Bệnh viện Xanh Pôn sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư xã hội hóa

“Trang thiết bị đã phát huy được đúng mục đích và mang lại hiệu quả tốt. Máy móc, thiết bị được đầu tư sau khi tiếp nhận đã được đưa ngay vào sử dụng”.

Đây là báo cáo của lãnh đạo BV Xanh Pôn với đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội, về tình hình mua sắm và quản lý sử dụng trang thiết bị y tế giai đoạn 2011 – 2016 vào chiều 11/4.

Nhiều kỹ thuật cao đã được áp dụng tại Bệnh viện Xanh Pôn

Thu hút nguồn vốn xã hội hóa 2,623 tỷ đồng cho 6 danh mục

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là bệnh viện hạng I của Thành phố với 7 chuyên khoa, 580 giường kế hoạch. Bệnh viện tiếp nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân trên địa bàn và các vùng lân cận đến khám và chữa bệnh mỗi ngày.

Với những thế mạnh vượt trội của bệnh viện đầu ngành của Sở Y tế Hà Nội, nhiều kỹ thuật cao đã được áp dụng tại đây như: ghép thận, phẫu thuật thay khớp háng và khớp gối toàn bộ, phẫu thuật nội soi khớp gối và khớp vai, phẫu thuật thần kinh có sử dụng hệ thống vi tính dẫn đường… Trong số đó nhiều kĩ thuật cao ngang tầm quốc tế nhưng mới chỉ áp dụng ở Bệnh viện Saint Paul.

Trong giai đoạn 2011 - 2016, Bệnh viện đã được đầu tư 162 danh mục trang thiết bị y tế với tổng kinh phí hơn 148 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước là 101,376 tỷ đồng (125 danh mục), kinh phí phát triển sự nghiệp là 12,693 tỷ đồng (12 danh mục), nguồn tài trợ 31,381 tỷ đồng (42 danh mục), nguồn xã hội hóa 2,623 tỷ đồng (6 danh mục).

Các trang thiết bị được đầu tư dựa trên việc xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch và sự định hướng cho các năm sau của các khoa, phòng, đặc biệt có sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành. Nhờ đó, trang thiết bị đã phát huy được đúng mục đích và mang lại hiệu quả tốt. Máy móc, thiết bị được đầu tư sau khi tiếp nhận đã được đưa ngay vào sử dụng.

Các trang thiết bị hiện có đều trong tình trạng hoạt động tốt và được phân công cán bộ quản lý, sử dụng. Bệnh viện cũng bố trí kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đảm bảo đầy đủ thiết bị phục vụ bệnh nhân.

Các thiết bị thuộc khối xét nghiệm được thực hiện nội kiểm, ngoại kiểm đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác. Bên cạnh đó, hàng năm, Bệnh viện đều tiến hành theo dõi thiết bị đòi hỏi an toàn cao. Đồng thời, có sự kiểm định, hiệu chuẩn định kì theo quy định.

Đối với việc thanh lý tài sản, trang thiết bị y tế, bệnh viện thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Cụ thể, năm 2012 đã thanh lý 191 thiết bị; năm 2013 thanh lý 257 thiết bị; năm 2015 thanh lý 150 thiết bị.

Trang thiết bị y tế chưa đáp ứng nhu cầu

Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, mặc dù được trang bị hàng năm, nhưng số lượng máy móc, trang thiết bị vẫn còn hạn chế so với nhu cầu khám chữa bệnh. Trong khi đó, số lượng nhân viên kỹ thuật công tác về trang thiết bị còn mỏng. Vật tư, linh kiện sửa chữa đôi lúc không có sẵn và phải chờ nhập khẩu…

Tại buổi làm việc, Bệnh viện cũng đã kiến nghị tăng cường, bổ sung thêm đủ số lượng và chủng loại thiết bị y tế để triển khai các kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân Thủ đô. Đặc biệt là các trang thiết bị công nghệ cao, thế hệ mới nhằm phát triển các kỹ thuật khám, chữa bệnh chuyên sâu.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, mua sắm và quản lý sử dụng trang thiết bị y tế là chuyên đề nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh. Đồng thời khẳng định, Bệnh viện đã tuân thủ quy trình thực hiện mua sắm và quản lý sử dụng trang thiết bị y tế giai đoạn 2011 - 2016 theo đúng quy định.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp tục lựa chọn các chuyên ngành nhằm triển khai công tác rà soát một cách hiệu quả; thực hiện tốt công khai minh bạch đảm bảo quy chế dân chủ tại cơ sở.

Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị các ngành y tế, tài chính quan tâm trong phân cấp các hạng mục đấu thầu, quản lý và thanh lý máy móc, trang thiết bị y tế…

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/benh-vien-xanh-pon-su-dung-hieu-qua-nguon-dau-tu-xa-hoi-hoa-post225251.info