Bị thiệt vì tự làm khó

Ứng xử thiếu khôn ngoan trong quá trình giải quyết tranh chấp sẽ khiến người lao động thiệt thòi

“Khi anh Hỷ đưa đơn xin nghỉ việc lần đầu, tôi không đồng ý nên đã xé trước mặt anh ấy. Nghĩ lại, thấy mình hơi quá đáng nên tôi cũng định xin lỗi và xem xét cho anh Hỷ nghỉ việc. Thế nhưng, tôi chưa thực hiện thì anh ấy đã đưa đơn xin nghỉ việc lần 2 kèm theo lời hăm dọa. Nếu đồng ý cho nghỉ việc thì hóa ra tôi sợ anh ta hay sao?”. Đây là giải thích của ông H.Q, giám đốc Công ty H. (quận 12, TP HCM), khi nói về lý do vì sao không giải quyết cho anh Nguyễn Văn Hỷ, nhân viên xử lý nước thải, nghỉ việc.

Cố tình gây khó

Ông Q. cho biết anh Hỷ được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 3 năm, đến ngày 1-3-2018 mới hết hạn. Theo quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ), nếu anh Hỷ muốn chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn thì phải có lý do chính đáng và báo trước 30 ngày. Thế nhưng, ngày 4-11-2016, anh Hỷ nộp đơn xin nghỉ việc với lý do gia đình có việc cần giải quyết gấp và yêu cầu công ty cho nghỉ ngay vào ngày 8-11.

Có thiện chí và tôn trọng lẫn nhau sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động khi giải quyết tranh chấp

Vì lý do nghỉ việc không chính đáng nên ông Q. đã từ chối giải quyết và xé đơn của anh Hỷ. Ngày 10-11-2016, anh Hỷ tiếp tục gửi đơn xin nghỉ việc và nghỉ ngay vào hôm sau. Nội dung đơn nghỉ việc lần này kèm theo hàng loạt yêu cầu buộc công ty phải thực hiện như: lập tức tiến hành thủ tục chấm dứt HĐLĐ; lên lịch hẹn ngày, giờ (sau 17 giờ 30 phút hoặc thứ bảy, chủ nhật) để xem xét và ký toàn bộ hồ sơ giải trình tạm ứng; nhanh chóng tuyển người thế chỗ để nhận bàn giao (trong 1 ngày)...

“Anh Hỷ thừa biết bộ phận hành chính, kế toán của công ty làm việc theo giờ hành chính, nghỉ thứ bảy và chủ nhật, vậy mà còn đưa ra yêu sách như thế thì làm sao chúng tôi đáp ứng? Đã vậy, anh ta còn hăm dọa sau ngày 25-11-2016, nếu chúng tôi không thực hiện đúng yêu cầu sẽ khởi kiện và công bố sai phạm của công ty đến báo, đài và cơ quan chức năng... Chúng tôi không làm gì sai, anh ta muốn kiện cáo gì thì cứ việc” - ông Q. bức xúc.

Chỉ vì nóng giận mà anh Hỷ đã tự làm khó mình. Bởi lẽ, đến nay, anh vẫn chưa được công ty thanh toán tiền lương tháng 10-2016, chưa kể gần 70 triệu đồng tiền mua sắm vật tư do anh tự bỏ ra mua trong thời gian còn làm việc.

Bốc đồng, nóng vội

Thực tế cho thấy có nhiều vụ việc đáng lẽ đã được giải quyết êm thấm nếu như cả người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động bình tĩnh, tôn trọng lẫn nhau, có thiện chí giải quyết. Thế nhưng, không phải NLĐ nào cũng hiểu được điều đó. Đây là nguyên nhân khiến nhiều vụ tranh chấp lao động bị đẩy đi xa hơn, NLĐ cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình đi đòi quyền lợi.

Vụ tranh chấp giữa anh Lê Văn Tài và Công ty TNHH R.P (quận 1,

TP HCM) mới đây là một minh chứng. Tháng 3-2015, anh Tài ký HĐLĐ làm việc cho công ty với vị trí trưởng phòng kinh doanh. Tháng 8-2016, do bị nợ lương 3 tháng, anh xin nghỉ việc. Mới đây, bức xúc vì chưa được thanh toán tiền lương, anh đã gửi đơn tố cáo đến Công ty T.Y - nơi bà Nguyễn Thúy Vy, vốn là đại diện pháp luật của Công ty R.P, đang làm việc.

Bà Vy bức xúc: “Tôi vốn là nhân viên kế toán, chỉ đứng tên trong giấy phép thay ông Jesper, quốc tịch Hà Lan, để mở Công ty R.P và anh Tài biết rõ điều này. Song, tôi hiểu rõ luật nên không hề phủ nhận trách nhiệm của mình trong việc giải quyết quyền lợi cho anh ta. Vì vậy, khi anh Tài đòi lương ông Jesper không được đã quay qua đòi tôi. Tôi đã hứa sẽ tìm cách để ép ông Jesper trả lương và ông ấy cũng hứa sẽ giải quyết trước tháng 3-2017. Thế nhưng, tôi chưa kịp báo tin thì anh ta đã gửi đơn kiện làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân tôi. Sự việc đã đến nước này, anh ấy muốn kiện ở đâu thì tùy, tôi không quan tâm”.

Cách đây không lâu, vì đột ngột bị cho nghỉ việc trái luật nhưng không được bồi thường thỏa đáng, anh Nguyễn Duy Khang, nhân viên Công ty W.H (quận 12), đã trả đũa bằng cách đứng trước cổng công ty nhiều ngày, giơ băng-rôn yêu cầu trả nợ. Anh còn liên tục phao tin W.H sắp vỡ nợ đến các đối tác, khách hàng của công ty.

Chính vì hành động nông nổi này mà trong phiên hòa giải tại tòa mới đây, dù thừa nhận chuyện cho anh Khang nghỉ việc là sai nhưng Công ty W.H từ chối bồi thường và nhận anh trở lại làm việc. Đại diện công ty còn cho biết đang thu thập chứng cứ để khởi kiện đòi anh Khang bồi thường thiệt hại.

Bài và ảnh: HƯƠNG HUYỀN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/bi-thiet-vi-tu-lam-kho-20170219215602266.htm