BIDV trở lại tìm vốn từ kênh trái phiếu với kế hoạch phát hành 20.000 tỷ đồng

Dư địa phát hành vốn cấp 2 của BIDV thực tế đã "cạn" từ những năm trước. Chưa rõ kế hoạch phát hành tối đa 20.000 tỷ đồng sẽ thông qua hình thức trái phiếu nào.

Kế hoạch trở lại huy động vốn qua kênh trái phiếu, giá trị "khủng"

Theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID-HoSE), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định số 973/QĐ-NHNN về việc chấp thuận phương án phát hành trái phiếu năm 2017 của Ngân hàng.

Theo đó, NHNN chấp thuận cho BIDV phát hành trái phiếu năm 2017 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 20.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 8.000 tỷ đồng trái phiếu mà Vietcombank, một nhà bằng quốc doanh khác được NHNN cho phép phát hành trong năm 2017.

Lãi suất trái phiếu do BIDV quyết định phù hợp với lãi suất thị trường và quy định hiện hành về lãi suất của NHNN trong từng thời kỳ, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động cho BIDV.

Đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đối tượng mua trái phiếu do BIDV phát hành lần đầu trên thị trường sơ cấp không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con của tổ chức tín dụng.

Việc mua lại trái phiếu phải được thực hiện trên cơ sở tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định. Trong trường hợp trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 thì việc mua lại trái phiếu phải phù hợp với quy định hiện hành tại các văn bản pháp luật có liên quan.

NHNN yêu cầu mục đích phát hành, tên gọi trái phiếu, đồng tiền phát hành, thời hạn, hình thức phát hành, địa điểm phát hành, phương thức phát hành, phương thức thanh toán gốc và lãi, thời điểm trả gốc và lãi thực hiện theo phương án phát hành trái phiếu năm 2017 đính kèm Công văn số 1573/BIDV.ALCO ngày 29/3/2017 của BIDV.

Cạn dư địa phát hành vốn cấp 2, BIDV sẽ lựa chọn phát hành trái phiếu gì?

Huy động vốn thông qua kênh trái phiếu không mấy xa lạ đối với các ngân hàng. Trong năm 2016, Vietcombank đã hoàn tất phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu, trong đó có 6.000 tỷ đồng trái phiếu cấp 2. Có tới 2.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành cho đối tượng là các cá nhân. Năm 2017, Vietcombank được NHNN cho phép phát hành 8.000 tỷ đồng.

Bản thân BIDV cũng là một ngân hàng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu trong giai đoạn trước đây. Liên tục trong 3 năm, từ năm 2012-2015, trái phiếu tăng vốn cấp 2 của BIDV tăng và đạt tới mức gần 20.000 tỷ đồng. Ngược lại, trái phiếu thường luôn duy trì ở mức thấp và có xu hướng giảm. Tới cuối năm 2015, giá trị trái phiếu thường là 1.000 tỷ đồng.

Năm 2016, việc phát hành trái phiếu tăng vốn chững lại, trái phiếu thường giảm mạnh về mức 367 tỷ đồng. Lý do khiến BIDV ngừng huy động từ kênh trái phiếu tăng vốn là bởi... hết dư địa.

Từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 tổ chức cách đây hơn 1 năm, Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú cho biết dư địa tăng vốn cấp II đã thực hiện hết. Nếu BIDV tăng vốn thành công thì vốn cấp 2 có dư địa tăng thêm 4.700 tỷ. Tuy nhiên, trong năm 2016, BIDV đã không thể thực hiện bất kỳ phương án tăng vốn nào. Điều này cũng đồng nghĩa dư địa tăng vốn cấp 2 qua kênh trái phiếu vẫn không thay đổi.


Giá trị huy động vốn qua kênh trái phiếu của BIDV từ 2012 - 2016

Chưa rõ phương án phát hành mà BIDV trình với NHNN. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 được tổ chức vào ngày 29/3/2017, BIDV không đề cập nhiều đến kế hoạch phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, nhà băng này từng đề cập đến việc nghiên cứu phát hành trái phiếu chuyển đổi trong những phương án tăng vốn được đề xuất.

Tăng vốn cũng là nhiệm vụ trọng yếu số 1 trong năm 2017 của BIDV. Theo kế hoạch trình cổ đông, BIDV dự kiến phát hành tối đa 4.445 tỷ đồng qua 3 đợt. Đó là, BIDV dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả 7%. Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ với thời gian hạn chế chuyển nhượng cùng là 1 năm.

Theo một phân tích của Moody's mới đây, thiếu hụt vốn tiếp tục là gánh nặng lớn cho tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Điều này cũng không ngoại lệ với BIDV. Hệ số CAR hợp nhất 2016 theo cập nhật của Tổng giám đốc BIDV tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây là 10,15%. Dù vẫn đảm bảo trên 9%, nhưng ngân hàng đề ra kế hoạch năm 2017 với chỉ tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa 16%.

Trường hợp nếu không tăng được vốn, BIDV sẽ phải cấu trúc lại các tài sản có, tài sản có rủi ro, dài hạn chênh lệch lớn để đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn yêu cầu của Nhà nước. Lãnh đạo BIDV cho biết đã lên các kịch bản cho những trường hợp này.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/bidv-tro-lai-tim-von-tu-kenh-trai-phieu-voi-ke-hoach-phat-hanh-20-000-ty-dong-20170519075919611p4c149.news