Biến chứng chảy máu não do sốt xuất huyết

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường chủ quan, không đi kiểm tra thường xuyên, dễ diễn biến nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như chảy máu não.

Một bệnh nhân phải nhập viện do sốc nặng sau khi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Trương Hiếu.

Gần đây, khoa Hồi sức Thần kinh, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân có tình trạng xuất huyết nội sọ nặng trên nền người bên bị sốt xuất huyết. Hầu hết người bệnh và gia đình chủ quan không đi khám bệnh, kiểm tra, khi đến bệnh viện thì tình trạng rối loạn đông máu nặng, chỉ số tiểu cầu giảm thấp thường dưới 70 G/l.

Theo các bác sĩ, tình trạng này không đủ chỉ định để phẫu thuật cấp cứu. Vì vậy, đa số bệnh nhân có diễn biến nặng, thậm chí tử vong, vì không can thiệp được ngoại khoa ngay hoặc có can thiệp thì xuất hiện tình trạng chảy máu tiếp diễn, diễn biến bệnh trầm trọng hơn.

Cụ thể như bệnh nhân nam, 59 tuổi, bệnh nhân bị sốt 39 độ C khoảng 3 ngày trước đó, không điều trị. Ngày 10/11, gia đình phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, thở khò khè, tụt lưỡi, được cấp cứu tại bệnh viện giờ thứ 2 trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn tối đa. Kết quả chụp CT sọ não có hình ảnh máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải, đè đẩy não thất và đường giữa độ III.

Tuy nhiên, bệnh nhân xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết, tiểu cầu thấp 12 G/L, không đảm bảo an toàn cho cuộc mổ, nguy cơ chảy máu cao. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, truyền khối tiểu cầu cấp cứu, hội chẩn liên khoa quyết định phẫu thuật khi số lượng tiểu cầu tăng lên đảm bảo an toàn.

Các bác sĩ phẫu thuật mở sọ giải ép cho bệnh nhân sau khi truyền khối tiểu cầu. Ảnh: BVCC.

Một trường hợp khác là cụ ông 67 tuổi. Hai ngày trước vào viện, bệnh nhân sốt cao 39,5 độ C, không điều trị gì. Người nhà phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, tiểu dầm, được đưa đi cấp cứu giờ thứ 3 trong tình trạng hôn mê Glasgow 5 điểm, đồng tử mắt phải giãn 5 mm.

Bệnh nhân này cũng không có khả năng phẫu thuật do chỉ số tiểu cầu thấp. Bệnh nhân được truyền khối tiểu cầu tách máy, hồi sức tích cực, tuy nhiên diễn biến lâm sàng tiến triển nặng lên nhanh, hôn mê sâu, giãn đồng tử tối đa hai bên, huyết áp tụt, không còn chỉ định can thiệp ngoại khoa, tiên lượng nặng.

Tiến sĩ Lê Đình Toàn, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh sốt xuất huyết (sốt Dengue) đang bùng phát mạnh tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra được lan truyền qua đường máu với trung gian truyền bệnh từ muỗi vằn Aedes Aegypti. Đây là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm vì các biến chứng liên quan tình trạng rối loạn đông chảy máu do giảm tiểu cầu.

Bệnh nhân có thể gặp biến chứng xuất huyết nội tạng, đặc biệt là xuất huyết nội sọ, có hoặc không kết hợp với một chấn thương nhẹ.

"Dịch sốt xuất huyết Dengue đang vào mùa, triệu chứng dễ nhầm với một số sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan không đi kiểm tra thường xuyên. Bệnh dễ diễn biến nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như chảy máu não", bác sĩ Toàn nói.

Vì vậy, tất cả bệnh nhân khi có biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Ngoài ra, bệnh nhân cần phải đến khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ để theo dõi. Đặc biệt, những trường hợp giảm tiểu cầu nghiêm trọng, tránh để bệnh diễn biến nặng lên, ảnh hưởng đến chỉ định và thời gian can thiệp ngoại khoa.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-chay-mau-nao-do-sot-xuat-huyet-post1380029.html