Biến chủng Delta đe dọa nền kinh tế Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn khi lạm phát gia tăng nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại, đồng thời biến chủng Delta bắt đầu lây lan tới nhiều tỉnh thành.

Bloomberg nhận định rủi ro kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng trong nửa cuối năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới chững lại trong khi áp lực lạm phát ngày càng lớn.

Theo một báo cáo công bố hôm 9/8, giá (hàng hóa) giao tại cổng nhà máy đã tăng trở lại lên 9% trong tháng 7. Giá tiêu dùng lõi - ngoại trừ thực phẩm và năng lượng - chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong vòng 18 tháng.

Biến chủng Delta lan rộng cũng đe dọa triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc. Goldman Sachs Group Inc. và JPMorgan Chase & Co. hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý III và cả năm 2021. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được dự báo sẽ tăng cường các chính sách nới lỏng hơn nữa.

Biến chủng Delta lan rộng đe dọa triển vọng của nền kinh tế thứ hai thế giới. Ảnh: Reuters.

Tăng trưởng chậm lại

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đứng trước những lựa chọn không dễ dàng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng rủi ro lạm phát sẽ hạn chế dư địa của các động thái mới từ ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, một số khác nhận định môi trưởng tăng trưởng không chắc chắn là nỗi lo ngại lớn hơn, buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phải tung thêm nhiều biện pháp nới lỏng.

"Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu nội địa tại Trung Quốc suy yếu và áp lực lạm phát tổng thể sẽ giảm", ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., nhận định.

"Giá vẫn cao nhưng không còn động lực để tăng cao hơn nữa. Do đó, điều này không phải trở ngại lớn đối với chính sách tiền tệ", ông bình luận.

Sau thông tin, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc tăng 4 điểm cơ bản - mức cao nhất kể từ tháng 1 - lên 2,85%.

"Lạm phát khó có thể là trọng tâm của chính sách tiền tệ trong ngắn hạn. Triển vọng tăng trưởng - dưới áp lực từ sự bùng phát biến thể virus mới - sẽ là mối lo ngại lớn hơn, có thể buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phải hành động mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế", chuyên gia David Qu của Bloomberg nhận định.

Điều này đặt các nhà hoạch định chính sách vào thế tiến thoái lưỡng nan. Lạm phát đang gia tăng nhưng tăng trưởng chậm lại

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management

Giá giao tại cổng nhà máy vọt lên chủ yếu do giá nguyên liệu tăng cao, nhất là dầu và than. Bắc Kinh đã cố kìm hãm đà tăng giá của hàng hóa bằng cách giải phóng kho dự trữ chiến lược quốc gia, hạn chế đầu cơ tích trữ, yêu cầu doanh nghiệp quốc doanh hạn chế mức độ ảnh hưởng từ thị trường hàng hóa nước ngoài.

Tuy nhiên, trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản vẫn tăng 1,3% so với một năm trước đó. Giá lương thực giảm 3,7%, chủ yếu do giá thịt lợn lao dốc 43,5%.

"Chỉ số giá sản xuất (PPI) có thể ở mức khoảng 6% vào cuối năm. Điều này sẽ ít nhiều hạn chế dư địa của các biện pháp nới lỏng tiền tệ", nhà kinh tế cấp cao Zhou Hao tại Commerzbank AG (có trụ sở ở Singapore), bình luận. "Khả năng cắt giảm lãi suất là rất nhỏ", vị chuyên gia nói thêm.

Các dữ liệu thương mại mới nhất cũng chỉ ra nhu cầu toàn cầu lao dốc. Bloomberg nhận định đây là một trở ngại khác đối với tăng trưởng của Trung Quốc. Theo cơ quan hải quan nước này, tăng trưởng xuất khẩu đã lao dốc 19,3% trong tháng 7.

Tiến thoái lưỡng nan

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và ổ dịch Covid-19 tại địa phương cũng làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận chuyển ở nhiều khu vực tại Trung Quốc. Chi phí vận chuyển do đó bị đẩy lên mức cao kỷ lục, triệt tiêu lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.

"Điều này đặt các nhà hoạch định chính sách vào thế tiến thoái lưỡng nan. Lạm phát đang gia tăng nhưng tăng trưởng chậm lại", ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định.

"Đại dịch đang trở nên tồi tệ hơn và gây ra nhiều gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Zhiwei bình luận.

Theo ông, Bắc Kinh áp dụng các biện pháp mạnh tay để ngăn ngừa virus lây lan. Điều đó có nghĩa là việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa sẽ bị giám sát chặt chẽ, gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng.

JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III từ 7,3% xuống còn 6,7%. Dự báo cả năm cũng giảm từ 9,1% còn 8,9%.

Biến chủng Delta sẽ đe dọa chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Goldman cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc từ 8,6% xuống còn 8,3%, trong khi Nomura Holdings hạ dự báo xuống 8,2%.

Mục tiêu của Trung Quốc là tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm nay. Ông Zhu Baoliang, nhà kinh tế trưởng tại một viện nghiên cứu, dự báo tăng trưởng trong quý III, quý IV và cả năm lần lượt là 6,3%, 5% và 8,7%.

Ngày càng nhiều người tin rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách một lần nữa, sau động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các nhà băng hồi tháng 7.

"Cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch. Tâm lý trên thị trường tài chính vẫn chưa vững vàng. Không rõ những diễn biến mới sẽ ra sao và ảnh hưởng đến dòng vốn và danh mục đầu tư tư nhân như thế nào", các nhà kinh tế của JPMorgan, do ông Zhu Haibin đứng đầu, nhận định.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-delta-de-doa-nen-kinh-te-trung-quoc-post1249010.html