Bị treo lương 5 tháng, 3.700 công nhân sống vật vờ: Dưới bảo vướng, trên nói không!

Liên quan tới việc gần 3.700 người lao động (NLĐ) đang làm việc tại các Cty thủy nông trên địa bàn Hà Nội bị chậm lương, nhiều lý do được đưa ra, trong đó có việc vướng Thông tư 280. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng không có vấn đề trong nội dung Thông tư này.

Công nhân thủy nông Hà Nội vẫn duy trì tốt công việc được giao mặc dù bị chậm lương 5 tháng. Ảnh: B.HOẠT

Bộ Tài chính chưa nhận được kiến nghị

Liên quan tới vụ việc gần 3.700 NLĐ làm việc tại các Cty thủy nông chậm lương gần 5 tháng, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội - cho biết việc chậm lương 3 tháng đầu năm 2017 là do đang vướng một số chính sách liên quan. Cụ thể, hiện nay Nhà nước đang thực hiện chính sách miễn, giảm thủy lợi phí theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP.

Trong khi đó, Luật Giá ban hành năm 2012 chưa tính đến đặc thù của dịch vụ thủy lợi và giá dịch vụ thủy lợi cũng chưa nêu rõ nội dung trợ giá, miễn, giảm tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi cho người dân. Do vậy, TP không biết chi phí giá dịch vụ thủy lợi này sẽ được các tổ chức, cá nhân sử dụng chi trả hay Nhà nước cấp ngân sách. Bên cạnh đó, mới đây Bộ Tài chính ra Thông tư 280/2016/TT-BTC quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Nếu chiếu mức giá trần dịch vụ thủy lợi như Thông tư trên, thì giá trị đặt hàng tối đa của TP.Hà Nội chỉ khoảng 330 tỉ đồng (thấp hơn so với giá trị đặt hàng theo đơn giá của TP 220 tỉ đồng).

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội khẳng định: Mức giá trần dịch vụ thủy lợi được quy định tại Thông tư 280 chưa xem xét kỹ đến các điều kiện đặc thù của từng vùng miền, nhất là thủ đô Hà Nội. Ông Mỹ cũng cho hay UBND TP.Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT cho phép TP đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2017 vượt mức giá trần theo quy định của Thông tư 280 với kinh phí lên tới 550 tỉ đồng (thay vì 330 tỉ đồng như quy định hiện hành).

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết khi soạn thảo Thông tư 280 quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành địa phương liên quan. Do đó, đại diện này cho rằng không có vấn đề trong nội dung Thông tư 280. Vị này cũng cho biết Bộ Tài chính đã nhận được công văn kiến nghị của Hà Nội và đã phúc đáp công văn này. Tuy nhiên, kiến nghị của Hà Nội không xoay quanh vấn đề giá trần dịch vụ công ích thủy lợi mà liên quan tới việc xác định các đối tượng được miễn giảm giá dịch vụ thủy lợi.

Cụ thể, trước đây đã có quy định về các đối tượng miễn giảm phí nhưng khi chuyển sang cơ chế giá thì chưa có quy định rõ về các đối tượng được miễn giảm giá và việc này là do Bộ NNPTNT đề xuất và Chính phủ quyết định. Cũng theo đại diện của Cục Quản lý giá, hiện Bộ NNPTNT đã có công văn đề xuất về đối tượng miễn giảm giá dịch vụ thủy lợi lên Chính phủ chờ phê duyệt, còn Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện sau khi Chính phủ có ý kiến.

Ai sẽ phải “bồi thường” cho người lao động?

Việc chậm lương gần 5 tháng khiến cho cuộc sống của hàng nghìn gia đình công nhân lao đao. Thậm chí, nhiều gia đình phải đi vay lãi để chi tiêu.

Dư luận đặt câu hỏi, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho NLĐ? Cụ thể, theo điểm b, khoản 2, Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 1.3.2015: Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 1 tháng. Còn theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp, cơ quan chậm trả lương cho NLĐ có thể bị phạt từ 5-50 triệu đồng.

Về vấn đề này, luật sư Đặng Thị Tâm - Văn phòng Luật sư Quốc Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) - cho rằng: Các Cty thủy nông trên địa bàn Hà Nội có tư cách pháp nhân đầy đủ, có con dấu riêng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ tổ chức.

Cty phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân; chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác; chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Vì thế, các Cty nói trên phải chịu trách nhiệm các khoản nợ lương cán bộ công nhân viên của mình theo luật quy định.

Mặt khác, cần dựa vào điều lệ và các tài liệu khác của mỗi Cty để biết trách nhiệm của các bên liên quan.

HUYÊN NGUYỄN - KHÁNH HÒA

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/bi-treo-luong-5-thang-3700-cong-nhan-song-vat-vo-duoi-bao-vuong-tren-noi-khong-650562.bld