Bí ẩn mảnh đất vô chủ không quốc gia nào thèm lấy

Nằm giữa biên giới Ai Cập và Sudan là một trong những mảnh đất đặc biệt nhất thế giới khi không quốc gia nào muốn nhận chủ quyền.

Mảnh đất hình thang rộng 2.000 km vuông có tên Bir Tawil này nằm ở một trong những vùng hoang vắng nhất của Bắc Phi. Khu vực này chủ yếu là cát đá, không có đường sá, cư dân thường trú hay tài nguyên thiên nhiên. Việc xác lập chủ quyền ở đây dường như không mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào, theo Amusing Planet.

Tuy nhiên, nằm liền kề với Bir Tawil là một mảnh đất hình tam giác lớn hơn nhiều, có tên Hala’ib. Mảnh đất này cũng chỉ toàn cát và đá, nhưng vị trí giáp Biển Đỏ giúp nó có giá trị hơn. Cả Ai Cập và Sudan đều muốn Hala’ib, song theo đường biên giới, mỗi quốc gia chỉ có thể có Bir Tawil hoặc Hala’ib chứ không phải cả hai. Bất kỳ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền trên Bir Tawil sẽ phải từ bỏ vùng Hala’ib, nơi mang lại lợi nhuận hơn.

Tình huống đặc biệt bắt nguồn từ năm 1899 khi Vương quốc Anh, quốc gia nắm quyền trong khu vực lúc bấy giờ, ký hiệp định với Ai Cập để cùng quản lý Sudan. Chính quyền Anh triển khai xây dựng một khu nhà ở được gọi là Sudan-Anh-Ai Cập. Trên thực tế, người Anh có toàn quyền kiểm soát Sudan vì Ai Cập chỉ là một nước bảo hộ của họ. Trong mọi trường hợp, biên giới giữa Ai Cập và Sudan sẽ chạy dọc theo vĩ tuyến 22. Ba năm sau đó, Anh cho rằng đường biên giới này không phản ánh đúng việc sử dụng đất của các bộ lạc bản địa và vẽ ra một ranh giới mới.

Người Anh quyết định quản lý ngọn núi nhỏ ở phía nam vĩ tuyến vì đây là quê hương của bộ lạc Ababda, những người có mối quan hệ mật thiết với Ai Cập hơn Sudan. Vùng đất này trở thành Bir Tawil về sau. Vùng đất Hala’ib bên cạnh Biển Đỏ được bàn giao cho người Sudan vì đây là quê hương của những người Beja, bộ tộc gần gũi hơn với họ.

Các vấn đề nảy sinh khi Sudan giành được độc lập năm 1956. Chính phủ Sudan tuyên bố biên giới quốc gia của mình giống quy định như Anh xác lập vào lần thứ 2, tức Hala’ib là một phần của Sudan. Tuy nhiên, Ai Cập cho rằng đây chỉ biên giới hành chính tạm thời và chủ quyền vẫn được xác định như hiệp ước năm 1899, tức là tam giác Hala’ib ở Ai Cập.

Cả Ai Cập và Sudan đều không muốn khẳng định chủ quyền với Bir Tawil vì làm vậy là họ bỏ quyền lợi với Hala’ib. Trên các bản đồ của Ai Cập, Bir Tawil thuộc về Sudan trong khi với người Sudan, vùng đất này thuộc Ai Cập.

Trên thực tế, Bir Tawil không thuộc về bất kỳ quốc gia hay cá nhân nào. Vài người trên khắp thế giới đã cố gắng lập vương quốc của mình ở đây. Năm 2014, Dmitry Zhikharev và bạn của ông, Mikhail Ronkainen đã cắm lá cờ Nga trên núi Bir Tawil. Cũng trong năm đó, người đàn ông Mỹ tên Jeremiah Heaton tuyên bố khai sinh “vương quốc” mới, giúp con gái thực hiện ước mơ làm công chúa. Ông đã cắm lá cờ mà gia đình tự thiết kế ở đây. Hay Suyash Dixit, một doanh nhân Ấn Độ, cắm lá cờ riêng của mình năm 2017.

Tổng hợp

Đỗ An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-an-manh-dat-vo-chu-khong-quoc-gia-nao-them-lay-2141368.html