Biến chủ trương thành hành động thực tiễn

Một trong những chuyện đáng chú ý trong phòng chống tham nhũng mới đây là việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Quyết định số 688-QĐ/TU ngày 18/8/2022 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh, thay thế Quyết định số 655 ngày 30/6/2022.

Theo đó, Quyết định 688 không còn có tên ôngTrần Hồng Quảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026. Trước đó, trong Quyết định số 655, ông Trần Hồng Quảng là Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình.

Một người vừa được tín nhiệm bầu vào làm Phó ban để chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng chưa đầy 2 tháng, và ban này cũng chưa có hoạt động gì nhiều, thì đã phải loại ra. Điều này thể hiện rõ 2 việc:

Thứ nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, trong đó có cả dư luận xã hội, để chọn lựa “đúng người đúng việc”, đủ uy tín để tham gia chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

ÔngTrần Hồng Quảng đang là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhưng trước đó chỉ mấy tháng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng và công tác cán bộ nên thi hànhkỷ luật cảnh cáo.

Với một loạt vi phạm này thì đã rõ là việc trao “thượng phương bảo kiếm” cho ông Quảng là khó đủ độ tin cậy.

Thứ hai, tại sao những kết luận và xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công khai, phổ biến đến tận từng thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình nhưng khi thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì tỉnh này vẫn chọn bầu vào vị trí của một Phó ban - là vị trí rất có quyền hành trong việc chỉ đạo?

Điều này cho thấy đã có dấu hiệu của sự thiếu trách nhiệm đến mức không bình thường trong những lá phiếu bầu chọn nhân sự - điều rất cần lưu ý trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cần nhớ, để triển khai thực hiện tốt đề án của Ban Bí thư về thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì điều đầu tiên và tiên quyết là các địa phương phải lựa chọn cho được một đội ngũ cán bộ có đủ uy tín, tinh thần trách nhiệm cao, nếu không thì việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thất bại ngay từ trong trứng nước.

Nêu chuyện riêng của Ninh Bình để rút ra bài học cho cấp ủy tất cả các tỉnh, thành, nếu thực sự đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Còn nhớ ngày 30/6/2022, khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc tính chất nghiêm trọng của tình hình tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm.

Cùng với đó là tổ chức, bộ máy… của các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế, bất cập; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thậm chí có trường hợp còn sa vào suy thoái, mắc vào tiêu cực, tay đã nhúng chàm, không dám đấu tranh hoặc tiếp tục tiếp tay cho tham nhũng.

Từ thực tiễn đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trước hết cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất… Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát biểu chủ trì Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào sáng 17/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng không được chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được; phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hãy biến chủ trương thành hành động thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/bien-chu-truong-thanh-hanh-dong-thuc-tien-i664919/