP giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, dần xóa bỏ hủ tục.

Cuối năm 2023, khi lên huyện Đồng Văn, qua xã Sủng Là, tình cờ chúng tôi lại gặp lớp xóa mù chữ ban đêm tại thôn Lũng Cẩm. Theo chia sẻ của chị Vương Thị Xuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn: Trong nhiều năm qua, tình trạng chị em và các cháu nhỏ xã Sủng Là tái mù chữ hoặc không theo kịp chương trình học trên lớp diễn ra rất nhiều. Nhằm giúp chị em học chữ, học tính toán để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra cho khách du lịch là rất quan trọng. Được sự trợ giúp của huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Đồn Biên phòng Phó Bảng tổ chức lớp học xóa mù chữ. Vậy là lớp học được thực hiện từ giữa tháng 4.2023, mỗi tuần 5 buổi vào buổi tối, do Trung tá Hùng Minh Phương (dân tộc Mông) và Thượng úy Nguyễn Hữu Quyết thay nhau đứng lớp.

Tham gia lớp học, nhiều chị em tâm sự: “Nhờ lớp học, mà tôi biết đọc, biết làm toán. Tôi sẽ cố gắng học để còn giới thiệu cho du khách khi đến tham quan về vẻ đẹp của thôn và sản phẩm mình làm ra nữa”.

Chuyện tăng gia ở các Đồn, với những người làm báo “kể cả ngày chẳng hết”. Từ đôi bàn tay của CBCS, đất cằn, hốc đá cho những vườn rau tươi tốt; những đàn gà, lợn mũm mĩm. Những năm 1993 - 1996, khi lên các Đồn Biên phòng Lũng Cú, Phó Bảng, Nghĩa Thuận, Bản Máy, Thàng Tín thấy trong kho, trong các phòng ở, hè nhà, ngoài sân... toàn bí. Ấy là chưa kể số quả còn ở ngoài vườn, đi đâu cũng đụng phải bí. Những quả bí xanh, bí đỏ to như cái thùng, to bằng vành nón, thơm dẻo, ngọt lừ. Quanh đồn, ngoài bí là bạt ngàn rau cải, su hào... củ cải to gần bằng cái phích. Khách đến đồn ví “rau cải như cột nhà, quả bí như cái thuyền” chẳng oan chút nào. Vậy mới có chuyện vui rằng: Có chiến sỹ mới lên nhận nhiệm vụ, lần đầu đi địa bàn về gần tới đồn thì trời tối, bị lạc trong vườn rau cải đành trải ni lon bên gốc ngủ tạm, sáng sau tỉnh dậy phải trèo lên ngọn cây gần đó quan sát mới biết đường về.

Đồn Biên phòng nào cũng nuôi nhiều chó, lợn, gà và bồ câu, nhưng khoảng những năm 1996- 1997 “ấn tượng” nhất có lẽ là ở Đồn Lũng Làn, nay mang tên Đồn Biên phòng Sơn Vĩ bởi chuồng chim bồ câu ngay sân đồn được sơn màu xanh, trên các ô cửa là một dòng chữ to màu trắng nổi bật: “Chim phụ nữ”. Chả là những năm đó, chưa có đường ô tô từ huyện Mèo Vạc vào đồn, vào xã Sơn Vĩ; đường xa (cách huyện 48 km), nhiều dốc cao, đời sống ở đồn còn nhiều thiếu thốn, nhất là khâu tăng gia, chăn nuôi, thế nên rất hiếm khi có khách tới đồn, khách là nữ lại càng hiếm. Thương bộ đội, nhân dịp Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3.3, các chị ở Hội Phụ nữ huyện Mèo Vạc lên thăm, có mang theo 2 đôi chim bồ câu tặng CBCS để nuôi. Khi làm chuồng nuôi chim, để nhớ ngày các chị lên thăm, tặng chim, thế là anh em kẻ thêm dòng chữ... Qua nhiều năm, đàn bồ câu được duy trì phát triển, góp phần cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Khi Đồn Biên phòng Lũng Làn được xây mới ở vị trí khác, chuồng chim đành phải bỏ lại vì đã quá cũ, gỗ mục.

Vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới Quốc gia, viết tiếp truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những người lính Biên phòng đã và đang góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng biên cương của Tổ quốc.

Mùa này ai lên biên giới, sẽ cảm nhận thơ mộng của sắc màu cao nguyên, cảm nhận sự cần mẫn của người dân, sự đổi thay ở vùng biên viễn. Rồi ai cũng sẽ nhớ những nụ cười trẻ thơ, nhớ những nụ cười hồn nhiên đến là vô tư của những chàng lính trẻ - những CBCS Biên phòng dám gắn bó, hy sinh, ngày đêm vì sự vẹn toàn chủ quyền bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.

ĐẶNG THỊ PHƯƠNG HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202404/huong-toi-ky-niem-60-nam-ngay-thanh-lap-bao-ha-giang-va-ra-so-dau-tien-1341964-1342024-bien-cuong-mua-hoa-no-92d2ea9/