Bí quyết trồng rau phủ kín sân thượng của bà mẹ 7X nhờ công thức thuốc sâu tự chế

Sau 3 năm, chị Kim Oanh (38 tuổi- Hưng Yên) đã gieo trồng đủ các loại rau quả sạch trên sân thượng như: rau cải, rau muống, mồng tơi, bí đao,...và các loại rau gia vị.

Mùa nào rau nấy

Hơn chục năm nay, chị Kim Oanh đã tự trồng rau sạch phục vụ bữa ăn hằng ngày. Nhưng, mảnh đất vườn cách nhà mất trăm mét, chị không có thời gian đi lại chăm sóc. Vì vậy, chị đã quyết định cải tạo khu sân thượng, làm vườn trồng rau quả để tranh thủ sớm tối tưới tiêu, bắt sâu diệt bọ.

Chị tâm sự: “Hiện nay, nhu cầu rau sạch đang trở thành vấn đề bức thiết. Do đó, mình quyết định duy trì làm vườn để có đủ lượng thực phẩm sạch dành cho các con và gia đình. Hơn nữa, mình coi chuyện làm vườn là niềm đam mê, thu vui sau mỗi giờ lao động mệt mỏi”.

Chị Kim Oanh coi chuyện làm vườn là niềm đam mê, thu vui sau mỗi giờ lao động mệt mỏi

Với khu vườn sân thượng rộng khoảng 50m vuông, chị Oanh có thể trồng đủ các loại rau quả, mùa nào rau nấy như: các loại rau cải, rau muống, mồng tơi, su hào, su su, bầu bí, chanh leo, hoa thiên lý và các loại rau gia vị. Thậm chí, chị còn trồng thử nghiệm giống cải mới như cải làn, cải cầu vồng, cải hoa hồng. “Nói chung, mình trồng rau theo mùa, cứ rau vụ xuân hè gối thu đông. Quay vòng như vậy, gia đình mình không phải mua rau ngoài chợ. Thi thoảng, mình thu hoạch chúng biếu họ hàng và bạn bè”, chị kể.

Khó khăn chồng khó khăn

Có kinh nghiệm trồng rau hơn 10 năm, chị Oanh khẳng định, trồng rau sân thượng khó khăn hơn trồng vườn rất nhiều. Trước tiên, khâu vận chuyển đất, phân bón cùng các dụng cụ làm vườn lên sân thượng cực vất vả. Vợ chồng chị phải dùng dây thừng cẩu đất từ tầng 1 lên tầng 3 bằng hình thức thủ công. Tiếp đó, chị phải che chắn ánh nắng khi trồng rau vụ hè và gió lạnh khi trồng vụ đông.

Trồng rau trên sân thượng tầng 3, chị Oanh đã gặp phải nhiều khó khăn

Thông thường, trồng rau sân thượng, “nông dân” thường sử dụng thùng xốp. Tuy vậy, chị Oanh dùng toàn bộ chậu nhựa thông minh. Vì vậy, khâu trộn đất vào chậu sao cho đất tơi xốp, giúp cây phát triển và thoát nước kịp thời cũng là vấn đề quan trọng. “Khi trộn đất, mình thực hiện theo công thức: đất phù xa trộn với phân trùn hoặc phân bò, phân hữu cơ vi sinh, trầu gà hoai mục với bã đỗ tương ủ hoai và các loại rác hữu cơ từ củ quả bỏ đi.. Sau mỗi lứa, mình đổ đất ra phơi khô và rắc thêm vôi bột để chống nấm và mầm bệnh trong đất trồng”, chị Oanh cho hay.

Làm xong đất, chị Oanh bắt đầu chọn giống gieo trồng. Chị cho biết, chị thường chọn những hạt giống tốt nhất để cây có thể phát triển nhanh và cho năng suất cao. Đối với phân bón rau quả, chị dùng hoàn toàn phân hữu cơ như phân rác, phân cá và phân từ đỗ tương hoặc nước vo gạo ủ chua. Riêng phân vô cơ, chị Oanh chỉ dùng cho những loại ăn rau quả như bầu bí, mướp, đỗ, cà chưa và dưa chuột. Trường hợp rau quả bị sâu bệnh, chị không dùng thuốc sâu hóa học. Ngược lại, chị chỉ dùng thuốc sinh học để loại trừ như dung dịch tỏi ớt, gừng giã nhỏ ngâm rượu hoặc quả bồ hòn hay tự tay bắt.

Chị Oanh sử dụng chậu nhựa thông minh, bày khắp sân thượng

Rau cải là thức ăn ưa thích của gia đình chị Oanh

Do vậy, chị trồng đủ các loại rau cải, từ cải ngọt đến cải chíp, cải canh...

Thậm chí, chị còn trồng thử nghiệm giống cải mới như cải làn, cải cầu vồng, cải hoa hồng

Mỗi chậu nhựa, chị trồng khoảng 8-9 cây cải

Thông thường, cải cho bẹ to, lá xanh và ăn rất ngọt

Rau muống xanh được trồng quanh năm

Rau dền đỏ cọng đỏ chi chít lá non

Bên cạnh rau dền, chị trồng thêm rau xà lách

Bí xanh cho quả từ khi còn nhỏ

Các loại rau gia vị như mùi ngò, húng chanh...

...được trồng trong chậu riêng biệt

Ớt và đậu đũa được trồng sát tường rào

Ngoài đam mê rau cỏ, chị Oanh còn có sở thích chơi hoa

Chị trồng đủ các loại hoa hồng, cho sắc màu rực rỡ

"Chùm" hoa hồng đỏ đang nở hoa, khoe sắc

Hồng đỏ- hồng phấn đẫm mình trong sương sớm

Theo Vân Anh (Khám phá)

Nguồn Eva: http://eva.vn/nha-dep/bi-quyet-trong-rau-phu-kin-san-thuong-cua-ba-me-7x-nho-cong-thuc-thuoc-sau-tu-che-c169a288075.html