Bị biến chứng vì uống nước lá tía tô cho dễ đẻ

(PL&XH) - Nhiều bà bầu chưa biết thực hư công dụng của loại lá này ra sao nhưng đã thử áp dụng theo, thậm chí có người còn uống dài ngày thay cho nước lọc. Trường hợp chị Sâm ở huyện Từ Liêm, Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Do nghe lời mách bảo, rỉ tai nhau trên mạng rằng khi có bầu uống nước lá tía tô đun sôi thì lúc chuyển dạ sẽ dễ sinh hơn nên nhiều thai phụ đã áp dụng cách này. Tuy nhiên, hiệu quả đâu chưa thấy nhưng đã có nhiều trường hợp rước họa vì tùy tiện sử dụng lá thuốc này.

Lên mạng internet, chỉ cần gõ từ khóa “dùng lá tía tô giúp dễ đẻ” thì sẽ có hàng loạt các trang web đưa ra các bài viết với kinh nghiệm của “người đi trước” là khi chuyển dạ uống nước lá tía tô sẽ giúp cuộc vượt cạn trở nên nhẹ nhàng. Một thai phụ chia sẻ, trong khi đi đẻ có gặp một phụ nữ khác vào cùng lúc nhưng chỉ sau một giờ đã sinh con dễ dàng nhờ uống một cốc nước lá tía tô. Bản thân chị sau 10 giờ đau đớn, được chồng đưa cho uống cũng chuyển dạ sau 30 phút. Chị tin tưởng rằng việc chuyển dạ diễn ra ngay là nhờ uống nước lá tía tô nên mách mọi chị em khác về công dụng kỳ diệu của loại lá này. Đặc biệt, theo kinh nghiệm của mọi người thì các bà bầu có thể uống nước lá tía tô ngay từ tháng thứ 8, mỗi ngày 1 ly cũng giúp mềm cổ tử cung và giúp cổ tử cung mở nhanh hơn khi sinh nở.

Phụ nữ có thai không nên tùy tiện sử dụng các loại lá mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc.

Nhiều bà bầu chưa biết thực hư công dụng của loại lá này ra sao nhưng đã thử áp dụng theo, thậm chí có người còn uống dài ngày thay cho nước lọc. Trường hợp chị Sâm ở huyện Từ Liêm, Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Cho đến giờ khi nằm ôm ấp cậu con trai được nửa tháng tuổi, chị Sâm vẫn chưa kịp hoàn hồn do trót nghe theo “mách bảo” của bạn bè. Chị Sâm cho biết, khi mang bầu đến tháng thứ 7, chị bắt đầu lấy lá tía tô đun lên và làm nước uống thay nước lọc hàng ngày vì nghe nói lá tía tô có tác dụng an thai, lại giúp quá trình chuyển dạ nhanh chóng. Chị uống triền miên suốt 2 tháng và trong quá trình ấy cũng không đi khám thai, đến khi vào BV khám và làm thủ tục đăng ký sinh thì các bác sĩ ở BV Y học Cổ truyền Hà Nội vội vã chỉ định chuyển chị đến khoa Việt Nhật, BV Bạch Mai khám, theo dõi do huyết áp của chị lên quá cao.

Chị đến BV Bạch Mai khám, các bác sĩ liền yêu cầu nhập viện ngay lập tức và sáng hôm sau tiến hành hội chẩn, mổ gấp để lấy cháu bé ra. Chị cho biết, mấy ngày gần đây chị cảm thấy trong người nóng bức, khó ngủ dù thời tiết mát mẻ nhưng không hiểu lý do vì sao…

Bác sĩ Trần Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Châm cứu Trung ương cho hay: Trong Đông y lá tía tô được gọi là tô diệp, một loại thuốc có tác dụng giải cảm. Với người có thai, việc dùng lá tía tô trong vòng 2-3 ngày để chữa cảm cúm cũng rất tốt. Tuy nhiên, người có thai dùng tía tô dài ngày, đặc biệt là dùng thay nước uống hàng ngày lại có thể gây nguy hại cho thai. Lý do là lá tía tô nóng, khi ở đầu thai kỳ cơ thể đa nhiệt nếu dùng lâu ngày, dùng nhiều dễ làm nóng thêm, có thể dẫn đến sảy thai. Trong thai kỳ nói chung, cơ thể thai phụ cũng nóng nếu dùng lá tía tô dài ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp.

Phụ nữ mang thai bị huyết áp cao có thể gặp phải các biến chứng như tiền sản giật, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Nguy cơ của thai nhi là chậm phát triển trong buồng tử cung và bị đẻ non. Đặc biệt nghiêm trọng là để lại hậu quả lâu dài trên hệ tim mạch. Những người bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu, có nguy cơ tăng huyết áp ở lần mang thai sau. Họ còn có nguy cơ bị tăng huyết áp và đột quỵ cao sau này.

Sử dụng lá tía tô để chữa bệnh phải có chỉ định của thầy thuốc. Mọi người không nên tự ý dùng bừa bãi, mà phải có ý kiến của thầy thuốc về liều lượng uống ra sao, thời gian uống như thế nào để đảm bảo an toàn. Việc dùng bừa bãi có thể mang lại hậu quả khó lường do nhiệt tán ra ngoài, bác sĩ Thanh khuyến cáo.

Ngay cả việc dùng nước lá tía tô trong lúc chuyển dạ mặc dù không gây hại nhưng theo các thầy thuốc Đông y thì cũng không có cơ sở khoa học nào. Một lương y tại Hà Nội cho biết: Trước kia, cành tía tô được dùng làm thuốc an thai cho những trường hợp bị động thai. Còn lá tía tô là thuốc giải cảm. Vì nó cũng là thuốc nên về nguyên tắc một khi đã dùng để chữa bệnh thì phải có sự tư vấn, hướng dẫn của thầy thuốc. Tía tô hơi ấm, mùa đông có thể uống một ít nhưng không nên dùng liên tục. Đặc biệt, việc uống nước lá tía tô giúp chuyển dạ nhanh, dễ, hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Vì vậy, mọi thai phụ không nên nghe theo những kinh nghiệm truyền miệng, thiếu căn cứ mà tùy tiện sử dụng các loại thuốc này để tránh những hậu quả đáng tiếc cho thai nhi và bản thân.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20121129093837636p1001c1051/bi-bien-chung-vi-uong-nuoc-la-tia-to-cho-de-de.htm