Bị cườm khô có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

Bạn đọc NGUYỄN LÊ TUYẾT MINH (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM): Mẹ tôi 72 tuổi, gần đây mắt nhìn mờ, ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày. Các bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi bị cườm khô. Bệnh có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

BS CK2 TĂNG HỒNG CHÂU, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn II: Đục thủy tinh thể (cườm đá, cườm khô) là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến nhất trên thế giới. Có khoảng 25-50 triệu người trên toàn cầu có thị lực dưới 1/20 do đục thủy tinh thể.

Thủy tinh thể là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc. Khi tình trạng trong suốt này mất đi, thủy tinh thể sẽ chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua. Giảm thị lực là triệu chứng quan trọng nhất, thường là nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng.

Mức độ giảm thị lực tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh, ở giai đoạn đầu sẽ mất khoảng 1/10 thị lực, khi bệnh nặng nhất thì người bệnh chỉ còn nhận biết được ánh sáng.

Bệnh đục thủy tinh thể là một bệnh nguy hiểm, vì thế cần chữa trị kịp thời. Hiện nay phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật. Phẫu thuật Phaco (hay Phacoemulsification) giúp khôi phục thị lực cho người bệnh có thị lực bị giảm do đục thủy tinh thể.

Các ca mổ Phaco hiện nay chỉ kéo dài khoảng 5 đến 10 phút và người bệnh có thể sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật. Bạn có thể sắp xếp đưa mẹ đến bệnh viện để khám mắt tổng quát và sẽ xác định mức độ của đục thủy tinh thể cùng phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Bạn đọc có thắc mắc về tình hình sức khỏe, cách phòng chống bệnh, vui lòng gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Khoa giáo - Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; điện thoại: 0916702027 hoặc qua email: thanhson@sggp.org.vn.

Báo SGGP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bi-cuom-kho-co-nguy-hiem-khong-va-dieu-tri-nhu-the-nao-post736609.html