'Bệnh viện tuyến cuối' của tên lửa phòng không

Vũ khí, khí tài được khám tổng thể, xác định tình trạng sức khỏe và để các 'bác sĩ' có kế hoạch giải quyết từng 'mặt bệnh' từ đơn giản đến phức tạp... là cách nói vui của Đại tá Phạm Đức Giang, Phó giám đốc Nhà máy A31, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) với chúng tôi về nơi được gọi là 'Bệnh viện tuyến cuối' của các loại tên lửa phòng không. Theo hướng dẫn của Đại tá Phạm Đức Giang, chúng tôi thực mục sở thị từng 'phân khoa' bên trong 'bệnh viện' sửa chữa tên lửa…

Hồi sinh khí tài

Trong lòng phân xưởng sửa chữa đài điều khiển, ngổn ngang các cabin của tổ hợp tên lửa Petrora S-125M, Vonga S-75M3 đang được bảo trì. Túc trực bên những khối máy hỏng hóc, đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên làm việc không ngơi tay để khôi phục lại cơ cấu hoạt động của từng chi tiết, cụm chi tiết trong đài điều khiển. “Hiện chúng tôi đang hiệu chỉnh tham số hệ điều khiển, khó nhất là phần truyền động. Bởi chi tiết này sẽ quyết định đến kết quả bắn của cả tổ hợp. Riêng công đoạn tháo dỡ, tổ chức khắc phục, lắp ráp rồi hiệu chỉnh đã mất cả một tuần. Thậm chí, phải tháo ra lắp lại nhiều lần mới có thể tìm ra được những lỗi nhỏ nhưng dễ gây hậu quả lớn. Mỗi lần như vậy đều để lại kinh nghiệm hết sức quý báu, giúp chúng tôi áp dụng hiệu quả trong những lần sửa chữa tiếp theo”, Thiếu tá Trần Trọng Đại, Quản đốc phân xưởng đài điều khiển nói.

Sửa chữa đài điều khiển tổ hợp tên lửa Petrora S-125-2TM.

Ở khu vực khác của nhà máy, một quả tên lửa Petrora đang nằm gọn trên giá đẩy. Đây là quả đạn dùng cho các tổ hợp tên lửa Petrora S125M và tổ hợp tên lửa Petrora cải tiến 2TM được trang bị cho lực lượng phòng không Việt Nam. Thiếu tá Bùi Trường Giang, Phó quản đốc phân xưởng sửa chữa kíp – đạn cho biết: “Các kỹ sư, kỹ thuật viên đang đau đầu tìm phương án sửa chữa bộ phận máy lái của quả đạn. Phần cơ khí đang bị hư hỏng nặng. Cục Kỹ thuật Quân chủng PK–KQ đặt ra yêu cầu cho nhà máy phải sửa chữa triệt để ban bệnh này nhằm đảm bảo tính chính xác, hiệu quả khi tên lửa làm việc. Vấn đề khiến chúng tôi đau đáu là phải có thiết bị thay thế để tháo rời khối đó ra sửa. Nhưng hiện nay, nhiều chủng loại vật tư của nước bạn đã không còn sản xuất, đòi hỏi các kỹ sư, kỹ thuật viên của Nhà máy phải tận dụng các vật tư tồn kho, phát huy tối đa khả năng, trí tuệ, kinh nghiệm của mình để tiến hành phục hồi, sửa chữa theo đúng quy trình công nghệ, đúng tham số của khối máy".

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Ngà, Phó trưởng phòng Kỹ thuật của Nhà máy kể: “Có những tình huống ngay cả chuyên gia của đất nước sản xuất tên lửa cũng không lường trước được. Như trong một lần thực hành bắn tên lửa, đã từng xuất hiện một ban “bệnh lạ”, thông thường khi khí tài ở chế độ chiến đấu, thì chế độ phóng giả sẽ tự động ngắt. Nhưng ở lần bắn đạn thật đó, sau khi đưa khí tài về chế độ chiến đấu, tên lửa được phóng lên sau khi bắn lại mất điều khiển. Điều này được lý giải là do không ngắt được lệnh phóng giả trong chế độ chiến đấu khi đài điều khiển làm việc với đạn tên lửa thật, khiến tên lửa được dẫn bằng lệnh điều khiển giả. Kết quả tên lửa mất điều khiển. Đây là một bài toán hóc búa đặt ra cho đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên của Nhà máy".

"Và những tháng ngày mất ăn, mất ngủ đã giúp chúng tôi tìm ra được lời giải. Sáng kiến “Giá thử kiểm tra bắn điện tử trong chế độ chiến đấu” đã khắc phục triệt để hiện tượng mất kiểm soát chế độ phóng giả trong chế độ phóng thật, giúp nâng cao độ sâu trong việc kiểm soát tham số kỹ thuật của đài, đảm bảo độ tin cậy của khí tài cho các lần bắn đạn thật. Thiết bị đã thành công ngay từ lần thử nghiệm đầu tiên và từ đó đến giờ, Nhà máy vẫn sử dụng giá thử này để kiểm tra hệ thống tên lửa trong những lần rà soát khí tài tham gia bắn đạn thật”, Trung tá Nguyễn Văn Ngà cho hay.

Hiệu chỉnh đạn tên lửa Petrora S-125-2TM.

Lĩnh vực khó

Ở nhà máy có nhiều phân xưởng, mỗi phân xưởng đều có độ khó riêng. Tính kỷ luật của mỗi ngành rất cao. Sửa chữa cơ khí, modul hay đạn tên lửa... đều đòi hỏi chất xám, sự thông minh, nhanh nhạy. Càng nhiều công nghệ tổng hợp bên trong thì càng khó. “Càng học tập, nghiên cứu nhiều về tên lửa, chúng tôi càng cảm thấy tự hào vì có cơ hội được làm việc trong lĩnh vực mà ở Nga, người ta xếp loại tên lửa nằm trong bốn ngành khoa học kỹ thuật khó nhất. Nhà máy A31 đang là một trong hai đơn vị đảm nhận việc sửa chữa trang bị kỹ thuật cho một trong bốn lĩnh vực khó nhất ấy. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong thời gian qua, Nhà máy đã được trên đầu tư nhiều dây chuyền, trang bị công nghệ hiện đại nhằm phục vụ việc sửa chữa các loại vũ khí khí tài mới”, Đại tá Phạm Đức Giang, Phó giám đốc Nhà máy nói.

Có mặt tại tòa nhà công nghệ cao, nơi có khả năng can thiệp được những hỏng hóc thuộc các hệ thống xây dựng trên nền tảng kỹ thuật công nghệ mới như: Các khối, modul, mạch dải siêu cao tần… Chúng tôi mới thấy hết công việc của những “người hùng” thầm lặng làm nên điều kỳ diệu cho khí tài. Không ồn ào vồn vã, không phô trương thành tích, đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên ở đây thật bình thường, giản dị nhưng luôn là những người gánh vác nhiều nhiệm vụ, nhiều dự án trọng điểm của đơn vị. Một công việc đòi hỏi không chỉ làm chủ công nghệ mà phải sáng tạo trong chính việc sử dụng, cải tiến những công nghệ ấy. Gặp người được anh em kỹ thuật trêu là luôn “ngồn ngộn” ý tưởng, Đại úy Phan Duy Thái, Trợ lý Kỹ thuật cho biết, ý tưởng đến trong đầu anh cả trong giấc ngủ, trong các bữa cơm hay trong lúc chạy thể dục.

Các kỹ sư, kỹ thuật viên đang kiểm tra modul của khí tài Petrora S-125-2TM.

Anh chia sẻ: “Modul khuếch đại trung tần sơ bộ của khí tài Petrora S-125-2TM là sản phẩm tâm huyết nhất của tôi. Đây là dòng modul xử lý tín hiệu cao tần rất phức tạp. Với vai trò cán bộ kỹ thuật, tôi cùng với đồng đội đã chủ trì tiến hành nghiên cứu, thiết kế lại mạch nguyên lý và tiến hành chế thử, thử nghiệm nhiều lần, đã hoàn thành sản phẩm với thông số kỹ thuật có phần tối ưu hơn phiên bản do nước bạn sản xuất. Khi nghiệm thu trên vũ khí trang bị, modul đảm bảo thay thế 1:1 so với modul nước ngoài. Trong khi giá thành nhập khẩu modul này lên tới gần nửa tỷ đồng, giá thành chúng tôi sản xuất chỉ dao động khoảng 200 trăm triệu đồng. Hiện tại, chúng tôi đã sản xuất được hàng trăm chủng loại modul của khí tài Petrora S-125-2TM và khí tài S-300PMU1”.

Theo Đại tá Phạm Đức Giang: Nhờ những sản phẩm “bạc tỉ” của Nhà máy mà nhiều năm qua, từ việc nhiều thiết bị, vật tư thay thế vẫn còn phụ thuộc nước ngoài, thì bây giờ đơn vị đã có thể tự lực cánh sinh, tự làm. Còn nhớ từ năm 2018 trở về trước, khi đảm bảo kỹ thuật cho tổ hợp tên lửa Petrora S-125-2TM mới cải tiến tham gia diễn tập thì chúng tôi vẫn phải mời chuyên gia nước bạn sang để hỗ trợ. Trong điều kiện khó khăn đủ đường, thiếu tài liệu, thiếu vật tư, trang bị và công nghệ, song Nhà máy vẫn tự nghiên cứu, tự viết quy trình, tiến hành sửa chữa vừa tên lửa Petrora S-125-2TM. Khi đảm bảo kỹ thuật cho khí tài tại trường bắn đã không cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia. Đó đều là những bước đi vượt bậc của Nhà máy. Hướng đi sắp tới của Nhà máy là tiếp tục nâng cao năng lực công nghệ sửa chữa vũ khí phòng không thế hệ mới thông qua việc triển khai các dự án đầu tư công nghệ, trước mắt là triển khai có hiệu quả dự án “Đầu tư công nghệ sửa chữa tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới giai đoạn 2”.

Cái tâm của cán bộ

Chia sẻ thêm về công việc của những người làm công tác kỹ thuật. Trung tá Nguyễn Văn Ngà, Phó trưởng phòng Kỹ thuật cho biết: “Có thời điểm công việc yêu cầu tiến độ sửa chữa gấp trong khi khí tài phát sinh nhiều hỏng hóc, vật tư lại khan thiếu, anh em lúc nào cũng trong tình trạng “căng đầu, căng óc, căng tai”. Sửa chữa vũ khí khí tài quân sự không như sửa một cái xe, hay một cái máy tính đơn thuần, nó không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của vũ khí trang bị mà ảnh hưởng đến hoạt động sẵn sàng chiến đấu của cả một đơn vị. Do đó phải đặt cả trách nhiệm và cái tâm của mình vào trong công việc. Anh em kỹ thuật rất ít nói, lúc nào cũng suy nghĩ, vừa đi vừa nghĩ. Thấy cái gì chưa hợp lý, bất ổn, tối về nghĩ, sáng ra đề xuất. Có khi nghĩ luôn cả những thứ không phải lĩnh vực của mình. Ngày qua ngày, công việc ít nhiều cũng có những ảnh hưởng. Quanh quẩn bên máy móc, khí tài, khi hiệu chỉnh, sửa chữa, tiếng kêu của các linh kiện, các loại máy móc rất ồn, re ré bên tai, không phải một vài tiếng đồng hồ là hết, có lúc mấy tháng ròng mới hiệu chỉnh xong. Đầu óc thì căng thẳng lại còn ồn ào. Không tránh khỏi có lúc cảm thấy mệt mỏi. Nhưng chỉ cần nhìn thấy sự an toàn của vũ khí, trang bị, nhìn thấy được hiệu suất chiến đấu của khí tài, cũng như niềm tin của đồng đội dành cho những người làm công tác kỹ thuật là sự khích lệ lớn nhất để chúng tôi giữ vững tình yêu với tên lửa”.

Ở nhà máy sửa chữa khí tài quân sự, chỉ học qua trường lớp thôi là chưa đủ mà phải có trải nghiệm thực tiễn mới thành thạo được. Nhưng đối với những người trẻ có trình độ, có nhiệt huyết cháy bỏng, có đam mê nghiên cứu, tìm tòi thì nhất định sẽ được trọng dụng. Để minh chứng cho điều này, Đại tá Phạm Đức Giang dẫn chúng tôi tới Phòng Kỹ thuật và được gặp một cán bộ rất trẻ - đó là Thượng úy Nguyễn Trần Đức, sinh năm 1994, Khoa Kỹ thuật điều khiển, Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Trần Đức nhớ lại quãng thời gian mới về Nhà máy: “Ngày đó, tôi chỉ biết công việc, máy móc, linh kiện, không biết yêu đương là gì. Tôi đam mê công nghệ và kỹ thuật. Để áp dụng lý thuyết vào từng linh kiện, từng mạch điện phải có thời gian dài nghiên cứu, thực tế. Cho nên những ngày nghỉ hay buổi tối, thay vì ra ngoài chơi uống cà phê, tôi chỉ thích vào xưởng nghiên cứu cách sửa chữa các bộ khí tài. Bản thân tôi luôn tâm niệm, làm việc trong lĩnh vực công nghệ, phải luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo và sẵn sàng đối mặt với các thách thức, đột xuất, ngoài kỳ vọng của mình, phải dám chấp nhận “sai và thử’’. Những lần lăn xả như vậy làm mình rất hứng thú, tâm huyết và đầu tư công sức nhiều hơn, có khó cũng nhất định không thể “bó tay” trước công nghệ, trước kỹ thuật mới". Không giấu được lòng nhiệt thành ánh lên trên đôi mắt, tôi cảm nhận được tình yêu nghề và ước mong được gắn bó lâu dài với Nhà máy của anh.

Đại tá Phạm Đức Giang, Phó giám đốc Nhà máy khẳng định: Chúng tôi đang có kế hoạch về việc đưa các “bác sĩ trẻ” có trình độ đi đào tạo thêm vì lực lượng kỹ thuật tham gia sửa chữa khí tài thế hệ mới được coi là “của hiếm” ở Nhà máy. Bởi các tổ hợp tên lửa ngày càng hiện đại, không đi trước đón đầu, không chuẩn bị từ sớm thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Bài, ảnh: TRƯƠNG NHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nganh-ky-thuat-quan-doi-hanh-trinh-tien-len-hien-dai/benh-vien-tuyen-cuoi-cua-ten-lua-phong-khong-754222