Bí thư Hà Nội: 'Có nhà thiết kế vẽ ra tuyến đường lao toàn qua khu dân cư'

"Các dự án cần được nghiên cứu kỹ. Làm thế nào hạn chế chuyện GPMB. Có những nhà thiết kế, tư vấn chỉ ngồi trong phòng, vẽ ra tuyến đường lao toàn qua khu dân cư. Người ta gọi là đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm".

Đây là ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2016 vào sáng nay 28/9.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến sáng 28/9.

Rà soát các dự án trọng điểm

Tại hội nghị trực tuyến, có 16 ý kiến từ 30 đầu cầu trên địa bàn TP Hà Nội với những nội dung chính như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình hình thực hiện các công trình dự án trọng điểm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay toànTP có 11 dự án chuyển tiếp được đôn đốc thực hiện. Dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành 5 dự án, 6 dự án còn lại sẽ hoàn thành nốt trong năm 2017.

“Với 40 dự án mới thì trong tháng 10 sẽ khởi công tiếp 11 dự án, còn 29 dự án đang hoàn thiện thủ tục, cố gắng đến năm 2017 khởi công 10 dự án và đến năm 2018 thì tiến hành khởi công nốt những dự án BT và BOT” – ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, thời gian qua, TP cùng các Sở, ban, ngành đã sắp xếp, thu gọi lại các thủ tục, có 5 dự án gom thành hồ sơ của 1 dự án; đã tập trung rà soát các dự án trọng điểm được đầu tư vốn ngân sách nhà nước. Vốn nhà nước dự kiến ban đầu là 362.484 tỷ, nay thu gọn xuống còn 267.333 tỷ. Đã chuyển 85.751 tỷ từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước sang xã hội hóa, trên cơ sở đó kêu gọi xã hội hóa vào các dự án cầu đường để đẩy nhanh các dự án trọng điểm.

“Thành phố cũng đã rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình, thủ tục, các chủ trương giới thiệu nhà đầu tư; Rà soát, báo cáo Thủ tướng xin cho Hà Nội cơ chế đặc thù để lựa chọn nhóm dự án trên tinh thần giao cho TP Hà Nội tiến hành các trình tự, thủ tục, trước tiên là ưu tiên dự án cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, các dự án cầu…. Đến nay các Bộ ủng hộ” – ông Nguyễn Đức Chung nói.

Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì thời gian qua, UBND TP thường xuyên họp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, trao đổi với JICA, với WB và các Bộ, đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài để tiến hành ký kết… Với tiến độ đó, 51 dự án trọng điểm về cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, cố gắng mục tiêu 5 năm hoàn thành các dự án trọng điểm.

Liên quan đến phân cấp đầu tư, ông Nguyễn Đức Chung cho biết TP đã chủ trương theo hướng giảm bớt thủ tục đầu tư. Theo đó, TP giao toàn quyền cho Chủ tịch UBND các quận/huyện về thủ tục đấu thầu các dự án cũng như thủ tục GPMB, làm sao tăng nguồn thu từ đấu giá sử dụng đất.

“Xung quanh các chính sách GPMB, đề nghị trong quá trình thực hiện các chính sách cố gắng làm nhanh để kịp tiến độ. Đề nghị đôn đốc, cố gắng đẩy nhanh GPMB đảm bảo tiến độ, vì nếu dự án của TP Hà Nội chậm thì dự án đường trên cao của Bộ GTVT chậm và sẽ bị cắt vốn ODA. Áp lực là phải hoàn thành các dự án dưới mặt đất thì Bộ GTVT mới hoàn thành được dự án đường trên cao” – ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Cần hạn chế chuyện GPMB

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, thời gian qua TP đã nỗ lực cải cách hành chính. Sở, ngành, quận, huyện đã tháo gỡ và giải quyết cho người dân, rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Trước đây từng nghe có tình trạng nhũng nhiễu trong việc này, có 300 triệu mới được cấp, nhưng thời gian qua đã nỗ lực, đạt được mục tiêu đáp ứng nhu cầu của người dân. Cấp giấy chứng nhận sử dụng đất thì người dân, doanh nghiệp yên tâm hơn, góp phần ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” – Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội thì đây là việc tác động mạnh đến ổn định tình hình kinh tế xã hội ở địa phương nên phải nỗ lực thực hiện. 78% khiếu nại tố cáo là về đất đai, nếu giải quyết tốt thì giảm khiếu nại tố cáo, giảm được thì xã hội bình an hơn vì giảm được bức xúc cho dân.

“Đền bù GPMB và tái định cư là những nội dung rất quan trọng có liên quan đến nhau, đây cũng là vấn đề khó, đặc biệt ở TP càng khó hơn vì toàn đất vàng, người cũng vàng luôn nên khó khăn lắm, phải nỗ lực tìm giải pháp.

Tôi đánh giá cao TP thời gian qua cùng các sở ngành đề xuất giải pháp mới để GPMB, không đổ cho ai hết mà tự tìm giải pháp tốt hơn. Chúng ta bình tĩnh triển khai thí điểm để từ đó thực hiện tiếp. Trước mắt là quyền người dân được tôn trọng, dân được quyền lựa chọn hơn. Quyền người dân được tôn trọng hơn nghĩa là việc bố trí, phân bổ dân cư của TP tốt hơn chứ không phải cứ xây một chỗ ở TP rồi bảo dân về đấy ở chứ không có lựa chọn khác” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, GPMB liên quan đến ổn định chính trị xã hội, liên quan đến tạo sự đồng thuận của dân. Mỗi lần GPMB là chúng ta vấp phải bức xúc trong dân cư rồi khiếu nại tố cáo rất nhiều, nếu làm tốt thì hạn chế được khúc mắc trong dân, tạo sự đồng thuận tốt hơn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo: “Các dự án cần được nghiên cứu kỹ. Làm thế nào hạn chế chuyện GPMB. Có những nhà thiết kế, tư vấn chỉ ngồi trong phòng, vẽ ra tuyến đường lao toàn qua khu dân cư. Người ta gọi là đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm, làm gì mà không chết. Chúng ta cũng đã bị dự án như vậy rồi. Phải khắc phục các hạn chế đã vấp phải thời gian trước đây”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn dụ vụ tắc đường ở Cầu Tó, “anh Chung bàn phải có đầu tư cấp bách cho khu vực này. Va chạm nhỏ mà tắc đường 2 tiếng, nếu không quyết liệt thì không chỉ tắc 2 tiếng mà có thể lên tới 10 tiếng”.

Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, với 8 tuyến đường sắt đô thị mà hiện nay mới triển khai 3 tuyến, nếu không vào cuộc khẩn trương thì không có gì tháo gỡ được.

“Tháo gỡ hệ thống hạ tầng chính là tháo gỡ hệ thống đường sắt đô thị, còn phải quy hoạch thêm tuyến nối, chứ 8 tuyến này chưa đủ. 8 tuyến này 20 tỷ đô la cũng chưa đủ cho dân số trên 10 triệu dân” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Đối với 51 dự án trọng điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng TP hiện đã quá tải nghiêm trọng về hạ tầng. 51 dự án trọng điểm thời gian tới vẫn chưa trả lời được những thách thức này mà còn phải làm hơn nữa. Do đó, các dự án phải có cơ chế đặc biệt, đặc thù để đẩy nhanh hơn. Về lâu dài, cũng phải tính đến vận động người dân đồng thuận để hạn chế phương tiện cá nhân, kể cả ô tô.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bi-thu-ha-noi-co-nha-thiet-ke-ve-ra-tuyen-duong-lao-toan-qua-khu-dan-cu-post210176.info