Vượt lên quá khứ đau thương

'Điểm đặc biệt của cuốn sách này, là chúng tôi khai thác góc nhìn của binh sĩ cấp thấp, chứ không phải tướng lĩnh cao cấp. Ở những binh sĩ này, chúng tôi thấy có kho báu ẩn giấu' - nhà sử học người Pháp PIERRE JOURNOUD chia sẻ về cuốn sách 'Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng'.

Nhà sử học người Pháp PIERRE JOURNOUD

Những nhân chứng đã “lên tiếng”

- Cuốn “Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng” (nguyên bản tiếng Pháp là “Paroles de Dien Bien Phu - Les survivants témoignent”) được bắt đầu như thế nào, thưa ông?

- Ý tưởng để tôi và người cộng sự của mình - GS. Hugues Tertrais viết cuốn sách xuất phát từ hội thảo kỷ niệm trận chiến Điện Biên Phủ tại Paris năm 2003. Hội thảo có sự tham gia của một số học giả Việt Nam, dẫn đầu là GS. Phan Huy Lê. Đó là khởi đầu cho một chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm diễn ra trận chiến Điện Biên Phủ ở cả hai nước, với sự tham gia của các cựu binh, nhà nghiên cứu, nhà sử học… Các cuộc gặp gỡ này thúc đẩy chúng tôi thực hiện một cuốn sách về Điện Biên Phủ dưới một góc nhìn khác.

Riêng tôi, khi viết cuốn sách này, cha tôi đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư. Quá trình tiến hành các cuộc trao đổi, phỏng vấn cựu chiến binh, trong đầu tôi luôn xuất hiện hình ảnh của cha. Cha là cựu sinh một trường quân sự Pháp nhưng thời đó ông còn quá trẻ nên không tham chiến ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, ông rất biết về chiến dịch này và là người gieo vào tâm thức tôi ba từ Điện Biên Phủ. Bởi vậy, tôi mang theo rất nhiều nỗi niềm, tâm sự muốn thực hiện cuốn sách.

- Để viết nên cuốn sách về Điện Biên Phủ dưới một góc nhìn khác, các ông đã nghiên cứu, thu thập tư liệu, thông tin ra sao?

- Ý tưởng kể một “câu chuyện Điện Biên Phủ” qua lời của những nhân chứng thực ra đã được nhà nghiên cứu Michel Bodin thực hiện từ năm 1978. Một bảng câu hỏi được gửi tới các cựu chiến binh nhưng trên 700 câu trả lời thu về đều “không mang lại bất cứ điều gì mới ngoài những mơ hồ chung chung về trận chiến lớn”. Những cựu chiến binh Điện Biên Phủ, như tác giả kết luận, không muốn đề cập tới, thời điểm hợp lý vẫn chưa đến.

26 năm sau, khi mà chỉ còn hơn 1.000 cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Pháp còn sống, chúng tôi bắt tay thực hiện cuốn sách này. Bấy giờ, tôi đang là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu lịch sử quân sự Pháp, nhờ đó nhận được niềm tin, sự ủng hộ của các cựu chiến binh. Tôi cùng GS. Hugues Tertrais thực hiện một cuộc điều tra. Chúng tôi làm việc với Tướng René de Biré, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Điện Biên Phủ và Tổng thư ký đồng thời là người sáng lập hội này Michel Chanteux, đăng bộ câu hỏi lên tạp chí của họ và nhận được phản hồi từ những trang viết đơn giản đến vài trang (thường là những ký ức để lại cho con cháu) và một vài chục giờ ghi âm trên băng từ.

- Theo ông, điều gì khiến các cựu binh lại mở lòng chia sẻ như vậy, dù trước đó đã từ chối nói về trận chiến Điện Biên Phủ?

- Dường như 50 năm sau trận chiến, hai thế hệ sau đó, những cảm xúc và thù hận đã dịu, lương tâm nhẹ nhõm hơn, họ đã lên tiếng. Những bức biếm họa, những sự thật sẵn có và những bài phát biểu đồng thuận in dấu ký ức chính thức về Điện Biên Phủ từ một nửa thế kỷ nay đang vụn vỡ. Một huyền thoại lấp lánh được thay thế phong phú bởi những chiếc huân chương từ đầu trận chiến. Thêm vào đó, dưới ánh sáng của những lời chứng mới, một huyền thoại đen, không xóa bỏ huyền thoại lấp lánh mà hoàn thiện nó một cách hữu ích.

Từ lính binh nhì tới vị tướng bốn sao, những người được phỏng vấn tiết lộ sự thật của họ, với những mảng tối, mảng sáng và cách nhìn riêng. Chúng tôi may mắn chọn đúng thời điểm, nhận được rất nhiều thông tin quý báu mà trước đó họ không nói tới. Một vài người thú nhận với chúng tôi rằng họ đã mất ngủ trước buổi phỏng vấn, bởi vì ký ức cứ nhảy múa trong tâm trí!

Mong ước của các cựu chiến binh Pháp

- Cuốn sách được giới chuyên gia đánh giá là cung cấp cái nhìn mới mẻ về trận Điện Biên Phủ. Theo ông, lịch sử được nhìn trên vai trò, nhận thức của những cựu binh Pháp ở Điện Biên Phủ có gì khác?

- So với những tác phẩm khác về cuộc chiến Điện Biên Phủ, ở cuốn sách này, chúng tôi khai thác góc nhìn từ dưới lên, qua lời kể của binh sĩ cấp thấp, chứ không phải tướng lĩnh cao cấp. Ở những binh sĩ này, chúng tôi thấy có kho báu ẩn giấu. Họ chia sẻ về những gì phải đối mặt trong trận chiến, những suy nghĩ về cuộc chiến tranh thuộc địa mà họ đang tham gia, về cuộc sống thường nhật trong trại tạm giam, về những khó khăn khi trở về... Họ tiếp xúc gần nhất với Quân đội nhân dân Việt Nam và hiểu vì sao Việt Nam chiến thắng. Một điều nữa là cách họ kể bằng những lời lẽ dành cho đối phương là bộ đội Việt Nam đầy tôn trọng. Trong đó, nhiều cựu binh còn nói rằng họ rất muốn được làm lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó cũng là điều rất đặc biệt.

“Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng” bản tiếng Việt do NXB Đại học Sư phạm ấn hành

- Cuốn “Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng” được dịch và xuất bản tiếng Việt đúng dịp kỷ niệm 70 năm cuộc chiến Điện Biên Phủ, cảm xúc của ông như thế nào?

- Ở Pháp, cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 2004, tái bản năm 2012 và năm 2021. Trong 20 năm qua, nhiều nhân chứng không còn nữa nhưng hồi ức của họ giúp chúng ta có được hình dung sinh động về những ngày tháng lịch sử ở Điện Biên Phủ. Ấn phẩm tiếng Việt ra đời dịp này là dấu ấn rất quan trọng, thể hiện sự kết tinh mong ước của các cựu chiến binh Pháp cũng như người dân Pháp, đó là khép lại quá khứ, cùng nhau hướng tới tương lai.

Trong cuốn sách, chúng ta thấy chính các cựu binh Pháp đã vượt lên chính bản thân họ, vượt lên những sang chấn để trở lại chiến trường xưa - nơi họ đã có trải nghiệm đau thương nhưng họ lại rất yêu mến mảnh đất này. Nhiều cựu binh Pháp nói rằng họ đã đến Việt Nam, trở lại Điện Biên Phủ, gặp lại những người trước đây là đối phương nhưng ngày nay họ coi là bạn, cùng uống với nhau cốc bia hay ly cognac… Đó chính là biểu tượng về sự vượt lên quá khứ đau thương, để hai nước, hai dân tộc xích lại gần nhau!

- Xin cảm ơn ông!

Lê Thư thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/vuot-len-qua-khu-dau-thuong-i370556/