'Bếp quê choa' của Chiến

Cách làm du lịch của Lê Xuân Chiến, 25 tuổi ở phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) đặc biệt hơn. Từ làm kênh vlog về ẩm thực, Chiến tiếp tục hướng đến du lịch trải nghiệm. Ở đó du khách được hòa mình vào khung cảnh làng quê xưa, với mái tranh, bếp củi, gáo dừa..., tự cuốc đất, trồng rau, ra đồng bắt cá..., và vào bếp nấu những món ăn dân dã, đậm hương vị đồng quê...

Chiến và bà ngoại.

Trở về

Trở về quê nhà sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Lê Xuân Chiến sau đó đi làm một số việc tại Hà Nội, trong đó anh đã từng là phụ bếp cho một nhà hàng. Nhưng rồi Lê Xuân Chiến quyết định về quê lập nghiệp. Nói lập nghiệp nhưng khi trở về, Chiến vẫn rất mông lung, chưa định hình cho bản thân một công việc cụ thể. Lê Xuân Chiến nhớ lại: “Tôi định tạm thời sẽ mở một cửa hàng tạp hóa bán bánh kẹo nhưng khi đấy gia đình có một số việc nên đành phải gác lại. Tình cờ một lần lướt tiktok, tôi xem được 1 trang chuyên ẩm thực đồng quê, tôi nghĩ, họ nấu được, mình cũng nấu được. Tôi nhớ đến căn nhà, giếng nước, khu vườn của bà ngoại tôi lâu không sử dụng, cảnh có thể không xưa lắm nhưng nơi đó có thể giúp tôi làm vlog về ẩm thực đồng quê. Ý tưởng bắt đầu từ đó...”. Thuận hơn nữa khi Lê Xuân Chiến có một người em làm bên lĩnh vực truyền thông ở Hà Nội, sau khi nghe Chiến kể về ý tưởng cũng như mong muốn cho ra đời một kênh vlog ẩm thực, người này đã gật đầu đồng ý rời Hà Nội, về quê bắt tay cùng anh thực hiện. Từ đây, mở ra một hành trình mới với nhiều thú vị, bất ngờ...

Giữ lại hồn quê

Sau khi dọn dẹp, tu sửa lại căn nhà và đi sưu tầm một số đồ dùng hợp với cảnh quê xưa là chiếc nơm, chày, cối, chum đựng nước, gáo dừa..., cuối tháng 2/2023, chính thức bấm máy quay về ẩm thực và khung cảnh đồng quê. Mái nhà tranh, bếp củi và Chiến tự tay nấu món ăn. Điều đặc biệt, Chiến đã đặt cho kênh vlog ẩm thực của mình với tên cũng khá chân quê: “Bếp quê choa”. Buổi ghi hình đầu tiên, “Bếp quê choa” giới thiệu món cháo trai mà theo như chia sẻ của Chiến, đấy là món ăn anh thích từ bé và không chỉ anh mà nhiều người cũng rất thích món cháo đồng quê này. Tiếp đó là canh cua, cà pháo hay tép rang, rau muống xào...

Phong cảnh làng quê với chum nước, gáo dừa.

Những tưởng món ăn bình dị thì cách nấu cũng đơn giản nhưng dưới bàn tay của Chiến, anh tinh tế và khéo léo hơn, món ăn theo đó cũng hấp dẫn, bắt mắt hơn. Sau 2 tháng bấm máy, có món đã lọt vào tầm ngắm của nhiều người, như món cá chép om dưa, cao view (lượt xem) nhất, lên tới khoảng 400 nghìn. Tuy nhiên, hiện cảnh quay về ngôi nhà lại đang dẫn đầu với 4,6 triệu lượt xem. “Tôi làm được khoảng 2 tháng về ẩm thực thì sang tháng 3 tôi kết hợp làm du lịch”. Anh Chiến nói: “Không chỉ giới thiệu phong cảnh hay món ăn thông qua công nghệ mà tôi còn muốn người xem sẽ có những trải nghiệm thực tế ngay tại căn nhà của ngoại tôi, nơi mà chúng tôi hàng ngày vẫn quay, dựng hình giới thiệu món ăn trên kênh vlog “Bếp quê choa”.

Cũng từ tháng thứ 3, anh Chiến đã mời bà ngoại cùng tham gia thực hiện clip. Năm nay, bà 84 tuổi. Kịch bản do anh xây dựng. Hai bà cháu diễn tự nhiên, mộc mạc, chân thực. Hình ảnh người bà mang về cho cháu con cá chép để om dưa hay bữa cơm đời thường, hai bà cháu cùng ngồi trước sân vừa ăn vừa chuyện trò, ấm áp, thân tình... “Sự gắn kết giữa thế hệ trước, thế hệ sau mà ở đó hình ảnh người bà đóng vai trò quan trọng. Tình bà cháu là một trong những tình cảm đáng trân quý nhất. Bà dạy cho tôi rất nhiều điều. Những món ăn tôi nấu cũng đều có thêm sự chỉ dẫn của bà. Vậy nên, hình ảnh của bà sẽ làm cho video đó có ý nghĩa hơn”. Anh Chiến cho biết.

Dẫn dắt người xem bằng những thước phim sinh động về phong cảnh làng quê, món ăn quê đã giúp cho vlog ẩm thực của Lê Xuân Chiến đến thời điểm hiện tại với hơn 130 nghìn người theo dõi trên tiktok và 185 nghìn người theo dõi trên facebook. Qua kênh vlog, du khách đến với “Bếp qua choa”, để “mục sở thị” cũng nhiều hơn. Chỉ tính trong 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 8), anh Chiến đã đón hơn 20 hộ gia đình đến trải nghiệm tại chính ngôi nhà mà anh đã thực hiện quay các video clip phong cảnh, ẩm thực. Do diện tích còn hạn hẹp, mới chỉ có 1 nhà khách và 1 nhà bếp, nên 1 tuần anh Chiến chỉ nhận 1 hộ gia đình đến tham quan, nghỉ ngơi... Hộ nhiều nhất 8 người, ít nhất 4 người. Tại đây, khách có thể ra vườn cuốc đất, trồng rau hoặc ra đồng câu cá và có thể tự tay vào bếp nấu ăn.

Cách làm du lịch của Lê Xuân Chiến có thể không giống với nhiều người, khi anh tái hiện lại cảnh làng quê xưa mà ở đó, anh muốn gửi đến thông điệp: Cuộc sống càng hiện đại, càng cần phải giữ lại nét quê, hồn quê, đi xa để nhớ và trở về.

Làm loại hình du lịch này, Chiến giàu không? Tôi đã hỏi thế. Anh cười, không giàu. Làm kênh vlog và để thực hiện trải nghiệm cho du khách đồng thời bán thêm các sản phẩm làng nghề như nước mắm Ba Làng..., đã và đang tạo cho anh thu nhập không khủng nhưng ổn định. Tất nhiên, Chiến vẫn còn nhiều ước mơ như có thêm đất để nhân rộng mô hình mà ở đó anh sẽ dựng thêm nhà, tạo nhiều khung cảnh làng quê, những mong loại hình du lịch này phát huy hiệu quả hơn. Nhưng, dường như điều này khó thực hiện vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/bep-que-choa-cua-chien/29882.htm